Gần 600 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội không được xét đặc cách: Ai chịu trách nhiệm?

15/01/2020 - 13:46

PNO - Hà Nội vẫn đang rối trong việc xét đặc cách giáo viên hợp đồng. Riêng hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức, “phận” hợp đồng có lẽ đã ở tận cùng xót xa: gần 600 giáo viên hợp đồng (trừ khối mầm non) của hai huyện này không ai có tên trong danh sách xét đặc cách. Lý do: không đóng bảo hiểm.

Hà Nội đã thông qua việc dành 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên (GV) thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách. Điều kiện: GV đang ký hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và THCS; đồng thời, có thời gian ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trước ngày 31/5/2015.

Rất nhiều GV ở H.Mỹ Đức có thâm niên giảng dạy từ 10-20 năm, nhưng hợp đồng của họ chỉ ba tháng/lần, với mức lương 1.210.000 đồng/tháng. Phòng Nội vụ H.Mỹ Đức thừa nhận, nếu theo luật (điều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì huyện sai, bởi sau khi ký hợp đồng thời vụ, đến lần thứ ba là phải ký hợp đồng dài hạn cho người lao động.

Nhiều giáo viên
Gần 600 giáo viên hợp đồng hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức (Hà Nội) không có tên trong danh sách xét đặc cách.

Lãnh đạo huyện giải thích, vì nhiều năm H.Mỹ Đức không có chỉ tiêu tuyển GV. Đồng nghĩa với việc lương của các GV hợp đồng bao năm qua không do tỉnh Hà Tây (cũ) hay TP.Hà Nội chi trả, mà do ngân sách của 
huyện “gánh”.

Việc phải “gánh” lương của mấy trăm GV suốt nhiều năm đã là quá sức. Vì không có khả năng đóng BHXH cho họ, nên huyện buộc phải ký hợp đồng ba tháng/lần. Không có kinh phí để đóng BHXH cho GV hợp đồng cũng là lý do mà H.Ứng Hòa đưa ra, dù mức lương GV hợp đồng ở huyện này có nhỉnh hơn một chút: 1.490.000 đồng/tháng.

Mãi đến đầu năm 2020 này, mới thấy H.Ứng Hòa có thông báo bắt đầu đóng BHXH cho GV hợp đồng, nhưng cũng chỉ được đóng đến ngày 31/7/2020. Những năm trước đó, “rất nhiều lần chúng tôi đề xuất lên huyện cho chúng tôi đóng BHXH. Dù phải bỏ tiền túi ra để đóng bảo hiểm tự nguyện chúng tôi cũng chấp nhận nhưng họ không cho”, cô giáo H. bức xúc. Rõ ràng, GV hợp đồng không được đóng BHXH vì ngân sách eo hẹp là lý do không xác đáng.

Gần 600 “phận” GV hợp đồng, không một ai có tên trong danh sách đủ điều kiện xét đặc cách; theo luật, lỗi thuộc về đơn vị sử dụng lao động, cụ thể ở đây là hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm về việc hàng trăm GV hợp đồng lẽ ra đủ điều kiện được đặc cách nhưng lại không được xét đặc cách?

Điều đáng nói nữa, kể từ đầu năm 2019 khi GV hợp đồng các huyện, thị của Hà Nội đi “gõ cửa” khắp nơi “kêu cứu” đến nay, vẫn chưa một lần thấy tiếng nói và vai trò của Công đoàn Giáo dục Hà Nội trong việc “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành giáo dục thủ đô”. 

 Ngọc Minh Tâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • nguyen ngoc 15-01-2020 17:20:13

    Kỷ luật cảnh cáo, khiển trách, hoặc rút Kinh nghiệm cho xong. Còn GV thì về cày ruộng đi thôi. Nếu xét thì đã cho xét rồi, liên quan gì bảo hiểm mà làm cho to chuyện,GV họ chấp nhận thua thiệt về BH kia mà. Chỉ là lý do mà thôi.

  • dao manh 15-01-2020 14:46:26

    Để công tâm thì chỉ cần điều kiện đã dạy tại 1 trường từ 2015 trở đi là được rồi, kèm thêm cái điều kiện phải đóng bảo hiểm nữa làm khổ thầy cô quá, mà cái sai ở đây là người sử dụng lao động chứ không phải thầy cô, mà thầy cô lại phải chịu cái qui định này, đã dạy bao năm rồi không được đặc cách lại phải thi cử nữa đỗ sao được, cái khó là các sếp chỉ thích thi thôi mới xảy ra tình trạng này, thật buồn cho ngành giáo dục.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI