"Gắn bó tâm hồn" có phải là điều viển vông?

04/08/2020 - 05:28

PNO - Lẽ nào, ngoài cha mẹ, con cái - những gắn bó huyết thống; ta không thể có một mối gắn bó thực sự nào trong đời sao?

Chào chị Hạnh Dung,

Em không còn trẻ nữa nhưng không hiểu sao lại vướng vào một chuyện buồn kiểu... tuổi teen. Mới đây, em và cô bạn gái thân nghỉ chơi với nhau. Lý do nghỉ chơi là em được biết cô bạn đã nói những điều tiêu cực về em.

Em không buồn vì bị nói xấu, chuyện này em đã gặp nhiều và không bị ảnh hưởng mấy. Ngay cả lần này em cũng không trách giận bạn em, cũng không thấy bạn xấu xa gì. Em biết bạn vẫn thương quý em và em cũng vậy.

Chỉ là, em quá buồn và hoài nghi tất cả những gắn bó trong đời. Tụi em thân nhau đến mức vào sinh ra tử, như hình với bóng, nhưng cuối cùng vẫn đi đến một sự soi xét và phán xét lạnh lùng như cách mọi người vẫn phán xét nhau.

Tại sao đã gắn bó đến vậy mà người ta vẫn còn nhầm lẫn, còn khó khăn trong việc hiểu nhau? Em vốn đã ít tình thân, nên những người thân thiết hầu như đều là những người em có thể trút hết gan ruột.

Vậy nên, cú vấp từ chính người thân này làm em không còn tin vào sự gắn bó nữa. Lẽ nào, ngoài cha mẹ, con cái - những gắn bó huyết thống; ta không thể có một mối gắn bó thực sự nào trong đời sao?

Thiên Lý (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Em Thiên Lý thân mến,

Chị rất hiểu và chia sẻ cảm giác của em. Đó gần như là cảm giác mất niềm tin vào sự gắn bó sâu sắc và chân thành, hay nói cách khác, vào khả năng thấu cảm trong một mối quan hệ. Ở đây, có lẽ mình cần làm rõ hai câu hỏi: sự hiểu nhau đến từ đâu? Và, sự thấu hiểu có tồn tại mãi mãi, vô điều kiện, nếu người ta cho rằng họ đang yêu thương nhau hay không?

Thực chất, theo tâm lý học, ngoài mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mọi mối quan hệ ngoài thân trong đời đều là mối quan hệ có điều kiện, được xác lập và duy trì, khi nó thỏa mãn những nhu cầu căn bản của các bên.

Nói như vậy không có nghĩa ta phải toan tính với nhau, mà chính là ta phải luôn nỗ lực để hiểu nhu cầu của người mà ta yêu quý, họ cần gì, tâm hồn họ ra sao. Nói cách khác, sự hiểu trong một mối quan hệ, dù là tình yêu hay tình bạn, đều không đến một cách tất nhiên, và cũng không tồn tại mãi mãi, vô điều kiện.

Nó luôn cần một ý thức sâu sắc đến từ khao khát muốn yêu thương và trân quý lẫn nhau, để ta có thể luôn nỗ lực chăm bón cho sự hiểu nhau được phát triển. Bởi vậy, để yêu quý nhau thực sự, ta cần lắng nghe nhau, nhìn thấy nhau, và duy trì lòng thấu cảm cho nhau. Đó mới là hiểu, là thương đúng nghĩa. 

Quay lại câu chuyện của em - “tại sao đã gắn bó đến như vậy mà người ta vẫn còn nhầm lẫn, còn khó khăn trong việc hiểu nhau?”. Câu trả lời rất đơn giản, người bạn ấy của em, vì nhiều lý do, có thể vì bạn ấy đã chọn một con đường để lý giải và trải nghiệm cuộc đời này khác em, nên bạn (dù là vô thức) đã chọn không nỗ lực để hiểu em nữa.

Điều đó không có nghĩa là mọi người khác đều lựa chọn như vậy, hay không có sự tồn tại của một mối quan hệ sâu sắc, thấu cảm. Mối quan hệ ấy sẽ luôn tồn tại nếu có sự cố gắng của cả đôi bên, và điều ấy có thể chưa đến lúc này, nhưng không có nghĩa là vĩnh viễn không tồn tại, vào lúc khác, giữa em và những người thân thương khác.

Hơn nữa, người bạn quan trọng và quý giá nhất của ta - chính là bản thân mình, em ạ. Lắng nghe tiếng nói bên trong tâm hồn mình, từ đó luôn trân trọng và yêu bản thân, em sẽ hiểu, khi ta trở thành người bạn của chính mình, ta sẽ phần nào hóa giải được nỗi cô đơn của kiếp người. Ta sẽ thanh thản hơn khi biết rằng, mỗi cá nhân đều có con đường riêng của họ. 

HẠNH DUNG

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI