PNO - Trong hành trình 2 ngày 2 đêm (từ ngày 11-13/7) tại TPHCM, các trại sinh tham gia trại hè “Thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ thành phố” đã có nhiều trải nghiệm thú vị và có thêm nhiều gắn kết.
“Con đang ở đâu?” - Nguyễn Hải Ân phấn khích khều tay tôi hỏi khi chiếc phà đưa 60 trại sinh rời khỏi bến đò Tắc Xuất chưa lâu. Bờ xa dần, 4 bề là nước, cậu cố thò mặt, đưa bàn tay ra ngoài hứng lấy cơn gió biển đang lồng lộng thổi. Hải Ân - 9 tuổi, vừa trở về từ Hungary và là trại sinh nhỏ tuổi nhất tham gia trại hè năm nay. Mặc dù nhỏ tuổi nhất, nhưng cậu bé luôn thể hiện bản lĩnh khi từ chối sự giúp đỡ và quyết tâm tự bước xuống phà, biết cách tự bảo quản đồ đạc cá nhân và đã làm quen với tất cả trại sinh.
Những nụ cười thích thú khi được trải nghiệm, khám phá những vùng đất lạ
Trong 2 ngày qua, chiếc túi xách mà Hải Ân mang bên người luôn có quyển sách Thỏ bảy màu. Những lúc không biết làm gì trên quãng đường di chuyển dài, Hải Ân lấy sách ra đọc. “Con đọc quyển sách này để học tiếng Việt. Con học tiếng Việt được 1 năm rồi” - Hải Ân chậm rãi nói. Như để chứng minh mình biết thêm nhiều chữ mới lạ, Hải Ân tháo chiếc vòng cao su màu cam đang đeo trên tay (dấu hiệu nhận biết của đội màu cam) đưa lên đố các bạn chiếc vòng đó là gì. Tất cả lắc đầu, Hải Ân đắc thắng: “Đây là “phe”!”. Thấy ai cũng nhìn mình có vẻ không biết “phe” là gì, Hải Ân đưa ngón trỏ lên quẹt 2 quẹt ngang trong không khí rồi nói: “Phe” = “team” (đội, nhóm). Giải thích xong, cậu nghểnh mặt lên, đắc chí.
Khác với ngày đầu khi tất cả đều nhìn nhau lạ lẫm, ngày thứ hai của trại hè tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), Hải Ân gần như đã quen tất cả mọi người. Ăn xong bữa trưa, cậu bé len lỏi qua từng bàn ăn để ôm vai người này, bá cổ người kia một cách hết sức quảng giao. Có lúc nũng nịu, Hải Ân đòi các anh cõng. Chiều em, các trại sinh lớn tuổi thay nhau công kênh Hải Ân trên lưng. Dần dà, khoảng cách giữa 60 thanh thiếu niên đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ dần thu hẹp, thay vào đó là 1 vòng tay lớn được kết nối ngay trên quê hương mình.
Đóng vai thầy giáo trong một phòng học của Trường THPT Thạnh An, Nguyễn Tuấn Khang - 15 tuổi, cũng về từ Hungary - tự tin cầm phấn nói to với “đám học sinh” đang ngồi phía dưới: “Hôm nay chúng ta sẽ học bài “5 điều Bác Hồ dạy nhé!”. Nói xong, “thầy giáo” chỉ lên tấm bảng mi-ca có in “5 điều Bác Hồ dạy” nói to: “Điều 1, “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”. Điều này không có gì phải bàn cãi. Khi chúng ta yêu tổ quốc, chúng ta đặt tay lên ngực mình”. Nói đến đó, bàn tay phải của thầy giáo Tuấn Khang đặt lên ngực trái, trang nghiêm nhìn xuống lớp học.
“Thầy ơi, tôi yêu đồng bào trước khi yêu tổ quốc được không?” - một học sinh phản biện. Câu hỏi bất ngờ khiến thầy giáo “đứng hình” mất vài giây. Rồi thầy giả lả: “Phải có tổ quốc mới có đồng bào chớ. Mà không sao. Em cứ yêu những người bên cạnh mình trước cũng được - là đồng bào đó chớ đâu. Còn tổ quốc lúc nào mà chẳng ở trong tim?”.
Những tiếng cười rộ lên trong lớp học bởi sự “dẻo miệng” của thầy giáo, xóa tan cái mệt mỏi khi vừa trải qua quãng đường dài di chuyển dưới cái nắng đỉnh điểm trên xã đảo Thạnh An. Ngày thứ hai, các trại sinh thoải mái vui đùa cùng nhau, không phân biệt “phe” cam, vàng, đỏ, tím như đã phân chia khi hành trình bắt đầu.
Các trại sinh đang lắp đặt kệ sách thư viện cho thiếu nhi xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ - Ảnh: Thu Lê
Góp bàn tay làm những điều ý nghĩa
Trong hành trình 2 ngày 2 đêm tại TPHCM, 60 trại sinh đã dâng hương tượng đài Bác Hồ, tham quan dinh Độc Lập, tìm hiểu lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc qua các cổ vật, hiện vật gắn liền với lịch sử của dân tộc tại Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng TPHCM. Trại sinh cũng được du ngoạn, ngắm toàn cảnh thành phố từ 2 bên bờ sông Sài Gòn với nhiều công trình nổi bật bằng xe buýt đường sông. Đặc biệt, trong hành trình, các trại sinh đã trở thành những chiến sĩ mùa hè xanh khi tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa.
Đi trên con đường tuyệt đẹp xuyên qua rừng ngập mặn để đến với nghĩa trang rừng Sác, nghe kể chuyện về những người lính nằm xuống, máu hòa vào đất để cánh rừng xanh bạt ngàn vươn lên mạnh mẽ như hôm nay; được biết ở nơi xa xôi của thành phố có 1 hòn đảo nhỏ mà ở đó, chỉ cách đây vài năm, những bạn trẻ trạc tuổi mình phải bỏ học vì đường đến trường quá trắc trở, Nguyễn Vi Hàn - 16 tuổi, trở về từ cộng hòa Séc - cho biết, em hài lòng về chuyến đi mặc dù lịch trình dày đặc, có những lúc khá mệt mỏi vì thời tiết nắng nóng.
Khu vui chơi ở Trường tiểu học Thạnh An được thanh thiếu niên kiều bào sơn sửa, trang trí lại
Men theo bờ đê ôm lấy xã đảo giữa cái nắng chang chang, Vi Hàn tâm sự, em biết trại hè thông qua mạng xã hội và quyết định đăng ký tham gia để có những trải nghiệm sâu hơn về đất nước trong mùa hè này. Lần về Việt Nam gần nhất của em cách đây 7 năm. Nói lên cảm nhận của mình về đất nước sau chừng ấy thời gian, Vi Hàn cho biết: “Em thấy Việt Nam thay đổi rất nhiều. Đường phố rộng rãi, sạch sẽ hơn, nhiều tòa nhà mới hiện đại hơn và thành phố dường như đã phát triển hơn rất nhiều mặc dù vẫn còn những nơi đời sống còn khó khăn như trên xã đảo này”.
Do đó, những hoạt động thiện nguyện trong chuyến đi là điều mà Vi Hàn cảm thấy vô cùng ý nghĩa. Với em, được góp bàn tay của mình vào những điều nhỏ bé, ý nghĩa là đã giúp mình cảm thấy được sự kết nối với quê hương. Đó cũng là điều mà Nguyễn Như Quỳnh - 24 tuổi, về từ Ba Lan - ấn tượng khi tham gia các hoạt động của trại hè lần này. Trong lúc sắp xếp kệ sách, Như Quỳnh bộc bạch: “Không chỉ có thêm những người bạn, nói với nhau đủ chuyện khắp nơi và hiểu biết thêm về đất nước mình, em mong những chuyến trại hè còn tạo điều kiện để mọi người được làm nhiều hơn trong khả năng, để được góp phần cho quê hương”.
Đồng hành cùng các bạn trong suốt hành trình, bà Đinh Thị Phương Thảo - Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - cho biết, trại hè tổ chức với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, chia sẻ và lan tỏa đến các thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ thành phố về những thành tựu, sự đổi mới, phát triển của TPHCM và đất nước.
“Không chỉ tạo điều kiện để các bạn trải nghiệm, tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, những làng nghề truyền thống, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước với thế hệ trẻ hôm nay, chương trình còn muốn truyền đi một thông điệp: dù đang sống ở đâu, là kiều bào hay thanh niên thành phố, thì 2 tiếng Việt Nam sẽ là sợi dây kết nối để chúng ta hướng về cộng đồng với sự góp sức, sẻ chia” - bà Thảo nói.
16 lần tổ chức, đón gần 1.000 bạn trẻ người Việt ở nước ngoài trở về với cội nguồn dân tộc
Trại hè “Thanh thiếu niên kiều bào và tuổi trẻ thành phố” lần thứ 16 được tổ chức từ ngày 11-15/7 với sự tham gia của 60 trại sinh là các thanh thiếu niên kiều bào về từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong số đó, có những bạn lần đầu tiên đặt chân về Việt Nam. Đây là hoạt động phối hợp thường niên do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM và Thành đoàn TPHCM tổ chức nhằm tạo nhịp cầu kết nối thanh thiếu niên kiều bào với quê hương, đất nước.
Qua 16 năm tổ chức, chương trình đã đón gần 1.000 bạn trẻ là người Việt Nam ở nước ngoài được trở về với cội nguồn dân tộc.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.