Gần ngày áp dụng, việc phân loại rác vẫn… mông lung

02/10/2024 - 06:16

PNO - Theo các thông tư, công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phân loại chất thải rắn sinh hoạt khi thực thi Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2025, mọi cơ quan, cộng đồng dân cư, hộ và cá nhân trên cả nước phải tự phân loại rác tại nguồn. Gần đến thời hạn trên, nhiều địa phương, hộ dân vẫn thờ ơ, mơ hồ hoặc lúng túng với việc phân loại rác.

Tuyên truyền chưa đồng bộ, người dân vẫn mơ hồ

Mỗi lần kiểm tra thùng rác chung của khu nhà trọ, bà Ngô Thị Rượi (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM) đều thất vọng khi thấy trong mỗi bịch, các loại rác nhựa, rác giấy và thức ăn thừa vẫn nằm chung chạ. Bà nói: “Tôi đã cấp cho mỗi phòng 2 thùng rác, nhắc nhở người thuê phòng phân loại rác nhưng người làm, người không. Thỉnh thoảng, tôi phải kiểm tra rồi tự mình phân loại rác để nhắc nhở mọi người”.

Bà Rượi kể, từ năm 2017, khi Hội LHPN phường tuyên truyền, tổ chức chương trình “Đổi rác lấy quà”, gia đình bà đã trang bị 2 thùng rác trong nhà, gồm 1 thùng đựng rác hữu cơ, thùng còn lại đựng những loại rác tái chế được. Ngoài 2 thùng rác nhỏ, nhà bà còn có 2 bao lớn, một để đựng chai nhựa và một đựng giấy, báo, bìa cứng, thùng các tông. Vừa rồi, nhờ bán chai nhựa, giấy vụn, bà thu được 1 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiên tai.

Trường mầm non Phú Mỹ (quận 7, TPHCM) trang bị các thùng rác khác màu ở sân trường và thường xuyên hướng dẫn học sinh bỏ rác đúng quy ước ẢNH: THU LÊ
Trường mầm non Phú Mỹ (quận 7, TPHCM) trang bị các thùng rác khác màu ở sân trường và thường xuyên hướng dẫn học sinh bỏ rác đúng quy ước - Ảnh: Thu Lê

Theo bà, công tác tuyên truyền ở các địa phương chưa thực sự đồng bộ, lại thiếu sự giám sát nên ai thích thì làm, ai không thích thì thôi. Ngay trong gia đình mình, mỗi khi các cháu đến nhà bà chơi, bà dạy cách bỏ các loại rác tái chế được vào thùng riêng, rác hữu cơ vào thùng riêng và chúng thực hiện thuần thục nhưng khi về nhà mình, mọi chuyện đâu lại vào đó vì cha mẹ chúng không phân loại rác. Chưa kể, từ khi xảy ra dịch COVID-19, mọi người lo chống dịch, lơ là việc phân loại rác tại nguồn, các đoàn thể cũng không còn duy trì những chương trình bổ ích như “Đổi rác lấy quà” nữa.

Từ tháng 6/2024, chính quyền TP Hà Nội triển khai thí điểm việc phân loại rác tại nguồn ở 23 phường thuộc 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, sau đó sẽ sơ kết, nhân rộng ra toàn thành trong năm 2026. Theo đó, rác thải được chia thành 4 nhóm: rác tài nguyên, rác nguy hại, rác xây dựng kích thước lớn và rác còn lại.

Phạm Đình Hổ là phường thí điểm phân loại rác của quận Hai Bà Trưng nhưng theo ghi nhận của chúng tôi chiều 19/9, rác tài nguyên, rác cồng kềnh vẫn ngổn ngang trên đường phố. Ngay ngã tư Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, có một điểm tập kết rác và ở vỉa hè gần đó, vẫn chình ình chiếc ghế sô pha hỏng. Bà Bích Hồng (ở ngõ Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ) nói, bà thấy chiếc ghế sô pha nằm đó hơn 1 tuần nay. Trong khi đó, UBND phường thông báo, sẽ bố trí một điểm để người dân tập kết rác thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế, sô pha vào khung 7 - 11g thứ Bảy hằng tuần. Ngay cổng UBND phường Phạm Đình Hổ cũng có điểm tập kết rác với những cánh cửa tủ được đặt ở gốc cây trên vỉa hè.

Theo bà Bích Hồng, UBND phường có thông báo về việc phân loại rác từ nguồn nhưng chưa có kế hoạch thực hiện nên bà không biết nên bỏ các loại rác vào các túi có màu sắc gì, túi tự mua hay do ai phát.

Bà Ngô Thị Rượi thường xuyên kiểm tra, phân loại rác tại thùng rác lớn để làm gương cho cả khu nhà trọ - ẢNH: THU LÊ
Bà Ngô Thị Rượi thường xuyên kiểm tra, phân loại rác tại thùng rác lớn để làm gương cho cả khu nhà trọ - Ảnh: Thu Lê

Chị Hồng Ánh (ở ngõ 82 Phạm Ngọc Thạch, phường Trung Tự, quận Đống Đa) cho hay, nhiều năm nay, gia đình chị đã chia rác thành 2 loại tái chế và không tái chế được. Dù vậy, chị nhận thấy chính quyền phường chưa tuyên truyền, phổ biến gì về phân loại rác tại nguồn. Gia đình chị chỉ phân loại rác theo thói quen chứ hoàn toàn không biết tới việc mọi hộ dân phải thực hiện điều này kể từ đầu năm 2025. Chị băn khoăn, lâu nay, gia đình chị phân loại rác nhưng các hộ khác thì không, liệu khi gom chung, đơn vị thu gom rác có phân loại không. Theo chị, việc phân loại tại nguồn cần đồng bộ, có quy ước về màu sắc túi rác, kích thước rác chứ không phải “mạnh ai nấy làm” như lâu nay.

Hạ tầng thu gom, xử lý rác phải đồng bộ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh gần 1.600 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), trong đó có khoảng 1.347 tấn (84,58%) được thu gom. Việc phân loại rác thải tại nguồn ở tỉnh này chỉ mới được thí điểm ở một số địa phương với mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn đạt 55%.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - cho biết, UBND tỉnh quy định, việc phân loại rác tại nguồn bắt đầu từ ngày 1/9/2024. Theo ông, để thực hiện quy định này trên diện rộng, đạt hiệu quả cao, cần có thời gian dài bởi ngoài ý thức của người dân, còn cần thêm các yếu tố như cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý rác thải: “Muốn phân loại rác tại nhà thì mỗi gia đình phải có ít nhất 2-3 thùng chứa rác, đơn vị thu gom phải có các xe thu gom riêng từng loại rác. Trước mắt, UBND huyện tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về phân loại rác tại nhà, khuyến khích dành quỹ đất để ủ phân hữu cơ để bón cho cây”.

Rác thải bị vứt bừa bãi ở phường Phạm Đình Hổ - phường thí điểm phân loại rác của quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - ẢNH: BẢO KHANG
Rác thải bị vứt bừa bãi ở phường Phạm Đình Hổ - phường thí điểm phân loại rác của quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Bà Nguyễn Thị Tiến - Phó chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An - cho biết, thời gian qua, một số tổ chức và địa phương của tỉnh đã thí điểm phân loại rác, đạt kết quả khá tốt. Để tiến tới phân loại CTRSH trên toàn tỉnh thì cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý phải đồng bộ nhưng các khu xử lý rác thải hiện có của tỉnh chủ yếu đốt và chôn lấp, chưa có nhà máy áp dụng công nghệ hiện đại. Trong thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn và tham mưu việc ban hành mức giá cho hộ gia đình và tổ chức thu gom rác.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, toàn thành phố phát sinh lượng rác sinh hoạt khoảng 13.000 tấn/ngày, trong đó có khoảng 3.000 tấn, chất thải có khả năng tái chế được thu gom, xử lý thông qua cơ chế thị trường. Trong năm 2022-2023, sở đã làm việc với các địa phương và có đề án trình UBND TPHCM về kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn 2023-2025. Đề án này hướng dẫn cụ thể cách thức phân loại rác tại nguồn, trách nhiệm của các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau phân loại. Đề án cũng đề xuất các giải pháp triển khai đồng bộ như truyền thông, cung cấp nhãn dán trên túi chứa chất thải thực phẩm; tăng cường đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phân loại. Sở cũng có chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thu gom, vận chuyển CTRSH vay để chuyển đổi phương tiện...

Đơn vị thu gom rác cũng lúng túng

Đến hiện tại, tôi vẫn chưa nghe địa phương triển khai gì về kế hoạch thu gom rác đã qua phân loại từ hộ gia đình. Từ năm 2017, việc tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn trong dân khá rầm rộ, thậm chí có thí điểm trên một tuyến đường qua phường Tân Phong. Khi đó, chính quyền phát bao rác có quy định màu cho các hộ dân. Lúc đó, cơ sở thu gom rác của tôi lấy rác luân phiên: cứ 3 ngày lấy rác hữu cơ, 3 ngày thu gom các loại rác tái chế được. Khi làm như vậy, dân “kêu” rác hữu cơ để lâu bốc mùi.

Việc thí điểm kéo dài được 1 tháng. Khi không còn được phát bao màu, người dân lại bỏ rác chung chạ như cũ. Tôi nghĩ, việc phân loại rác tại nguồn sẽ còn gian nan cho cả người dân lẫn bên thu gom rác bởi không thể “đùng một cái” mọi người dân làm đúng, còn bên thu gom cũng không thể đi từng nhà, mở bọc ra coi đựng rác gì. Nếu việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện đồng bộ thì theo năng lực hiện có, công ty tôi cũng chỉ thu gom luân phiên từng loại rác theo ngày chứ không có đủ phương tiện để thu gom các loại rác cùng lúc.

Bà Dương Kim Cúc - Giám đốc Công ty Môi trường Phương Lan (chuyên vận chuyển, thu gom rác ở quận 7, TPHCM)

Thu Lê - Phan Ngọc - Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI