Gần 45 năm đấu trường Olympic vẫn quá sức với Việt Nam, vì sao?

14/08/2024 - 18:48

PNO - Hai chữ “cùng nhau” bổ sung vào khẩu hiệu Olympic rất cần thiết cho thể thao Việt Nam lúc này.

Olympic Paris 2024 sau 17 ngày tranh tài với 32 môn thể thao và 329 bộ huy chương đã chính thức khép lại. Đoàn vận động viên 16 người của Việt Nam ra về với thành tích an ủi là “mém được huy chương” của xạ thủ Trịnh Thu Vinh (đứng thứ 4 ở lượt bắn chung kết).

Olympic đối với nhiều người Việt Nam là sân chơi quá tầm, cho nên trắng tay ở đó không ngoài dự đoán và cũng không gây nhiều tiếc nuối. Việt Nam lần đầu tham dự là Olympic Moscow 1980. Hai mươi năm sau nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân ở hạng cân 57kg giành huy chương bạc, huy chương Olympic đầu tiên cho Việt Nam. Tại Olympic Rio Brazil 2016, Việt Nam có huy chương vàng nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi. Cho đến nay, Việt Nam đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài, thành tích của chúng ta là giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương (1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ).

Xạ thủ Trịnh Thu Vinh tại Olympis Paris 2024
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh tại Olympis Paris 2024 - Ảnh: Hoàng Tùng

Dĩ nhiên thành tích nghèo nàn đó chắc chắc đã làm giới thể dục thể thao nước nhà rất buồn lòng. Dù rằng không thể lấy “thành bại mà luận anh hùng”, nhưng vấn đề chính là chúng ta vẫn còn loay hoay không biết làm thế nào để cải thiện vị trí trên bảng tổng sắp.

Để đạt được huy chương có khuynh hướng: chọn người có tố chất từ nhỏ, tập trung đầu tư từ vật chất đến tinh thần, buộc những em nhỏ đó ép mình rèn luyện theo định hướng; tạo lập sân chơi phong trào và rồi từ đó tuyển chọn vận động viên có tố chất, có niềm đam mê, để đầu tư huấn luyện nâng cao.

Không thể nói khuynh hướng nào là ưu việt. Cứ nhìn lên bảng tổng sắp huy chương có thể thấy mỗi nền thể thao của từng quốc gia, có thành tích, đều có cách riêng của mình. Thể thao Việt Nam đã xác định cách thức cụ thể của mình hay chưa?

2 chuyện về thể thao Việt Nam rất đáng suy ngẫm.

Một là, “những đứa con của bầu Đức” từng có thời làm các cầu trường khắp Việt Nam đầy ắp khán giả. Các cầu thủ được nuôi dạy cẩn thận đó đã góp phần không nhỏ vào thành tích của bóng đá Việt Nam, nhưng họ chưa từng đem về cho đội nhà chức vô địch. Câu nói nổi tiếng của Trần Minh Vương “dành cả thanh xuân để trụ hạng” và hầu như các cầu thủ giỏi nhất của Hoàng Anh Gia Lai đều đã có thời gian dài nghỉ thi đấu vì bị chấn thương do nhiều lần bị vào bóng thô bạo, phải chăng là bài học không chỉ riêng cho bầu Đức.

Hai là câu chuyện của “Tiểu tiên cá Ánh Viên”, một thầy một trò sống và tập luyện ở Mỹ một thời gian dài hầu như khác biệt với cộng đồng. Chưa nói điều kiện sống và luyện tập thế nào, chỉ nhìn thực đơn mà cô gái ấy phải ăn hàng ngày đã thấy những gian lao mà thầy trò Ánh Viên phải chịu. Mấy năm trời chịu áp lực rất lớn vì cơ quan chủ quản và Nhà nước đã đầu tư số tiền đáng kể, nếu không có thành tích cụ thể, hai thầy trò sẽ trả lời với dư luận ra sao? Bây giờ xem trên mạng thấy Ánh Viên ngày nay xinh đẹp, tươi tắn với nụ cười rạng rỡ, người hâm mộ cảm thấy nhẹ lòng vì mong ước đất nước có nhiều huy chương đã không phá hỏng cuộc đời của một cô gái chất phác.

Giá trị cốt lõi của phong trào Olympic không phải là những chiếc huy chương. Giá trị thật của nó chính là khuyến khích mọi người hoạt động thể thao, phải vượt lên chính mình, vượt lên tất cả để lập kỷ lục, thách thức để người khác chinh phục, để rồi lại “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Nếu không có thành tích thì sức khỏe dồi dào cũng đã góp phần đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người luyện tập các môn thể thao đó.

Trong phiên họp lần thứ 138 ngày 20/7, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nhất trí bổ sung hai chữ “cùng nhau” vào khẩu hiệu của Olympic để phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại. Thiết nghĩ, 2 chữ “cùng nhau” đó cũng rất cần thiết cho thể thao Việt Nam lúc này. Nhà nước và xã hội phải cùng nhau nghĩ, cùng nhau làm để thể dục thể thao Việt Nam vươn cao.

Nguyễn Huỳnh Đạt

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI