Gần 62 triệu người trên toàn thế giới mắc chứng tự kỷ

20/12/2024 - 10:24

PNO - Theo một nghiên cứu mới trên toàn cầu, ước tính có 61,8 triệu người trên toàn thế giới mắc chứng tự kỷ vào năm 2021.

Phân tích cho thấy chứng tự kỷ phổ biến hơn đáng kể ở trẻ trai và nam giới, với tỷ lệ giới tính chuẩn hóa theo độ tuổi trên toàn cầu là 2,1 trên một. ẢNH: UNSPLASH
Phân tích cho thấy chứng tự kỷ phổ biến hơn đáng kể ở trẻ trai và nam giới. ẢNH: UNSPLASH

Các nhà nghiên cứu từ "Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021" phát hiện ra rằng, cứ 127 người thì có một người mắc chứng tự kỷ. Theo các nhà nghiên cứu, điều này cho thấy các chính phủ cần nhấn mạnh nhu cầu phát hiện sớm và hỗ trợ tình trạng bệnh này.

Theo kết quả nghiên cứu, con số này tăng vọt đáng báo động so với con số cứ 271 thì có trường hợp được báo cáo vào năm 2019.

Tự kỷ là một trong những thách thức về giao tiếp xã hội, tương tác, xử lý cảm giác và hành vi hoặc sở thích lặp đi lặp lại, và trong một số trường hợp, là bị khuyết tật trí tuệ, với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Các nhà nghiên cứu cho biết những người mắc chứng tự kỷ phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập xã hội, gặp khó khăn trong học tập hoặc nơi làm việc và có thể cần hỗ trợ tâm lý xã hội khi trưởng thành. Theo số liệu thống kê trước đây, chứng tự kỷ là 1 trong 10 thách thức sức khỏe hàng đầu đối với người trẻ.

Các nhà nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry ngày 19/12 rằng: "Gánh nặng sức khỏe dai dẳng trong suốt cuộc đời cho thấy nhu cầu lập kế hoạch chính sách và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho những người mắc chứng tự kỷ ở mọi giai đoạn của cuộc đời".

Phân tích dựa trên dữ liệu từ 34 quốc gia cho thấy chứng tự kỷ phổ biến hơn đáng kể ở trẻ em trai và nam giới, với tỉ lệ là 2,1 nam thì có 1 nữ.

Tiến sĩ Damian Santomauro - tác giả chính của báo cáo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dịch tễ học và gánh nặng bệnh tật tại Đại học Queensland và Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Park - cho biết, các nghiên cứu trước đây ước tính tỉ lệ này là 4 nam thì có 1 nữ.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ mắc bệnh khác nhau rất nhiều tùy theo khu vực, từ 1/163 người ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ Latinh đến 1/65 người ở các nước có thu nhập cao tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Nhật Bản có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở mức 1.587 trên 100.000 người, so với 588 ở Bangladesh và 614 ở Brazil.

Tiến sĩ Santomauro và các đồng nghiệp cho biết, có một số yếu tố góp phần tạo nên những khác biệt về mặt địa lý này, bao gồm mức độ tiếp xúc khác nhau với các yếu tố rủi ro, khác biệt về văn hóa trong chuẩn mực hành vi...

Giáo sư về chứng tự kỷ Andrew Whitehouse từ Viện nghiên cứu trẻ em Úc tại Perth cho biết: “Đây là một nghiên cứu quan trọng, vì nó cho thấy rất rõ tác động của chứng tự kỷ đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng nói chung. Bài báo này nên tăng gấp đôi nỗ lực toàn cầu để tìm kiếm và thực hiện các biện pháp phát hiện sớm chứng tự kỷ, để chúng ta có thể tối đa hóa cơ hội sống cho những người mắc chứng tự kỷ”.

Bệnh tự kỷ có đang gia tăng không?

Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, trái ngược với một số nghiên cứu cho rằng tỉ lệ mắc chứng tự kỷ đang gia tăng, tỉ lệ mắc các đặc điểm tự kỷ trong dân số vẫn tương đối ổn định theo thời gian.

Tiến sĩ Santomauro cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, việc phát hiện và can thiệp sớm được công nhận rộng rãi là điều cần thiết. Tiến sĩ Santomauro và các đồng nghiệp của ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết không chỉ nhu cầu của trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ, mà còn của cả người lớn, những người thường không được quan tâm đầy đủ trong nghiên cứu.

Tiến sĩ Susanne Duvall - phó giáo sư nhi khoa và tâm thần học tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon - cho biết, ở trẻ sơ sinh bị chậm phát triển nghiêm trọng hơn, các dấu hiệu của chứng tự kỷ có thể xuất hiện sớm nhất là từ 12-24 tháng, trong khi những trẻ có kỹ năng nhận thức mạnh mẽ và biểu hiện tinh tế hơn có thể không biểu hiện các vấn đề liên quan đến chứng tự kỷ cho đến khi vào tiểu học hoặc thậm chí là tuổi thiếu niên.

Tiến sĩ Duvall cho biết: “Khi nhu cầu xã hội và trường học ngày càng phức tạp, nhu cầu về kỹ năng giao tiếp bằng lời nói tăng cao, trẻ em có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp các bạn cùng trang lứa".

Bà nói thêm rằng, trong khi nhiều trung tâm ưu tiên đánh giá trẻ nhỏ vì điều trị sớm thường hiệu quả nhất, thì việc tập trung này có thể dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong việc chẩn đoán và hỗ trợ trẻ lớn mắc chứng tự kỷ. Đặc biệt, trẻ em gái có nhiều khả năng bị chậm trễ trong chẩn đoán do ít có triệu chứng hành vi bên ngoài và khó khăn nhận biết hơn.

Trọng Trí (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI