Gần tết, tai nạn ở trẻ tăng cao

06/01/2024 - 06:22

PNO - Cuối năm, người lớn tất bật với công việc, không có nhiều thời gian trông trẻ, đây cũng là thời điểm nguy cơ xảy ra tai nạn ở trẻ tăng cao, nhất là tai nạn bỏng.

Ngộ độc cấp do ăn nhầm viên tẩy bồn cầu

Thấy con cứ đòi uống nước, chị Nguyễn Thị Tâm (27 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM) xót ruột hỏi con chị là bé P.T.T. (4 tuổi) có thấy rát họng không, bởi chị lo lắng bé trở nặng do ăn nhầm viên tẩy bồn cầu trước đó.
Nhà ít người, chồng phải tăng ca liên tục, mỗi khi bận việc, chị Tâm thường hay gửi bé T. cho người quen cùng xóm giữ giùm. Một hôm trong lúc chị đang dọn dẹp nhà thì bé T. chạy về nói bị đau rát họng sau khi ăn kẹo. Kiểm tra miệng con, chị Tâm thấy cả khoang họng bé có màu xanh biển đậm và màu cam, phù nề nhẹ nên nghi ngờ con ăn phải viên tẩy bồn cầu. Quá lo lắng, chị liền móc họng để con ói và đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. 

Bé T. bị bỏng cả 2 chân vì bất ngờ chạy đến ôm chân mẹ, khi mẹ đang bưng nồi canh nóng - ẢNH: PHẠM AN
Bé T. bị bỏng cả 2 chân vì bất ngờ chạy đến ôm chân mẹ, khi mẹ đang bưng nồi canh nóng - ẢNH: PHẠM AN

Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị ngộ độc cấp do ăn nhầm viên tẩy bồn cầu, hóa chất ăn mòn gây bỏng thực quản. Ngoài ra, quá trình chị Tâm làm cho bé ói đã vô tình khiến bé hít chất tẩy rửa vào đường hô hấp gây bỏng nhẹ, viêm phế quản. Bé được nhập viện theo dõi sức khỏe, cũng như tình trạng hẹp thực quản của bé.
Trước khi nấu ăn, chị Phan Thị Hoài Anh (36 tuổi, ở tỉnh Long An) đã nhờ mẹ mình trông con trai là T.K.T. (3 tuổi). Lát sau, khi chị đang bưng nồi canh nóng thì bé T. chạy đến ôm chân mẹ. Chị té, nồi canh nóng đổ cả lên người 2 mẹ con. “Tôi bị bỏng vùng đùi, còn con trai bỏng cả cơ thể. Tôi hô hoán nhờ người nhà đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cấp cứu” - chị Hoài Anh chia sẻ.

Tai nạn bỏng ở trẻ tăng 

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố - những ngày qua, tình trạng trẻ bị bỏng đang bắt đầu có xu hướng tăng bởi phụ huynh phải tập trung hoàn thành các công việc cuối năm, bận rộn nên khó quản lý trẻ tốt. Nguy hiểm nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường rất tò mò, thích khám phá lại không ý thức được nguy hiểm, hay đi theo sau mẹ, ông bà để chơi đùa, khi phụ huynh bận việc, không quan sát, theo dõi trẻ kỹ, tai nạn dễ xảy ra.

Bác sĩ Võ Duy Khánh (Khoa Bỏng - Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 2) cũng cho biết, thời gian qua, nhiều trẻ bị tai nạn bỏng cũng được đưa đến đây cấp cứu, điều trị, nhất là trẻ từ 3-10 tuổi. Tác nhân gây bỏng rất đa dạng như bỏng nước sôi, lửa, điện, hóa chất… Đã có trẻ rơi vào tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tiên lượng rất nặng. Trẻ bị bỏng chịu tổn thương mô cơ, rất đau rát. Người lớn khi phát hiện cần lập tức tách em bé khỏi vật gây bỏng, dùng nước sạch xối lên vùng tổn thương để hạ nhiệt, giảm đau. Lưu ý, nơi bị bỏng tích tụ nhiệt độ nên cần xối nước cho trẻ khoảng 5-10 phút mới có thể hạ nhiệt vết thương. Sau đó, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

Với trẻ bị bỏng diện tích trên 10%, ở các vị trí nguy hiểm trên cơ thể như vùng sinh dục, vùng mặt, vùng ngực… nguy cơ diễn tiến nặng rất cao, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Ví dụ trẻ bỏng ở mặt dễ bị gây sưng nề, chèn ép hệ thống đường thở, cản trở việc thở của trẻ có thể dẫn đến suy hô hấp.

Theo bác sĩ Võ Duy Khánh, những trẻ bị bỏng nặng, dù được điều trị khỏi cũng sẽ chịu các di chứng như sẹo xấu, co rút các khớp, đặc biệt biến dạng khớp ngón tay, chân…, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của trẻ như khó cầm viết, cầm đũa, thậm chí vận động kém, dễ té ngã khi đi lại… Vì vậy, phụ huynh cần kiên trì đồng hành cùng con trong điều trị lâu dài. 

Để tránh trẻ bỏng lửa, bỏng nước sôi, các bác sĩ khuyến cáo, người lớn tuyệt đối không để trẻ đến các vị trí có nguy cơ cao như khu bếp, bàn thờ, ổ điện. Các chất tẩy rửa, hóa chất… cần được bảo quản riêng, để xa tầm với của trẻ. Sau khi sử dụng đồ điện, nấu ăn, hay thắp nhang… không để trẻ đến gần, dọn dẹp ngay khi hoàn tất. Nếu gia đình có con nhỏ dưới 3 tuổi, tốt nhất là các thành viên luân phiên nhau giữ trẻ, hạn chế việc để người lớn tuổi trông giữ bởi sẽ không thể theo kịp trẻ. Với những trẻ lớn hơn, đã nhận thức được nguy hiểm, cha mẹ, nhà trường cần trang bị kỹ năng cơ bản, hướng dẫn cho trẻ sự nguy hiểm của tai nạn bỏng để trẻ biết và tự bảo vệ bản thân khỏi các tai nạn đáng tiếc. 

Các bác sĩ cảnh báo, tuyệt đối không chăm sóc vết thương bỏng theo thói quen hoặc các phương pháp truyền miệng như bôi nước mắm, kem đánh răng. Tránh đắp lá thuốc, lá trà… lên vết thương hay cho trẻ uống thuốc nam, thuốc bắc trị bỏng. Các trường hợp bôi mỡ trăn trị bỏng cần lưu ý có thể mỡ trăn không rõ nguồn gốc, chưa qua xử lý hoặc để lâu, bị nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, khiến vết thương bị nhiễm trùng nặng nề hơn… 

Phụ huynh chỉ nên bôi thuốc sát khuẩn, chăm sóc vết thương cho con theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi tổn thương, trẻ cũng thường bị mất nước, vì vậy nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để vết thương mau lành. 

Phạm An - Ngọc Hân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI