Gần 50 năm nâng bước học trò ở miền đất lửa

30/04/2022 - 08:00

PNO - Tròn 50 năm trước, cô gái Hà thành Nguyễn Thị Hồng Vân nghe theo sự thôi thúc của trái tim, vác ba-lô đi vào vùng chiến lửa thành cổ Quảng Trị để thực hiện nhiệm vụ chung tay gầy dựng sự nghiệp giáo dục. Hết ba năm nghĩa vụ, cô gái trẻ một lòng muốn ở lại, gắn đời mình với miền đất lửa, chắp cánh cho bao thế hệ học trò vươn xa…

Thanh xuân "cõng chữ" vào chiến trường

Cô Vân nhớ lại, năm 1969, vừa tốt nghiệp cấp III, cô thi đỗ vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1. Theo học được ba tháng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đào tạo lớp sư phạm cấp tốc để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đau đáu hướng về miền Nam nên cô xin ghi danh nhập lớp. Năm 1972, cô viết đơn tình nguyện lên đường. Một năm sau, cô cùng các đồng nghiệp đi B vào chiến trường Quảng Trị để dạy học. 

Nơi đầu tiên cô Vân về nhận nhiệm vụ là giảng dạy tại Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Những tháng ngày chiến trường vừa im tiếng súng, cô cùng đồng nghiệp bổ túc văn hóa cho nhiều thế hệ cán bộ để kịp thời bắt nhịp với công cuộc phát triển. Ngoài giờ dạy phải xắn quần lội ruộng tăng gia sản xuất, tham gia văn nghệ hát động viên, khích lệ tinh thần bộ đội, tuyên truyền địch vận bên đồn giặc… “Chiến tranh để lại cho vùng đất bao ngổn ngang, bao vết tích của đạn bom, và nguy cơ chết chóc vẫn hiện hữu. Chưa kể, thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Nhưng thời ấy, mỗi chiến sĩ đều đủ yêu nước để kiên cường vượt qua tất thảy. Ban ngày tăng gia sản xuất, đêm chong đèn dạy học và giữa những phút giây giải lao, tiếng hát vẫn vang lên đầy niềm tin hứng khởi”, cô Vân nói. 

 

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân (phải) trong một chuyến khảo sát hỗ trợ học trò nghèo ở miền núi Quảng Trị
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân (phải) trong một chuyến khảo sát hỗ trợ học trò nghèo ở miền núi Quảng Trị

Tròn ba năm nghĩa vụ, nhiều đồng nghiệp trở về quê nhà nhưng cô ở lại. Khi được hỏi lý do cho quyết định năm xưa, cô trầm ngâm nói: “Tình người trên mảnh đất nghèo khó đã níu chân tôi ở lại. Tôi xem nơi đây như quê hương thứ hai, rồi mảnh đất này cũng trao cho tôi người bạn đời tri kỷ để cùng nhau dựng xây mái ấm gia đình”. 

Đôi chân không mỏi vì học trò

Năm 2007, cô Vân nghỉ hưu. Từ đó đến nay, cô vẫn lặng thầm đi khắp các miền quê Quảng Trị để làm công tác khuyến học, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò nghèo trên hành trình tìm con chữ, thay đổi tương lai. Ba năm trước, cô học trò quê nghèo miền cát trắng Gio Linh, Nguyễn Thị Mỹ Nhân đã có cơ hội tiếp cận với học bổng Ishin - Asahi (Nhật Bản) để theo học và ghi tên mình lên bảng vinh danh về thành tích học tập ở xứ sở hoa anh đào.

Mỹ Nhân chia sẻ: “Nếu không có cô Vân, em không bao giờ dám nghĩ mình có cơ hội đặt chân đến Nhật Bản để du học”. Nhân là lứa học trò đầu tiên của học bổng Ishin - Asahi và sau này vị Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị còn kết nối thêm cho nhiều bạn trẻ có cơ hội học tập tốt hơn. Ở các bản làng miền núi, nhiều mái ấm khuyến học được dựng lên sau mỗi chuyến băng rừng, lội suối của cô Vân. Những buổi học trong ngôi trường mới khang trang, bữa cơm đủ đầy dinh dưỡng của hàng ngàn trẻ mầm non cũng được cô Vân kết nối hỗ trợ.

Cô Đỗ Thị Diễm Ngọc, Hiệu trưởng Trường mầm non Ba Tầng (xã Ba Tầng, H.Hướng Hóa) kể, xã có điểm trường thôn Vầng rất khó khăn, cách trung tâm xã đến 13km đường rừng. Trước đây, trẻ cả thôn tập trung học tập, vui chơi tại một phòng học được Tổ chức Plan tài trợ xây dựng ngay trong khuôn viên trường tiểu học. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trẻ đến trường phải mang theo cơm nắm. Năm 2019, qua sự kết nối của cô Vân, điểm trường Vầng được Tổ chức VES hỗ trợ xây dựng với hai phòng học và một phòng bếp rất khang trang. Các cháu đến trường được hỗ trợ ăn bán trú. Giáo viên và học trò từ đó đỡ vất vả rất nhiều. 

Nhìn những mái nhà tre nứa liêu xiêu, lắng nghe nỗi khát khao đến trường của con trẻ… thôi thúc bước chân bà giáo già. Hơn 15 năm trong vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị, cô Vân đã in dấu chân mình ở những làng quê khó khăn, hiểm trở nhất. Không chỉ trao những khoản kinh phí đáp ứng điều kiện đến trường, cô Vân còn luôn biết cách khơi dậy tinh thần và khát khao vươn lên trong học tập ở mỗi học sinh. Nhờ đó, hàng ngàn hoàn cảnh tưởng chừng “đứt gánh giữa đường” đã được cô tiếp sức để tiếp tục hành trình. 

Bước qua tuổi 70, đôi chân cô vẫn dẻo dai mỗi khi nhận thông tin ở nơi xa xôi nào đó có học trò cần nâng bước. “Đôi chân còn bước được thì mình vẫn cứ tiếp tục đi. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười trên đôi môi trẻ nhỏ trước cánh cổng trường là lòng lại vui. Mới đó đã tròn nửa thế kỷ chứng kiến ngần ấy sự đổi thay, tôi tự hào được gắn bó một phần đời trên miền quê giới tuyến này”, cô Vân bộc bạch. 

 

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, cho biết, 50 năm trước, 700 sinh viên sư phạm miền Bắc đã chi viện cho ngành giáo dục Quảng Trị. Các thầy cô giáo đi B ngày ấy đã cống hiến, hy sinh thầm lặng cho Quảng Trị trong sự nghiệp trồng người ở một giai đoạn cực kỳ gian khó. Chính các thầy cô đã góp phần to lớn trong tạo dựng nền móng ban đầu cho giáo dục ở vùng mới giải phóng. Không chỉ vậy, nhiều giáo viên đã ở lại đồng hành cùng giáo dục Quảng Trị trên mỗi chặng đường suốt 50 năm qua. Trong đó phải kể đến cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi - các thế hệ nối tiếp sau luôn tri ân và ghi nhớ sự hy sinh thầm lặng đó. 

Ngọc Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI