|
Ở tuổi xấp xỉ 70, ngày ngày ông Lê Minh vẫn cặm cụi làm cào cào, châu chấu bằng lá dừa nước - Ảnh: Nguyễn Quang |
16 năm qua, chỉ trừ những ngày có chuyện chẳng đặng đừng, ông Lê Minh mới không chở “cả gia tài” dạo quanh các con phố TPHCM. Còn lại, ngang dọc khắp các con đường, thỉnh thoảng vẫn thấy bóng dáng người nghệ sĩ già cặm cụi làm cào cào, châu chấu bằng lá dừa nước. Ông nói khoái nhất là khi được khen làm đẹp, hễ được khen thì mệt cách mấy cũng sướng rơn.
Nhớ thuở mới vào nghề
Ông Lê Minh (69 tuổi) từng là họa sĩ, sống bằng nghề vẽ tranh. Từ nhỏ, ông đã yêu hội họa, thích “chơi” với màu sắc. Cậu bé ngày nào cứ thế lớn lên, theo tháng ngày tự rèn giũa thành họa sĩ. Long đong với đời, lúc vinh hoa, khi nghèo khó nhưng ông không bỏ được niềm đam mê với tranh, nói rộng hơn là nghệ thuật. Cho đến một ngày, mắt phải mờ dần, được phẫu thuật nhưng không khá hơn, lão họa sĩ chọn dừng - đúng ra là vì không thể tiếp tục vẽ như trước.
Trong những ngày cảm nhận rõ rệt sức khỏe không còn tốt, nhớ lại hình ảnh con cào cào, châu chấu, cá, cua… được làm bằng lá dừa nước thuở nhỏ, tay chân ông lại táy máy muốn làm thử.
“Hồi còn ở quê nhà Tiền Giang, tôi từng thấy có người làm cào cào, châu chấu bằng lá dừa nước để bán. Thời đó còn nhỏ, tôi thấy thích nên tập làm chứ không nghĩ có ngày kế sinh nhai lại nhờ vô lá dừa nước. Ban đầu, vợ tôi cũng nghi ngờ, nghĩ chồng mình làm chi cho cực, tốn công vô ích nhưng khi tôi bán được vài con, mỗi con giá 5.000 đồng, bà lại ủng hộ, động viên” - ông Lê Minh kể.
|
Ông Lê Minh chia sẻ, khách hàng vui thì ông cũng cũng vui lây |
Ngày thị lực yếu dần, chỉ mắt trái còn thấy rõ, ông Minh không có nhiều sự lựa chọn cho công việc nhưng phải làm vì bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Quán cơm của vợ ông chỉ lo được phần nào cho các con, vậy nên ông muốn đỡ đần.
“Đây là bộ môn nghệ thuật cần sự khéo tay mà tôi thì thích công việc như vậy. Tiếp nữa, khi tuổi ngày càng cao, khó vận động nặng, việc ngồi một chỗ “chơi” với những thứ tự nhiên cho tôi cảm giác bình an cũng là sự lựa chọn tốt. Mà tôi còn làm được, khỏe lắm, cho tôi ngồi một chỗ không chừng lại sinh bệnh” - ông Minh cười lớn.
Trò chuyện với lão họa sĩ mới thấy tuổi già vẫn có những quyền năng không lứa tuổi nào có được. Là khi mình chậm chạp một chút, vợ con không rầy la. Là khi mắt mờ dần, mình “có quyền” chọn một công việc phù hợp để tiếp tục thấy bản thân có ích, còn niềm vui sống. Ông Minh bảo nói vậy để giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, vì ai rồi cũng đến tuổi phải chấp nhận mình già đi, có muốn tránh cũng không được.
“Sáng cứ 8 giờ, tôi có mặt ở điểm bán. Ngày đi làm, ngày kế nghỉ ở nhà chuẩn bị vật liệu. Trong giỏ có trái cây bà xã để sẵn, có nước uống. Tôi cứ cà rịch cà tang làm lai rai đến trưa, trễ nhất 12 giờ tôi chạy xe về ăn cơm với vợ. Con gái không cho làm nhưng tôi vẫn còn mê lắm, thích được người ta khen mình làm đẹp nên cứ muốn đi bán. Lúc ngừng đèn đỏ, có ai tới mua mà khen đẹp là đã vô cùng” - ông Minh lại cười.
Nghề chơi cũng lắm công phu
|
Ông có thể tạo hình được 45 loài từ lá dừa nước - Ảnh: Nguyễn Quang |
Ông Minh nói cái nghề ông làm thật lạ lùng, không hẳn khó mà nào phải dễ. Người có chút khiếu thẩm mỹ, yêu thích sáng tạo mới gắn bó lâu dài với công việc tạo hình cào cào, châu chấu. Ông Minh dạy được nhiều học trò nhưng họ học làm được vài con là nghỉ, không học tiếp hay làm nghề.
“Tôi làm được 45 loài tất cả. Có nhiều con khó, đòi hỏi làm nhiều chi tiết còn một số con đơn giản, chỉ mất chừng 5 phút đã làm xong. Tôi bày bán khoảng 10 mẫu được chuộng nhất như chim, cào cào, cá, nai, cua, bướm… còn lại, khi nào khách đặt tôi mới làm. Nghề này dễ nản, tôi có một học trò rất khá, tự làm được hơn chục con nhưng lại hay quên, không tiếp tục học thêm” - ông Minh tâm sự.
Lão họa sĩ nheo nheo mắt, xỏ hai hạt nhựa làm mắt một con cá nói, có nhiều con ông nghiên cứu cả tháng mới làm được. Không ai ép ông phải sáng tạo thêm ngoài 10 mẫu bán chạy nhưng ông cho rằng mình là nghệ sĩ, khi làm thành công sản phẩm mới thì tự bản thân cũng khấp khởi trong lòng.
Ông Minh nhận mình có một tật “hơi xấu” là ai khen thì… chết đứ đừ. Ông kể nhiều khi phải khiêm tốn, vờ như chuyện cũng bình thường thôi nhưng bụng ông lại hiểu rằng được khen nghĩa là khách hàng thích. Họ vui thì mình cũng vui lây.
Mặc bộ bà ba, đội chiếc nón lá dừa như thương hiệu riêng, ông Minh gặp ai cũng cười xuề xòa. Nhiều khi có người hỏi giá rồi đi mất hút, với ông cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, có một điều khiến ông buồn nhiều: chuyện trả giá.
“Khách hàng hỏi giá rồi không mua cũng không sao nhưng nếu họ trả giá, chê công tôi bỏ ra không đáng 20.000 đồng, tôi buồn lắm. Có lần, khách kì kèo: “Là lá dừa thôi mà, làm chút xíu là xong, đâu có gì khó. Lấy 5.000 đi ông già?”. Tôi thấy họ xem nhẹ sáng tạo của mình nên không bán” - ông Minh nói.
Gia tài của cha
Tôi ngồi bên vệ đường Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TPHCM) với ông Minh. Gần 12 giờ trưa, nắng gắt. Gió thổi hơi nóng từ lòng đường bỏng rát. Ông lão còn tám con là hết hàng. Tôi hỏi nếu có ai đó (ở đây là tôi) mua hết để ông về sớm thì ông vui không, lão họa sĩ xua tay: “Đâu phải tôi làm vì kinh tế. Con cái giờ đã lớn, tự lập hết. Tôi làm vì vui. Tôi muốn người mua trân trọng và thích sản phẩm tôi làm chứ con cái không muốn tôi đi làm nữa”.
Theo lời kể của ông Minh, nhiều người cảm thương ông mưu sinh giữa trời nắng, từng muốn mua để giúp ông được về nhà sớm. Nhưng, thuận mua thì vừa bán, nghệ sĩ như ông Minh cũng có lòng tự trọng nghề nghiệp. “Bán không hết thì 12 giờ tôi cũng về để kịp ăn cơm trưa chứ không để người nhà chờ đợi. Mình làm chủ mà, mình phải tự do chứ?” - ông Minh cười lớn.
Mỗi ngày, ông Minh bán được khoảng 30 con. Tiền thu về chi cho nhiều việc nhưng không còn gánh nặng con cái. Có vẻ ông Minh thích kể về các con mình. Với ông, đó là gia tài lớn nhất mà bấy nhiêu năm, vợ chồng ông cố gắng làm lụng để nuôi con nên người. Hai con gái lớn của ông làm giáo viên. Con gái kế út làm nghề trang điểm, thường lo khâu hóa trang cho các đoàn phim còn con út của ông làm nhân viên giao hàng.
“Tụi nó đều được ăn học đàng hoàng, coi như tôi cũng xong nhiệm vụ. Chuyện về sau làm gì tôi để các con tự tính. Mà được cái tụi nó thương vợ chồng tôi nên cũng cố gắng làm ăn. Mấy đứa con gái giờ về nhà chồng hết, còn mỗi thằng con trai ở nhà. Hồi tôi mới làm cào cào, mấy đứa cũng túm tụm phụ nhưng rồi nhanh chán. Bây giờ, đến mấy ngày lễ quan trọng, tụi nhỏ mới tranh thủ về nhà phụ tôi. Tụi nó chỉ làm được bông hồng, còn các con vật thì thua. Đợt 8/3 vừa rồi, tôi chở bà xã đi bán chung, bán được hơn 300 bông hồng chỉ trong buổi sáng, vui đã đời” - ông Minh kể lại.
|
Ông Lê Minh bảo ông làm vì vui, bởi con cái đã lớn, tự lập hết - Ảnh: Nguyễn Quang |
Một mùa xuân nữa, ông Minh được 70 tuổi. Ông ngồi đó, tay thoăn thoắt làm, miệng cứ hồn nhiên kể, hồn nhiên hỏi vu vơ, cười vui với khách. Ai hỏi giá bán, ông giơ hai ngón tay như làm dáng chuẩn bị chụp hình. “70 tuổi rồi còn gì đâu mà phải giữ lại nghề độc của mình. Ai muốn học cứ tìm tới, tôi sẽ chỉ. Tôi muốn có nhiều người làm nghề này để về sau, rồi sẽ tới lúc tụi con nít buông điện thoại mà chơi những trò chơi dân gian. Tôi chỉ sợ tới lúc tôi không đủ sức nữa, cứ vậy mà bỏ thì tiếc lắm…” - ông Minh nói bâng quơ mà nghe thật nao lòng.
Thời gian trôi, cuộc đời rồi sẽ chứng kiến những hợp - tan. Những con người cứ vậy đi ngang phố, rồi một thời gian sau, chỉ còn là quá vãng. Mà trớ trêu thay, ai trong chúng ta cũng đều biết đó là quy luật cuộc đời.
Diễm Mi