Gắn nông nghiệp với du lịch để tăng lợi nhuận

30/03/2023 - 06:39

PNO - Nông nghiệp không thể giúp nuôi sống người dân thành phố, nhưng một đô thị hiện đại thì không thể thiếu những vành đai xanh.

Tổng thu từ  nông, lâm, thủy sản của TPHCM năm 2022 là 8.390 tỉ đồng. Mỗi héc ta đất sản xuất nông nghiệp của TPHCM tạo ra 590 triệu đồng, cao hơn 5 lần so với mức bình quân của cả nước (gần 105 triệu đồng/ha).

590 triệu đồng/ha mỗi năm là con số mơ ước của nông dân nhiều vùng, miền. Thế nhưng, đóng góp của nông nghiệp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM chưa đến 1%. 

Những lợi thế như đông dân, người tiêu dùng chấp nhận chi tiêu cao, kênh bán hàng đa dạng không thể bù đắp những yếu tố bất lợi mà ngành này phải đối diện. Có thể kể, tốc độ đô thị hóa cao, các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển nhanh khiến quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp; chi phí sản xuất vì vậy cũng tăng theo, nhất là với những người phải thuê đất để làm nông; dịch bệnh khiến các hộ chăn nuôi luôn bị những rủi ro rình rập.

Nông nghiệp không thể giúp nuôi sống người dân thành phố, nhưng một đô thị hiện đại thì không thể thiếu những vành đai xanh. Có thời điểm, quỹ đất dành cho nông nghiệp của Singapore - quốc gia có tốc độ đô thị hóa đứng đầu thế giới - chỉ còn khoảng 1% tổng diện tích đất nước và họ phải nhập khẩu 90% lượng lương thực, thực phẩm tiêu dùng. 

Nỗi lo về an ninh lương thực khiến Singapore chọn làm nông nghiệp đô thị, trọng tâm là ứng dụng công nghệ trong canh tác, sản xuất. Họ lập quỹ năng suất nông nghiệp để giúp các trang trại đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất. Họ khuyến khích người dân trồng rau ở sân nhà, sân thượng, mái nhà và thậm chí dưới gầm cầu. Những căn nhà không có người ở cũng được tận dụng để trồng trọt… Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu tự túc 30% thực phẩm.

Nhiều hộ trồng hoa ở quận 12, TP.HCM trồng hoa bán dịp Tết đem lại thu nhập cao.
Nhiều hộ trồng hoa ở quận 12, TP.HCM trồng hoa bán dịp Tết đem lại thu nhập cao.

Dù không phải gánh vác trọng trách an ninh lương thực nhưng TPHCM cũng không thể không quan tâm phát triển nông nghiệp. Trong những năm qua, cơ cấu nông nghiệp của TPHCM đã chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học, giảm trồng các giống cây cho hiệu quả thấp, tăng trồng và nuôi các loài cây, con có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như rau, hoa lan, cây cảnh, cá cảnh, bò thịt lai, chim yến… Nhưng kết quả mang về vẫn chưa được như kỳ vọng. 

Năm 2022, các doanh nghiệp TPHCM đã xuất khẩu được 248,16 tấn hạt giống rau, lúa, đậu, hơn 11,9 triệu con cá cảnh các loại, 38.121 tấn da cá sấu, thu về hàng chục triệu USD.

Ở nhiều quốc gia, từ lâu, những sản phẩm từ làng nghề hay từ nông nghiệp đô thị đã trở thành các sản phẩm du lịch để có thể xuất khẩu tại chỗ. Thị trấn Yufuin thuộc tỉnh Oita, nằm trên quần đảo Kyushu-Nhật Bản được biết đến là nơi khởi phát phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) từ cách đây gần 40 năm và giờ đã lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nói đến Yufuin, người Nhật sẽ giới thiệu ngay về một vùng quê với cánh đồng lúa vàng, vườn trái cây, tắm suối khoáng nóng và trải nghiệm các sự kiện, lễ hội, ẩm thực địa phương. Một trong những thế mạnh của địa phương này là mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra môi trường sống xanh và sạch, phục hồi và tạo ra thương hiệu nông nghiệp nổi tiếng. Ngay cả món ăn phục vụ du khách cũng được chế biến với việc sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp của địa phương để đảm bảo yếu tố truyền thống trong văn hóa ẩm thực. 

Trên đảo Hải Nam (Trung Quốc), có những vùng trồng hoa, cây dược liệu cũng liên kết với các công ty lữ hành. Sau khi ngắm cảnh, du khách sẽ được mời mua nước hoa, xà bông, dầu gội, dược phẩm… làm từ các loài cây đó. 

Các trại nuôi cá sấu, trồng hoa lan của TPHCM cũng có thể làm theo cách trên để tăng doanh thu, lợi nhuận. TPHCM có thể phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm nông nghiệp bước đầu hình thành nên những dòng sản phẩm mới cho du lịch.

Trên thực tế, trước đây, các doanh nghiệp sản xuất yến sào ở TPHCM từng đi theo hướng này. Từng có tour du lịch tham quan nhà nuôi yến, trải nghiệm sông nước và kết thúc tại trung tâm triển lãm yến sào ở huyện Cần Giờ - nơi du khách được xem quá trình sơ chế, chế biến tổ yến và mua các sản phẩm yến. Thế nhưng, được một thời gian rầm rộ ban đầu, tour liên kết này bỗng im hơi lặng tiếng đến nay. Thật đáng tiếc. 

Thư Hùng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI