Không xả rác nơi công cộng - cái câu này tôi từng thấy rất nhiều lần ở khắp nơi trong thành phố: trên những thùng rác nơi công cộng, trước cổng các trường học, bệnh viện, tại các khu du lịch, khu dân cư... Nhưng thật đáng tiếc, nhiều nơi người ta vẫn đổ rác thậm chí ngay tại chỗ có biển cấm.
|
Lễ hội đông đúc thế này nhưng người ta không xả rác trên đường phố - Ảnh: Ngọc Vi |
Trong một chuyến du lịch ở nước ngoài, tôi được tham gia lễ hội Halloween trên đường phố diễn ra từ 2g chiều đến 7g tối. Dù số lượng người tham gia khổng lồ gồm du khách lẫn dân địa phương nhưng chỉ 20 phút sau khi lễ hội kết thúc, lòng, lề đường đã trở lại thông thoáng, sạch sẽ như chưa từng có một lễ hội hoành tráng vừa diễn ra trước đó, xe cộ lại lưu thông bình thường, nhanh đến kinh ngạc. Nói nghe có vẻ không khả thi nhưng đó lại là sự thật. Họ làm được như vậy đơn giản chỉ vì người dân tham gia lễ hội không xả rác trong lúc lễ hội diễn ra. Một vài chiếc vỏ kẹo nhỏ có lỡ vô tình bị những em bé vứt xuống đường thì cũng ngay lập tức được nhặt lên cho vào thùng rác công cộng bởi chính cha mẹ của các bé.
Trong nhiều quán ăn ở thành phố mình, dù chủ quán có để sẵn mấy giỏ rác dưới gầm bàn nhưng không hiểu sao rác (khăn giấy, cọng rau, xương xẩu, ống hút...) vẫn bị vứt bừa bãi ngay cạnh giỏ rác. Ngay tại các khu dân cư, dù đã có biển cấm nhưng nhiều nơi người ta vẫn vô tư xả rác trên những bãi đất trống không có người ở (có lẽ để khỏi phải trả phí đổ rác hàng tháng hoặc không phải tự đi đổ ở xa hơn).
|
Giữ gìn thành phố sạch đẹp không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân (ảnh minh hoạ) |
Thỉnh thoảng đi trên đường tôi vẫn bắt gặp cảnh một đứa trẻ nào đó vứt xuống đường hộp sữa vừa uống xong. Hẳn cha mẹ đứa trẻ đã không dạy con mình xả rác đúng nơi cần thiết, một bài học đơn giản khi con họ còn nhỏ nhưng có thể khiến con trở thành người có ý thức khi lớn lên.
Gần tết, thành phố sắp có nhiều sự kiện lớn tập trung đông người như đốt pháo hoa trong đêm giao thừa, những chương trình ca nhạc trên đường phố để chào đón năm mới, đường hoa, chợ hoa, hội chợ tết... Dù những nơi này luôn có đặt sẵn những thùng rác cho người dân sử dụng nhưng với số lượng người quá đông tập trung vào cùng một thời điểm, việc các thùng rác bị quá tải là khó tránh khỏi. Một lần nữa, phát đi lời kêu gọi (hay nhắc nhở?) sự tự giác của mọi người trong việc giữ vệ sinh ở những nơi công cộng vào dịp lễ, tết chắc cũng không phải là thừa.
Không ít cải thiện về môi trường cho thấy, bên cạnh việc tuyên truyền của nhà nước (thường ít được người dân quan tâm), các hình thức chế tài của cơ quan chức năng (hiệu quả thường không cao do lực lượng mỏng, không đủ phương tiện để kiểm soát), ý thức của người dân mới là yếu tố quyết định. Chỉ cần mỗi người nâng cao ý thức tự giác của mình thì sẽ chẳng đến nỗi rác thải xả đầy đường khi mỗi sự kiện kết thúc.
Nếu thùng rác công cộng bị đầy hay không tiện bỏ rác vào thùng, ai nấy chỉ cần đem vỏ chai nước suối hay chiếc ly trà sữa mình vừa uống xong về bỏ thùng rác ở nhà là đã đủ góp phần giữ đường phố chung sạch đẹp, các công nhân vệ sinh cũng đỡ vất vả. Nghĩ xa hơn, chỉ với một việc nhỏ nhặt như không xả rác nơi công cộng, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam cũng đỡ xấu xí hơn trong mắt du khách, bè bạn nước ngoài.
Một con én không làm nên mùa xuân nhưng nếu mọi người đồng tâm hiệp lực giữ gìn thành phố thân yêu của mình sạch đẹp thì mùa xuân sẽ rực rỡ, vui tươi hơn nhiều!
Lê Thị Ngọc Vi