Sẻ chia yêu thương, hòa nhập văn hóa
Vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành tài chính công tại Trường đại học Kinh tế TPHCM, Khaphone Bouathiphan chuẩn bị quay lại Lào để tiếp tục vị trí công tác tại Đoàn Thanh niên tỉnh Champasak. Trước khi đến TPHCM học, với vai trò một cán bộ đoàn, em thường xuyên đón lực lượng tình nguyện viên của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sang tham gia các chiến dịch tình nguyện trên đất Lào. Cán bộ đoàn của hai nước cùng nhau dạy tiếng Việt, xây dựng trường học, trang trí lớp học, phát thuốc cho bệnh nhân, tặng quà cho người nghèo…
Những ngôi nhà hữu nghị Việt - Lào, sân chơi thiếu nhi, phòng đọc sách… cứ thế được xây nên từ sự đồng sức, đồng lòng của thanh niên hai nước. Điều đó đã hình thành trong lòng Bouathiphan một tình cảm thân thuộc, trìu mến với đất nước và con người Việt Nam. Bởi vậy, em rất vui mừng khi có cơ hội sang Việt Nam du học.
|
Sinh viên Lào, Campuchia ấn tượng với tour du lịch tìm hiểu, khám phá TPHCM bằng xe buýt hai tầng - Ảnh: P.T |
Trong ba năm học tại TPHCM, cô sinh viên Lào Bouathiphan lại khoác trên mình chiếc áo xanh của Đoàn Thanh niên Việt Nam để chung tay các hoạt động tình nguyện trên mảnh đất mà em yêu mến như quê hương thứ hai.
“Em rất vui vì không chỉ được học các kiến thức hữu ích cho công việc, mà còn được thực hiện các chuyến về nguồn, tìm hiểu các khu di tích lịch sử… như một người con của thành phố. Sau khi hoàn thành tốt nghiệp, hành trang em mang về nước là luận văn thạc sĩ về nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổ chức hiệu quả công tác tài chính cho Tỉnh đoàn Champasak. Trên hết, là tình cảm yêu mến dành cho con người và mảnh đất này, em tin rằng sẽ còn nhiều dịp quay lại TPHCM công tác cũng như đón những đoàn công tác của TPHCM sang Lào” - Bouathiphan chia sẻ.
Còn Chanm Sreylin (Campuchia), sinh viên ngành dược của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì rất ấn tượng với các hoạt động giao lưu văn hóa do trường và các đoàn thể của TPHCM tổ chức cho cộng đồng sinh viên Lào và Campuchia.
Chanm Sreylin kể: “Vào tháng 4 hằng năm, chúng em được hòa mình trong lễ hội tết cổ truyền Chol Chnam Thmey (Campuchia) và tết cổ truyền Bunpimay (Lào) kéo dài năm ngày với nhiều hoạt động sinh hoạt truyền thống: nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu chúc may mắn, lễ hội té nước, nhảy múa các điệu nhạc truyền thống… Không chỉ sinh viên Lào, Campuchia thích thú được vui chơi trong các hoạt động truyền thống của nước mình, mà ngay cả các bạn Việt Nam cũng rất hào hứng. Vui nhất là sinh viên ba nước cùng hòa vào lễ hội té nước”.
Theo phong tục Lào và Campuchia, mọi người té nước vào nhau với mong muốn gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, mạnh khỏe. Cứ mỗi dịp như vậy, Chanm Sreylin thấy gắn kết, gần gũi như đang được sống giữa quê nhà.
Cô sinh viên người Lào Phelsalat Phoutthevy đang theo học ngành dược của Trường đại học Nguyễn Tất Thành thì rất thích những dịp giao lưu về ẩm thực giữa sinh viên ba nước. Em được dịp trổ tài nấu các món đặc sản Lào như xôi nếp, lạp, nộm đu đủ… và cũng thích thú khi được thưởng thức các món đặc sản Việt Nam. Đặc biệt, Phoutthevy rất vui khi các bạn nữ Việt Nam yêu thích chiếc váy Sinh - trang phục truyền thống của phụ nữ Lào, còn em cũng mê mẩn bộ áo dài duyên dáng Việt Nam. Vào dịp lễ tết, Phoutthevy và các bạn sinh viên Lào thường rủ nhau mặc áo dài đi chùa ở TP.HCM để cầu mong những điều tốt lành.
Cùng người dân TPHCM vượt qua đại dịch
Hai năm dịch bệnh vừa qua, hàng trăm sinh viên Lào, Campuchia cũng bị “mắc kẹt” tại TPHCM không thể về nước. Cùng với người dân thành phố, các em đã trải qua những ngày tháng không thể nào quên.
|
Sinh viên Lào, Campuchia tại chương trình chào mừng tết cổ truyền Lào, Campuchia do ký túc xá sinh viên Lào (quận 3, TPHCM) tổ chức - Ảnh: P.T |
Nhớ lại hơn một năm trước, Meksouly Silatikoun (Lào) - sinh viên ngành y Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - kể: Thời điểm đó, cùng với yêu cầu giãn cách toàn thành phố, không khí tại ký túc xá (KTX) sinh viên Lào (quận 3) luôn căng thẳng và trầm lắng.
Hằng ngày, các em vào trang tin của Bộ Y tế để theo dõi tình hình dịch bệnh. Thời điểm cả thành phố nặng nề với con số người nhiễm, tử vong tăng cao, các em không chỉ lo lắng cho bản thân, bạn bè, người dân thành phố, mà còn thắt lòng khi nghĩ đến gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, ban quản lý KTX đã có nhiều hoạt động tăng cường tương tác trên mạng, trên fanpage, nhóm. Hằng tuần, các sinh viên tham gia cuộc thi tự quay clip về hoạt động thể dục thể thao để đưa lên diễn đàn, ai nhiều “like” nhất sẽ được thưởng. Nhờ vậy, các bạn chăm tập thể thao hơn và không khí trong KTX cũng dần có sức sống hơn.
Tháng 5/2021, vào thời điểm dịch bệnh đỉnh điểm tại TPHCM cũng là lúc cha Silatikoun ở Lào qua đời vì bệnh nặng, nhưng em không thể về nước để đưa tiễn cha. Silatikoun nghẹn ngào: “Ngày em còn nhỏ, sức khỏe cha không được tốt, thường phải đi khám bệnh. Chính vì vậy, em đã lớn lên cùng với mơ ước trở thành bác sĩ chữa bệnh cho cha. Thế nhưng, khi em đã đi đến gần ước mơ đó thì cha lại qua đời. Cũng là một người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, em rất thấu hiểu nỗi đau của hàng ngàn trẻ mồ côi tại TPHCM trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Nếu không có bạn bè, thầy cô thường xuyên quan tâm, động viên, chắc chắn em không thể vượt qua được những tháng ngày đau buồn đó”.
Phao Rathana (Campuchia) - sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Tôn Đức Thắng - chia sẻ, trong giai đoạn dịch bệnh, không một sinh viên Campuchia nào bị bỏ quên. Các em thường xuyên được bạn bè, thầy cô, nhà trường quan tâm.
“Ngay cả cô giáo tiếng Việt dạy em từ mấy năm trước cũng mua nhiều đồ ăn, vật dụng mang đến. Cô còn mua sách cho em đọc vì sợ em buồn. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể, Tổng lãnh sự quán Campuchia… liên tục hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc thang, động viên các du học sinh trong giai đoạn khó khăn chung của thành phố. Đến ngày hôm nay, nhìn những đường phố sôi động trở lại, chúng em lại được đến trường học trực tiếp, thực sự em thấy rất vui, thấy mình là một phần của thành phố này” - Rathana xúc động.
Ngôi nhà hữu nghị của nhiều thế hệ sinh viên Lào - Campuchia Thành lập từ năm 2004, KTX sinh viên Lào (thuộc Thành đoàn TPHCM) từ lâu đã trở thành ngôi nhà hữu nghị, là đầu mối kết nối cộng đồng du học sinh Lào, Campuchia với nhau và với người dân TPHCM. Ban đầu, KTX dành cho du học sinh Lào, đến năm 2010, bắt đầu đón thêm du học sinh Campuchia. Đến nay, nơi đây quản lý gần 500 trong tổng số 1.000 sinh viên Lào, Campuchia trên toàn thành phố. Ông Huỳnh Thanh Nhã - Phó giám đốc KTX sinh viên Lào - cho biết các hoạt động của KTX rất đa dạng, không chỉ hỗ trợ việc học tập cho sinh viên mà còn hướng tới xây dựng mối quan hệ gắn kết, giao lưu các giá trị văn hóa và lịch sử của thế hệ trẻ ba nước. Sinh viên Lào, Campuchia được trải nghiệm chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia” do Thành đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM thực hiện; phong trào đỡ đầu du học sinh Campuchia ở Việt Nam mang tên “Ươm mầm hữu nghị” do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động… Mỗi dịp tết Nguyên đán Việt Nam, KTX tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho sinh viên Lào, Campuchia không thể về quê. Đây là dịp đặc biệt giúp các du học sinh cùng trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa ngày tết cổ truyền Việt. Các em cũng được tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ như Hội trường Thống Nhất, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, khu di tích trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận)… “Đặc biệt, một hoạt động rất ý nghĩa mà KTX đang triển khai là xây dựng Không gian Hồ Chí Minh trực tuyến trên fanpage “KTX sinh viên Lào tại TPHCM” nhằm giới thiệu đến sinh viên Lào và Campuchia những giá trị tốt đẹp về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về mối quan hệ gắn bó keo sơn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người đồng cấp của hai nước anh em Lào - Campuchia cùng vun đắp. Sự đoàn kết, gắn bó của thế hệ trẻ ba nước sẽ góp phần vun đắp và phát huy hơn nữa tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa ba nước” - ông Huỳnh Thanh Nhã nói. |
Minh Linh