Khảo sát do Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) thực hiện trên hơn 1.500 học sinh và 350 giáo viên lớp 10 các trường THPT trên địa bàn quận 1, quận 3, nhằm đánh giá việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT sau gần 1 năm triển khai.
Giáo viên, học sinh còn gặp nhiều trở ngại
|
Nhiều giáo viên, học sinh còn gặp khó khăn khi triển khai Chương trình GDPT 2018 khối 10 |
Về thách thức khi triển khai chương trình, khảo sát cũng cho thấy 55,8% học sinh gặp nhiều trở ngại trong tiếp thu kiến thức, 30,4% học sinh chưa thực sự chủ động khi tham gia các hoạt động học tập. Gần 60% giáo viên chỉ gặp một vài khó khăn khi thực hiện chương trình, 43,6% giáo viên gặp trở ngại khi thích ứng với sách giáo khoa mới, 34,8% giáo viên gặp trở ngại trong kiểm tra đánh giá học sinh và áp lực với kết quả giáo dục, 53% giáo viên phải dạy nhanh để theo kịp phân phối chương trình.
Do chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu nên nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ với các môn học mới và gặp khó khăn trong thiết kế, giảng dạy, kiểm tra đánh giá.
Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy nhiều kết quả tích cực. Hơn 80% học sinh cho rằng chương trình có tính mới, tích cực, giúp phát triển toàn diện. 71,2% học sinh nhận thấy chương trình có nét đột phá khi trao quyền chủ động cho học sinh lựa chọn môn học, 32,4% cho hay chương trình giảm tải áp lực học tập. Gần 90% giáo viên tin tưởng vào tính ưu việt, tích cực của chương trình. Hơn 70% giáo viên cho rằng học sinh chủ động, tích cực trong quá trình học tập khi tiếp cận chương trình.
Riêng với các môn học mới là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương, qua khảo sát, có hơn 70% học sinh cho rằng các môn này bổ ích, cần thiết, giúp các em có thêm hiểu biết, kỹ năng ngành nghề và kiến thức địa phương.
Bên cạnh đó, việc được lựa chọn sách giáo khoa cũng được đánh giá giúp nhà trường, thầy cô, học sinh chủ động lựa chọn phù hợp với định hướng, mục tiêu và năng lực của đơn vị.
Nhìn từ góc độ quản lý, cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - nhìn nhận, Chương trình GDPT 2018 là cơ hội để các nhà quản lý chủ động, sáng tạo khi quản trị trường học, dễ dàng tiếp cận mục tiêu chương trình. Với tính mở, chương trình trao quyền tự chủ cho nhà trường trong xây dựng, thiết kế chương trình, chuyển đổi từ quản lý sang quản trị trường học. Song thực tiễn triển khai cũng đặt ra những thách thức mới, lớn với nhà quản lý trong việc phân công giáo viên giảng dạy trong bài toán thừa, thiếu giáo viên và hài hòa với nguyện vọng của học sinh. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách số trong từng đơn vị, sự chênh lệch trình độ công nghệ thông tin của giáo viên. Ngoài ra còn thay đổi nhận thức đội ngũ, đảm bảo cơ sở vật chất nhà trường như điều kiện về phòng thí nghiệm, không gian để tăng cường tối đa tính trải nghiệm cho học sinh.
“Khó khăn, thách thức, trở ngại là không tránh khỏi, nhưng tôi cho rằng, việc có hơn 80% học sinh và gần 90% giáo viên bày tỏ sự tin tưởng vào tính tích cực của chương trình là yếu tố mấu chốt, nền tảng để các trường kiên định trong đổi mới” - cô Bùi Minh Tâm nhấn mạnh.
Còn vướng, còn phải gỡ
|
Trong quá trình triển khai, giáo viên nhìn ra khó khăn và từng bước tháo gỡ |
Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên - Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) - thừa nhận, thời điểm đầu đổi mới, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong kiểm tra, đánh giá học sinh.
Áp lực đặt ra cho thầy cô là làm thế nào lựa chọn được ngữ liệu vừa sức với học sinh, phù hợp với chương trình nhưng vẫn mang tính mới, vẫn trao cơ hội để học sinh phát huy được phẩm chất, năng lực. Thậm chí, ngay cả khi giảng dạy, giáo viên cũng gặp áp lực đôi khi khai phá quá sâu vào tác phẩm thay vì hướng đến trang bị cho học sinh kỹ năng, dẫn đến “vỡ” giáo án…
“Khi mới bước vào đổi mới, tâm lý của giáo viên đa phần sẽ là muốn vận dụng, nhanh chóng đưa vào những phương pháp, cách thức mới. Song sự tiếp nhận của học sinh là điều mà giáo viên phải cân nhắc để điều chỉnh. Vướng ở đâu, gỡ ở đó. Tổ bộ môn không khiên cưỡng mà đi từ việc cho học sinh làm quen, thích ứng…” - cô Hạnh Nguyên chia sẻ.
Thầy Phạm Thư Tùng - giáo viên vật lý, Trường THPT Ten lơn man (quận 1) - cho biết, có thời điểm các giờ học vật lý lớp 10 rơi vào tình trạng “cháy” giáo án liên tục, bởi vì, khi mới thực hiện đổi mới, bản thân còn quá ôm đồm kiến thức, muốn trao hết cho học sinh nên thời gian trên lớp luôn luôn thiếu.
Theo thầy Phạm Thư Tùng, môn vật lý trong chương trình mới ở khối 10 khá nặng so với trước đây. Như vậy, nếu giáo viên vẫn giữ theo hướng truyền đạt cũ, đưa mọi kiến thức lên mặt bảng thì không thể thích ứng được, chính giáo viên là người “đuối sức” đầu tiên.
“Phải thay đổi phương pháp dạy, trong đó giáo viên cần đẩy mạnh tính tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi kiến thức của học sinh. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người gợi mở, định hướng, chốt kiến thức. Việc dạy học phải đi sâu vào cá thể hóa, không cào bằng theo số đông học sinh thì mới thích ứng được…” - thầy Phạm Thư Tùng chia sẻ kinh nghiệm.
Hoàn thiện các chính sách đặc thù cho giáo viên để an tâm đổi mới Từ khảo sát, đánh giá thực tiễn triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT trong năm đầu thực hiện, cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - kiến nghị nhà nước, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách đặc thù cho giáo viên để đội ngũ an tâm thực hiện công cuộc đổi mới. Cần mở rộng cơ chế mua sắm, huy động sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình. Cô Bùi Minh Tâm cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn đánh giá mới với các khung năng lực, phẩm chất, minh họa một số đề thi… |
Quốc Trung