Gắn camera nhân viên bốc vác: Quản tiếp viên, phi công thế nào?

08/10/2015 - 15:57

PNO - Để hạn chế tình trạng mất trộm, thất lạc hành lý hàng không, ông Trần Hoài Phương, GĐ Cảng vụ miền Bắc đề xuất gắn camera cho nhân viên bốc vác.

Nhiều phương án kiểm soát, không tránh được mất cắp

Báo VnExpress đưa tin, chiều ngày 7/10, trong buổi tổng kết công tác kiểm tra, công tác phòng chống mất hành lý sân bay tại Hà Nội, ông Phương đã đưa ra đề xuất nhằm khắc phục tình trạng mất trộm, thất lạc hành lý.

Theo ông Phương, cần phải gắn camera trên mũ, chắn mũ của từng nhân viên bốc vác. Kèm theo đó là tăng cường công tác thanh kiểm tra đột xuất.

Lý giải cho đề xuất của mình, ông Phương cho rằng, việc gắn camera lên mũ đã được thực hiện trên mũ CSGT làm việc ở các chốt nhạy cảm tại hai thành phố lớn là TP. HCM và Đà Nẵng đạt hiệu quả tích cực.

Theo phản ánh của các phương tiện truyền thông đại chúng, tình trạng mất cắp, thất lạc hành lý hàng không vẫn xảy ra phổ biến trong năm 2015.

Tuy tình trạng này có giảm về những tháng cuối năm nhưng đây vẫn là hiện tượng nhức nhối, nhiều khách hàng có tâm lý e ngại nên không muốn phản ánh tới bộ phận an ninh.

Đại diện Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam cho rằng, dù lắp nhiều camera nhưng nhiều chỗ camera chưa vươn tới. Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó GĐ Xí nghiệp dịch vụ mặt đất Nội Bài (Niags) cho rằng, camera bị vô hiệu nếu nhân viên đẩy xe hàng vào khu vực tối, ngoài tầm kiểm soát mà chưa có chế tài quản lý.

Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, ngoài các giải pháp nói trên thì cũng cần phải bố trí lực lượng kiểm tra chéo, trong đó cần tăng cường kiểm tra đột xuất.

Gan camera nhan vien boc vac: Quan tiep vien, phi cong the nao?
Năm 2015 vẫn có nhiều vụ mất cắp hành lý hàng không xảy ra.

Đặc biệt là việc lắp camera theo dõi thì cũng phải có lực lượng kiểm tra, người giám sát camera và gắn công khai để những người có lòng tham biết sợ. “Cần phải làm sao để nhân viên phục vụ trong sân bay không muốn – không dám – không thể ăn cắp”, ông Ngọc nói.

Phi công, tiếp viên thì sao?

Những đề xuất trách nhiệm nói trên được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều độc giả vẫn đặt câu hỏi, tình trạng phi công, tiếp viên hàng không Việt Nam bị cáo buộc ăn trộm, vận chuyển hàng lậu sẽ quản lý thế nào? Bởi lẽ, hàng loạt vụ việc đã được phơi bày nhưng vẫn chưa có biện pháp chấn chỉnh hiệu quả.

Mới đây nhất, vào ngày 6/10, một nam phi công của Việt Nam đã bị cơ quan chức năng Nhật Bản tạm giữ vì mua đồ “quên” trả tiền.

Theo đó, nam phi công này vào một cửa hàng gần sân bay mua đồ nhưng quên mang theo hộ chiếu. Nam phi công đồng ý để lại hàng hóa và cả túi xách của mình để quay về khách sạn lấy hộ chiếu. Nhưng khi anh đi qua cửa kiểm soát thì máy điện tử thông báo có đồ chưa trả tiền nên nam phi công này bị tạm giữ.

Trước đó, ngày 10/3/2015, sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc), 2 phi công và tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ do giấu 6 kg vàng được chia làm 6 miếng, mỗi miếng nặng 1 kg dưới đế giày khi đi qua hệ thống máy dò kim loại của sân bay. 

Trong báo cáo gửi lên Cục Hàng không, Vietnam Airlines cho biết, hai nhân viên của hãng là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong đã mang theo vàng lên chuyến bay VN 426 khởi hành từ Hà Nội đi Busan ngày 10/3, nhưng không khai báo và bị bắt.

Tháng 3/2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo trị giá 125.000 yên (tương đương 25,7 triệu đồng).

Điều đáng nói là, nữ tiếp viên này bị nghi ngờ đã ăn cắp toàn bộ số quần áo trên tại Nhật Bản và có ý định mang về Việt Nam.

Tháng 9/2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn của VNA bị nhân viên an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) nhưng không khai báo. Toàn bộ số điện thoại nói trên đều còn mới, nguyên tem, mác trong hộp và chưa qua sử dụng.

Ngay sau khi phát hiện và lập biên bản vụ việc, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn cùng 50 chiếc điện thoại nói trên đã được bàn giao đưa về Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) công an Hà Nội để điều tra, làm rõ.

Những vụ việc phi công, tiếp viên hàng không vi phạm pháp luật liên tiếp xảy ra cũng đòi hỏi cần phải có biện pháp quản lý, xử lý triệt để.

  • Thụy Phương
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI