Gánh bún đậu 25 năm giản đơn nhưng vẫn nườm nượp khách ở Hà Nội

23/01/2020 - 12:53

PNO - Thực khách bị níu chân không chỉ vì bún đậu ngon mà còn bởi cái “tình” mà cô bán hàng gửi gắm vào trong món ăn.

Bún đậu – một món ăn quen thuộc mà bạn có thể bắt gặp bất cứ đâu ở Hà Nội, từ nhà hàng sang trọng cho tới quán bình dân vỉa hè. Dù món ăn chỉ có bún, đậu cùng một số đồ ăn kèm đơn giản khác, nhưng mỗi một nơi lại tạo nên một nét độc đáo riêng để níu chân thực khách.

 

 

Rất nhiều sinh viên ở Hà Nội biết đến gánh bún đậu của cô Toan. Cô Toan – một người nông dân đến từ Hưng Yên đã 25 năm gắn bó với gánh bún đậu. Ngày làm việc của cô bắt đầu vào 4 giờ sáng, cô sẽ chuẩn bị mọi nguyên liệu và rời nhà khi mặt trời còn chưa lên.

Người phụ nữ ấy cùng đôi quang gánh băng qua những con phố vẫn còn chìm trong màn đêm để tới địa điểm bán hàng – một góc nhỏ trên đường Tăng Bạt Hổ. "Cô phải đi sớm để các chú xe ôm, mấy cháu học sinh không phải chờ bữa sáng”, cô nói.

25 năm, có lẽ cô sẽ bán bún đậu đến khi không còn sức khỏe nữa mới thôi. Gia đình có 8 chị em đã từng bán bún đậu, nhưng rồi mọi người bỏ hết, giờ chỉ còn cô trụ lại với công việc này. Cô tâm niệm rằng, bán hàng ăn việc đầu tiên là phải đảm bảo được chất lượng và an toàn. Tuy là quán vỉa hè thôi nhưng cô làm rất cẩn thận và sạch sẽ. Bún và đậu được lấy ở cơ sở có giấy phép chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cô nhớ rất rõ từng vị khách thích ăn đậu chiên giòn, chiên sơ hay lướt ván. Bởi vậy mà đã có những thực khách gắn bó với gánh bún đậu của cô 20 năm. Họ khen cái vị cô làm, rất vừa miệng. Họ khen rằng, cô làm sạch sẽ nên rất yên tâm.

Tới 11 giờ sáng, cô tiếp tục cùng gánh bún đậu của mình tới điểm bán tại cổng Ký túc xá Đại học Dược Hà Nội. Nếu như sáng cô chủ yếu bán cho các chú xe ôm, cho các cháu học sinh thì buổi trưa là sinh viên và công nhân lao động nghèo.

Sau gần 10 năm, giá một suất bún đậu của cô vẫn ở mức 15.000 đồng.  Cô nói, sinh viên làm gì có nhiều tiền. Còn với người lao động nghèo, bản thân cô cũng là lao động nghèo nên cô hiểu họ rất khó khăn. Vậy nên cô bán rẻ thôi, miễn thấy khách hàng ăn ngon và vui vẻ là cô thấy vui. Cô còn khoe, có mấy cháu sinh viên sau khi ra trường, về quê, còn viết thư hỏi thăm cô nữa. Khách ở đây thường gọi cô là “U” xưng “con”. Mỗi lần nghe vậy cô vui lắm, cười rất tươi. Cô bảo: “Con cô cũng tầm tuổi các cháu, nên được tụi nhỏ gọi là U, cô cảm giác như nói chuyện với con của mình vậy, điều đó cũng giúp cô vơi đi nỗi nhớ nhà".

Thực khách bị níu chân không chỉ bún đậu ở đây ngon, mà còn bởi cái “tình” mà cô bán bún đậu gửi gắm vào trong món ăn này nữa. 25 năm bán bún đậu, cô Toan cùng gánh bún đậu ấy đã trở thành một phần ký ức đẹp của nhiều người đã từng ăn bún đậu của cô.

Bài và ảnh: Huy Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI