‘Gang of five - Lạc bước tân kỳ’ ra mắt khán giả Sài Gòn

09/07/2018 - 18:49

PNO - Triển lãm trưng bày tác phẩm của 5 họa sĩ gạo cội từ Hà Nội, gồm: Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Phạm Quang Vinh.

Khởi điểm từ một tập thể bao gồm các sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đầu những năm 1980 tại Hà Nội, 5 thành viên của Gang of Five là những cá nhân tích cực nhất trên con đường phát triển nghệ thuật. Họ vẽ miệt mài, không ngừng nghỉ, mỗi khi đi làm về; thường tổ chức những buổi tụ họp tại gia để bàn luận về nghệ thuật, bình phẩm sáng tác của nhau, hay trò chuyện, động viên, để cùng duy trì tinh thần và đam mê với hội hoạ. 5 hoạ sĩ trẻ lần đầu hiện diện cùng nhau tại triển lãm vinh danh họa sĩ Vincent Van Gogh tại Hà Nội vào năm 1990.

‘Gang of five - Lac buoc tan ky’ ra mat khan gia Sai Gon
Gang of five, gồm Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, Phạm Quang Vinh. Ảnh Gerhard Jörén chụp năm 1993

Không lâu sau đó, cộng đồng nghệ thuật đặt cho nhóm biệt danh Gang of Five (ban đầu, họa sĩ Nguyễn Quân - người hướng dẫn của nhóm đặt là ‘Bè lũ năm tên’ để thể hiện sự khác biệt và có phần bất cần. Tuy nhiên, sau đó, nhà thơ Dương Tường dịch ra tiếng Anh đã gọi là ‘Gang of Five’ - cái tên được truyền cảm hứng bởi nhóm Gang of Four trong lịch sử Trung Quốc, tuy không có liên quan mật thiết gì).

‘Gang of five - Lac buoc tan ky’ ra mat khan gia Sai Gon
Tranh Đặng Xuân Hòa: Gia đình (Family) 2008 Sơn dầu trên toan, 117 x 133 cm

Sau này, mỗi thành viên trong nhóm theo đuổi một con đường khác nhau. Trần Lương nổi lên như một nghệ sĩ đương đại và giám tuyển xuất sắc; Phạm Quang Vinh dấn thân sâu hơn vào sự nghiệp xuất bản; Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu và Đặng Xuân Hòa khẳng định tên tuổi trong những lĩnh vực nghệ thuật riêng biệt, cả trong và ngoài nước.

Họ vẫn là những người bạn, đồng nghiệp thân thiết và vừa tái hợp vào năm 2015. Hiện tại, đây là 5 gương mặt nổi bật nhất trong thế hệ họa sĩ thuở ấy và là nhóm nghệ sĩ “Hậu Đổi mới” đầu tiên được công chúng quốc tế dành nhiều sự quan tâm.

‘Gang of five - Lac buoc tan ky’ ra mat khan gia Sai Gon
Tranh Hà Trí Hiếu: Một cõi (A World) 1994, sơn dầu trên toan, 140 x 100 cm

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã tạo nên thành công cho Gang of Five, khi các hoạ sĩ bắt đầu gỡ bỏ những ràng buộc của nghệ thuật dòng chính đã không còn thích ứng được với nhu cầu của xã hội, những thứ đã bó hẹp mỹ thuật Việt Nam trong không gian tư tưởng và địa lý chật hẹp. Trong bối cảnh đương thời, các tác phẩm của họ tách rời khỏi khuôn mẫu của nghệ thuật minh họa và tranh cổ động.

‘Gang of five - Lac buoc tan ky’ ra mat khan gia Sai Gon
Tranh Hồng Việt Dũng: Nhà Sư (The Monk) 1997, Sơn dầu trên toan, 140 x 120 cm
‘Gang of five - Lac buoc tan ky’ ra mat khan gia Sai Gon
Tranh Trần Lương: A Ư Ơ, 1993, màu acrylic trên giấy bìa 78,5 x 109,5 cm

Gang of five - Lạc bước tân kỳ đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2017. Lần này, vào đến Sài Gòn, triển lãm quy tụ gần 40 tác phẩm hội họa và đa dạng tư liệu lịch sử sống động (bao gồm chuỗi các bài bình luận và phỏng vấn, hình ảnh tài liệu, sổ cảm tưởng, hai phim tư liệu ngắn về sự hình thành nhóm).

Đây cũng là một trong số ít các triển lãm (được tổ chức tại Việt Nam) khảo sát thực hành và đời sống của nghệ sĩ (hoặc nhóm nghệ sĩ) thế kỷ XX mang tính bao quát và chuyên sâu. Không chỉ giới thiệu các tác phẩm trong giai đoạn trước, từ những năm 1990 tới những năm 2000, Gang of five còn trưng bày cả những văn bản và hiện vật mang tính lịch sử với mong muốn mang đến cho người xem một lát cắt đời sống Hà Nội những năm cuối thế kỷ trước.

‘Gang of five - Lac buoc tan ky’ ra mat khan gia Sai Gon
Tranh Phạm Quang Vinh: Hoạ sỹ và Mẫu, 1991, màu bột trên giấy

Triển lãm khai mạc vào ngày 20/7 và kéo dài đến hết tháng 9/2018, tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (Q. 2, TP.HCM).

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI