Gần nửa tỉ trẻ em đang chịu đựng bạo lực ở mức độ tồi tệ nhất

30/12/2024 - 06:15

PNO - Theo số liệu do Liên hiệp quốc công bố, gần 1/5 trẻ em trên thế giới sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, với hơn 473 triệu trẻ em phải chịu đựng bạo lực ở mức độ tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết, tỉ lệ trẻ em sống ở các khu vực xung đột trên toàn thế giới đã tăng gần gấp đôi, từ khoảng 10% vào những năm 1990 lên gần 19%.

Số người chết sau gần 15 tháng xung đột ở Gaza ước tính lên tới hơn 45.000 và trong số đó có 44% là trẻ em. Catherine Russell - Giám đốc điều hành của UNICEF - cho biết: “2024 là một trong những năm tồi tệ nhất đối với trẻ em,​ xét về cả số lượng trẻ em bị ảnh hưởng và mức độ tác động đến cuộc sống của các em. Một đứa trẻ lớn lên trong vùng xung đột có nhiều khả năng không được đến trường, suy dinh dưỡng hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà thường xuyên và liên tục so với một đứa trẻ sống ở những nơi hòa bình. Chúng ta không thể để một thế hệ trẻ em trở thành thiệt hại ngoài dự kiến ​​cho các cuộc chiến tranh không kiểm soát của thế giới”.

Trẻ em tại một trại tị nạn ở Sudan - Nguồn ảnh: Getty Images
Trẻ em tại một trại tị nạn ở Sudan - Nguồn ảnh: Getty Images

UNICEF ​​đặc biệt chú ý đến hoàn cảnh khốn khổ của phụ nữ và trẻ em gái. Chỉ riêng trong năm 2024, số vụ bạo lực tình dục đối với trẻ em được báo cáo ở Haiti đã tăng 1.000%. UNICEF ​​cũng chỉ ra: trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy dinh dưỡng trong thời chiến. Hơn nửa triệu người ở 5 quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột đang trong tình trạng đói kém.

Xung đột cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục của trẻ em. Hơn 52 triệu trẻ em ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột đã bị tước mất quyền được giáo dục. Hầu hết trẻ em trên khắp Dải Gaza và một tỉ lệ đáng kể trẻ em ở Sudan đã bỏ lỡ hơn 1 năm học. Ở Ukraine, Congo và Syria, các trường học đã bị hư hại, phá hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, khiến hàng triệu trẻ em không được đi học. “Tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ em cũng rất lớn” - UNICEF ​​bổ sung.

Theo một nghiên cứu do tổ chức từ thiện War Child công bố vào đầu tháng này, có 96% trẻ em ở Gaza cảm thấy cái chết của mình sắp xảy ra và gần một nửa muốn chết vì những chấn thương mà chúng đã trải qua. “Trẻ em ở các vùng chiến sự phải đấu tranh hằng ngày để sinh tồn, bị tước đoạt tuổi thơ. Trường học của các em bị đánh bom, nhà cửa bị phá hủy và gia đình tan nát. Các em không chỉ mất đi sự an toàn và khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản để duy trì sự sống mà còn mất đi cơ hội được vui chơi, học tập và đơn giản là được làm trẻ con. Thế giới đang làm các em thất vọng. Khi chúng ta hướng đến năm 2025, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để xoay chuyển tình thế, cứu giúp và cải thiện cuộc sống của trẻ em” - bà Catherine Russell nói.

Lệ Chi (theo UNICEF, UN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI