Gần 50 tuổi rồi, ly hôn, tôi phải làm lại ra sao?

03/01/2018 - 10:02

PNO - Trước ngưỡng cửa ly hôn, là chị hay ai khác cũng đều không tránh khỏi áp lực từ hai nỗi sợ: mất trắng khi nhìn lại quá khứ, chông chênh lúc ngó đến tương lai.

Dồn hết cả tuổi trẻ, tiền bạc và rất nhiều công sức để xây dựng, vun vén, gìn giữ mái ấm gia đình; về phương diện nào đó, hôn nhân ví như một dự án quan trọng, dài hơi của đời người. Thu hoạch từ dự án, đầu tiên là cảm giác hạnh phúc, sau là những đứa con, có cuộc sống vui vầy khi tuổi già bóng xế. Thế nên, như bao dự án khác trong đời, hôn nhân chịu ảnh hưởng của quy luật né tránh mất mát.

Gan 50 tuoi roi, ly hon, toi phai lam lai ra sao?
Ảnh minh họa

Lấy nhau tám năm, chạy chữa nhiều lần, nhiều nơi, vợ chồng chị mới có tin vui. Được cả gia đình chồng thương yêu, sẵn lòng phụ giúp chăm con, nên sau kỳ nghỉ hộ sản, chị lao vào công việc, đuổi theo các công trình, bản vẽ lẫn những chuyến công tác tỉnh xa. Hai năm sau, trong cuộc đua tuổi tác, ở tuổi 40, chị đánh liều sinh thêm một đứa con.

Chẳng may, con chị mắc chứng tự kỷ. Chị đành buông việc, dành thời gian đưa con đi điều trị khắp nơi. Con tròn một tuổi, chị ngỡ ngàng phát hiện chồng đã thay lòng, thương yêu người khác. Anh thừa nhận, những “cơn đói” trong ngày tháng thai kỳ của chị đã đẩy anh đến sai lầm; rồi, cảm giác bị bỏ mặc trong một năm chị bận bịu con cái khiến anh không dứt được người tình.

Ghen tuông, níu kéo không thành, vợ chồng chị thống nhất ly thân. Anh chuyển đến sống với nhân tình. Lần nào về thăm con, anh đều không quên mang theo đơn ly hôn soạn sẵn, yêu cầu chị ký tên. Chị từ chối. Dùng dằng suốt 5 năm, bị người tình thúc ép, anh quyết định đơn phương ly hôn.

Tháng 9/2017, Tòa án nhân dân Q. Bình Thạnh tuyên xử ly hôn với lý do họ đã ly thân lâu. Cuối tháng 12/2017, Tòa Gia đình và người chưa thành niên TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm theo kháng cáo của chị. Như không còn giấu được, chị rớm nước mắt, rằng, hàng chục lần anh yêu cầu ký đơn ly hôn nhưng chị không đồng ý, là ngần ấy trận đòn chị nhận lãnh từ chồng.

Tòa phúc thẩm giữ nguyên phán quyết cho ly hôn. Lúc rời tòa, cho tôi xem cánh tay đầy vết bầm, chị quệt nước mắt: “Trận này là tối qua, ảnh nhậu say về, đánh chửi tôi tội kháng cáo. Vì ai mà tôi hy sinh sức lực, tuổi trẻ, công việc để giờ nhận lại con số không tròn trĩnh”?

Gan 50 tuoi roi, ly hon, toi phai lam lai ra sao?
Ảnh minh họa

Chờ cho cơn xúc động của chị đi qua, tôi đánh bạo hỏi chị “tàn hơi” níu kéo cuộc hôn nhân ấy để làm gì, khi sự bội bạc của anh không dừng ở ngoại tình, bạo hành mà còn là sự quay lưng, bỏ mặc vợ trong thời khắc khó khăn nhất, khi chị một mình loay hoay đối mặt với bệnh tình của con. Chị bần thần, hoang mang: “Nhưng gần 50 tuổi rồi, tôi ly hôn, phải làm lại ra sao?”.

Trước ngưỡng cửa ly hôn, là chị hay ai khác cũng đều không tránh khỏi áp lực từ hai nỗi sợ: mất trắng khi nhìn lại quá khứ, chông chênh lúc ngó đến tương lai. Đem cân đo, đong đếm, nếu không là người trong cuộc với điều kiện, hoàn cảnh riêng tư, sẽ khó lòng nhận biết nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ nào. Nhưng, trong một nghiên cứu của các nhà tâm lý Mỹ: thực tế, hoang mang, sợ hãi, mất niềm tin tương lai không hề là nỗi sợ đáng bận tâm.

Cuộc hôn nhân nào, dù ngắn dù dài, cũng là một quá trình đầu tư những thứ quan trọng nhất đời người: tình yêu, thanh xuân, vật chất... Vậy nên, ngay cả khi đang “bầm dập” trong cuộc chung sống, nhắm biết dự-án-hôn-nhân sẽ chẳng đi đến đâu, có nguy cơ sụp đổ, người trong cuộc vẫn không đành lòng buông tay.

Họ quên mất một điều, cơ may nếu phải trao đi niềm hy vọng, trông chờ sự “phục hưng” khi cố chấp níu giữ đống hoang tàn, chẳng bao giờ lớn và dễ dàng hơn sự sẵn sàng buông bỏ, sau đó gầy dựng lại. Và, thử lần nữa cân đong, cảm giác hạnh phúc - “thu hoạch” đầu tiên khi đầu tư dự án hôn nhân, đã không còn - vẫn là cái “thu hoạch” được khi đối diện mất mát. 

Phần lớn những người thất bại trong bất kể dự án cuộc đời nào, kể cả ly hôn, cuộc gượng dậy sau đó dẫu nhọc nhằn, vẫn thường cho kết quả tốt đẹp, mọi thứ dần tốt lên. Ngược lại, tâm lý chung, nỗi sợ mất trắng cái từng có mới chính là nguyên nhân, từ đó, quy luật né tránh mất mát hình thành sự níu kéo.

Trước hội đồng xét xử, chị nhìn anh, cầu khẩn: “Anh cứ yên lòng, tự do sống với người ta; bao giờ muốn quay về, em cũng sẵn lòng. Ngần ấy năm vợ chồng, không thể nói chia tay là đành lòng bỏ nhau được”. Tòa thuyết phục cho nhau một cơ hội, anh bất ngờ giãy nảy: “Tôi không yêu cô ta thì vợ chồng để làm gì nữa? Tôi cũng tuyên bố luôn, sẽ không bao giờ có cái ngày tôi về với cô ta”. Quay sang chị, anh tiếp tục gằn giọng: “Cô còn muốn biến tôi thành một người tệ bạc như thế nào nữa đây?”.

Ngân Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI