Gần 60 người Việt Nam đăng ký hiến phổi cho phi công người Anh nhiễm COVID-19

15/05/2020 - 09:55

PNO - Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia thông tin đã có gần 40 người đăng ký hiến tạng cho bệnh nhân 91, còn tại TPHCM hiện có 20 người cũng đăng ký hiến tạng cho bệnh nhân này. Đằng sau đó là những câu chuyện đầy xúc động, bất ngờ.

Đã có gần 40 người đăng ký hiến tạng cho bệnh nhân người Anh, thông qua Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia
Đã có gần 60 người đăng ký hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân người Anh, thông qua Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia

Sáng 15/5, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia cho biết, tính tới thời điểm hiện tại đã có gần 40 người tình nguyện hiến một phần lá phổi cho bệnh nhân thứ 91 (43 tuổi, nam, quốc tịch Anh, phi công Vietnam Airlines) mắc COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Theo Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM), cho biết những ngày gần đây có khoảng 20 người gọi điện hoặc trực tiếp đến đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người với mong muốn được hiến phổi cho bệnh nhân 91. 

Trong những người tình nguyện hiến tạng, ông Phúc cho biết, có một trường hợp người Việt ở Myanmar đã liên lạc với trung tâm và sẵn sàng về nước để hiến phổi, cứu một người bệnh xa lạ mà mình chưa từng gặp gỡ. Tuy nhiên, hiện người này chưa thể về Việt Nam vì kẹt chuyến bay và dự kiến có thể về sau ngày 25/5. 

Trước đó, một phụ nữ ngoài 40 tuổi cũng nhắn tin tới trung tâm để đăng ký hiến tặng phổi. Chị là người phụ nữ khỏe mạnh, có một gia đình hạnh phúc nên sẵn sàng chia sẻ một phần cơ thể mình để mang lại cuộc sống mới cho người khác.

Bên cạnh đó, một cựu chiến binh 76 tuổi ở Đắk Nông cũng đến hội chữ thập đỏ địa phương để xin số điện thoại của Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia; ông tha thiết hiến một phần phổi của mình cho bệnh nhân 91. 

"Khi tôi nói, theo quy định chuyên môn, hiện tại Việt Nam chưa tiếp nhận tạng từ người hiến ngoài 70 tuổi, giọng ông chùng xuống. Nhưng vẫn còn nhiều người Việt Nam cũng tình nguyện hiến phổi để cứu bệnh nhân 91" - ông Nguyễn Hoàng Phúc kể lại. 

Ông Phúc cũng cho biết, nguyên tắc của hội đồng chuyên môn khi có chỉ định ghép phổi thì ưu tiên đầu tiên sẽ hướng tới người hiến tặng chết não phù hợp. Trong trường hợp nếu không tìm được người hiến tặng phù hợp, lúc đó mới hướng tới từ người hiến tặng còn sống.

Hiện nay, chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5 – 2 tỉ đồng và nhiều hơn tùy thuộc vào thời gian hồi sức sau ghép.

Thông qua câu chuyện gần 40 người đăng ký hiến một phần cơ thể để cứu một bệnh nhân người nước ngoài mắc COVID-19, và con số có thể chưa dừng lại, ông Nguyễn Hoàng Phúc xúc động: "Người dân đã mở lòng, tin tưởng và đồng thuận với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua. Họ sẵn sàng hiến một phần cơ thể mình và tất cả đều là mục đích nhân đạo, cứu người". 

Trước đó, Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế cho biết, phổi của bệnh nhân thứ 91 chỉ còn 10% hoạt động. Phương án ghép phổi là hy vọng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân này.

Để chuẩn bị ghép, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng Hội đồng Chuyên môn tiếp tục hội chẩn điều trị tổn thương phổi và tình trạng nhiễm trùng, thay các catheter, kiểm soát các nguồn nhiễm trùng; nuôi cấy virus đến khi bệnh nhân thứ 91 có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đến nay, bệnh nhân thứ 91 đã trải qua gần 2 tháng nằm viện (từ ngày 18/3), anh là ca bệnh nặng nhất trong các trường hợp mắc COVID-19 ở Việt Nam.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI