Gắn kết gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia

04/09/2023 - 06:57

PNO - Gần 40 gia đình Việt và 70 sinh viên Lào, Campuchia đã có chuyến tham quan trải nghiệm ý nghĩa tại TPHCM. Đây là những gia đình và sinh viên tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM”.

Trải nghiệm để thêm gắn kết

Chuyến đi được Hội LHPN TPHCM tổ chức vào ngày 2/9, đưa các bạn sinh viên Lào, Campuchia và gia đình Việt tham quan trụ sở HĐND, UBND TPHCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tham gia chương trình họp mặt - giao lưu văn nghệ.

Chị Cao Thị Hồng Loan (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham quan, ngắm nhìn nét kiến trúc cổ kính và độc đáo của trụ sở HĐND - UBND thành phố - một công trình kiến trúc lịch sử”. Các thành viên trong đoàn được nghe thuyết minh về quá trình hình thành, phát triển cũng như tổng quan về kiến trúc, thiết kế mỹ thuật, công năng của tòa nhà.

Gia đình chị Trần Thị Hồng Vân (ngụ TP  Thủ Đức) cùng các con nuôi là sinh viên Lào tham quan TPHCM vào ngày Quốc khánh 2/9
Gia đình chị Trần Thị Hồng Vân (ngụ TP Thủ Đức) cùng các con nuôi là sinh viên Lào tham quan TPHCM vào ngày Quốc khánh 2/9

Ở phía trong, các đại biểu đã được tham quan một phần của tòa nhà với không gian khu vực sảnh chính, ban công và các phòng tiếp khách... Công trình được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 với tên gọi đầu tiên là Hotel De Ville (còn được gọi là Dinh Xã Tây). Trước năm 1975, tòa nhà được gọi là Tòa đô chánh. Từ sau năm 1975, tòa nhà là trụ sở HĐND, UBND TPHCM. Đây là công trình kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia với hơn 110 năm tuổi, được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2020. 

Đi cùng chị Loan còn có cháu gái và 2 cô “con gái” là sinh viên Lào được chị nhận nuôi năm 2023 từ chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia”. Chị Loan chọn cho cả nhà bộ áo dài đồng phục màu đỏ rực rỡ. Các con gái luôn bẽn lẽn và lúc nào cũng quấn lấy chị Loan như hình với bóng. Họ đã chụp lại rất nhiều ảnh lưu niệm. 

Đặc biệt hơn các gia đình khác, chị Nguyễn Thị Hằng (quận 4) dẫn theo 5 đứa “con nuôi” để cùng trải nghiệm. Chị Hằng đã có nhiều năm tham gia chương trình. Ban đầu chị chỉ nhận nuôi 2 em Nando Manivong và Xaiyaphone Inphaeng. Nhưng qua giới thiệu của các con, chị nhận thêm 3 em nữa là Sipaseuth Keo, Duangmany Xaiyavong và Lona Phaengthongkham.

Gần 2 năm qua, 6 mẹ con luôn khắng khít bên nhau. Chị Hằng thương yêu và đối đãi với các con như người một nhà, dạy nói tiếng Việt, nấu món ăn Việt... Cuối tuần, các con sắp xếp việc học để về họp mặt, mẹ con cùng xuống bếp nấu cơm, chuyện trò.

Chuyến đi cũng là dịp để các gia đình Việt và sinh viên Lào, Campuchia cùng diện quần áo đẹp, đặc biệt là áo dài. Nói tiếng Việt khá rành, em Vilayphon Yenapha - sinh viên Lào - cho biết, nhiều năm học tập tại TPHCM, đây là lần đầu tiên em được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo đến như vậy. “Với em, Việt Nam rất đẹp, người Việt Nam rất gần gũi, thân thiện” - Vilayphon Yenapha nhận xét.

Chị Trần Thị Nhung và 2 “con gái” là sinh viên Lào chụp ảnh lưu niệm phía trước UBND TPHCM
Chị Trần Thị Nhung và 2 “con gái” là sinh viên Lào chụp ảnh lưu niệm phía trước UBND TPHCM

Không còn cảm thấy cô đơn

Em Vilayphon Yenapha cùng với em Thongthida Sainiphone được gia đình chị Trần Thị Nhung (quận 12) nhận nuôi trong năm 2023. Chị Nhung gọi các em là “con gái”, còn các em gọi chị là “mẹ Nhung”.

Lần đầu tiên tham gia chương trình, 3 mẹ con mỗi người có những cảm xúc khác nhau. Chị Nhung cho biết: “Khi được Hội Phụ nữ phường giới thiệu chương trình và vận động tham gia, tôi đồng ý ngay. Tôi cũng có con gái đã lấy chồng và ra Hà Nội sinh sống mấy năm nay, nên tôi thấu hiểu cảm giác thiếu vắng con, thiếu vắng không khí gia đình. Tham gia chương trình, tôi thấy vui vì giờ lại có thêm 2 cô con gái đặc biệt đến từ nước Lào. Các con rất hiền, biết quan tâm đến những người trong gia đình. Không khí gia đình vui nhộn hẳn lên”. 

Yenapha và Sainiphone đều thích môi trường học tập tại Việt Nam nên dù có cơ hội được đi du học tại Việt Nam và Trung Quốc nhưng các em đã chọn Việt Nam mà chẳng đắn đo. Yenapha còn cho biết, ba em từng là du học sinh tại Việt Nam. Qua lời kể của ba cũng như theo ba trong những chuyến đi du lịch thăm Việt Nam, em đã hiểu hơn về con người và đất nước này.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (bìa trái) - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho các sinh viên Lào, Campuchia
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (bìa trái) - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà cho các sinh viên Lào, Campuchia

Ban đầu đến Việt Nam, Yenapha chỉ có thể nói bập bẹ tiếng Việt. Nhưng chỉ sau 1 năm học tiếng, hiện Yenapha đã nói tiếng Việt khá tốt, việc giao tiếp và học tập của em cũng khá thuận lợi. Hiện Yenapha đang là sinh viên năm 3 ngành dược. 

Còn Sainiphone chỉ mới vào học năm thứ nhất ngành y. Dù tiếng Việt chưa giỏi nhưng em rất dạn dĩ trong giao tiếp. Sainiphone cho biết, em là con gái út trong nhà nên khi quyết định chọn sang Việt Nam để học, ba mẹ em rất lo lắng.

Bản thân em cũng có nhiều cảm xúc, vừa muốn đi để có cơ hội được tiếp cận nền giáo dục tốt vừa muốn cho mình cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam. Sainiphone cảm thấy cuộc sống và con người Việt Nam gần gũi, món ăn Việt Nam cũng rất ngon. Em chỉ gặp khó khăn về ngôn ngữ. 

Sainiphone kể: “Vừa sang Việt Nam học, em đã đăng ký tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia” và được gia đình mẹ Nhung đón nhận, rất mực yêu thương”. Em thích những lúc được mẹ Nhung dạy nấu các món ăn Việt Nam và thích nhất món bánh xèo, vừa đổ vừa ăn, thơm và giòn. Mẹ Nhung làm rất ngon. Em đã biết làm nhưng chưa được ngon và khéo bằng mẹ. “Em chỉ tiếc là chưa làm được các món Lào cho mẹ Nhung thưởng thức” - Sainiphone nói thêm. 

Sau gần 4 tháng gần gũi, mẹ con đều quý mến nhau. Yenapha và Sainiphone nhận xét: “Mẹ Nhung là người tình cảm. Chúng tôi thấy mình may mắn khi được mẹ Nhung nhận làm con. Chúng tôi cảm thấy ấm áp, không còn cảm giác thiếu vắng, cô đơn nữa”. 

Chương trình đồng hành “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM” năm 2023 nằm trong đề án cùng tên, giai đoạn 2021-2025, do  Hội LHPN cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã phối hợp thực hiện. 

Từ năm 2021 đến nay, chương trình ngày càng tăng về số lượng và quy mô. Năm 2023 có 105 em sinh viên Lào, Campuchia và được 67 gia đình Việt tại 17 quận, huyện, TP Thủ Đức tham gia chương trình. 

Với sự yêu thương, quan tâm chăm sóc từ các gia đình, các sinh viên Lào, Campuchia được trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày trong các gia đình Việt, được học tiếng Việt... giúp các em yên tâm và tự tin trong học tập, hiểu biết nhiều hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa
Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM


Thiên Ân

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI