Gần 400 giáo viên Hà Nội lo mất cơ hội tăng lương: Bộ GD-ĐT nói sẽ đảm bảo quyền lợi

29/07/2023 - 09:46

PNO - Gần 400 giáo viên tại Hà Nội đã nộp đơn kiến nghị về Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT khi quy định mới khiến họ mất cơ hội tăng lương.

Theo các thông tư của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III. Tương ứng với từng hạng, giáo viên có mức lương khác nhau.

Trong đó, giáo viên tiểu học, THCS hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ 9 năm trở lên. Thời gian giữ hạng III được tính từ lúc giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học và THCS phải có bằng đại học. 

Trong đơn kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT, các giáo viên cho biết, hiện Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo Thông tư 08 và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30/8/2023 theo công văn 1783/SNV- CCVC. 

Với quy định này, nhiều giáo viên đã đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Như trường hợp của cô Mỹ Phương (tên nhân vật đã được thay đổi) 45 tuổi, giáo viên tại một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội, chia sẻ cô vào biên chế 18 năm nay. Suốt quá trình công tác, cô luôn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, 10 năm nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, có sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố, thậm chí có nhiều học sinh đỗ trường chuyên và cô cũng nhận được kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD-ĐT. Năm 2020, cô Phương hoàn thành chương trình đại học.

Tuy nhiên, đợt này khi đăng ký xét thăng hạng II với hy vọng được tăng lương nhưng hồ sơ của cô bị trả về vì cô mới có bằng đại học được 3 năm (theo quy định phải có bằng đại học sau 9 năm mới xét thăng hạng).

Nếu theo quy định Thông tư 08, cô Phương phải chờ thêm 6 năm nữa mới được thăng hạng đồng nghĩa với việc khi gần đến tuổi về hưu giáo viên này mới nhận được mức lương đúng với bậc lương đại học của mình. Theo cô Phương đó là điều bất công với giáo viên già, nhiều năm cống hiến như cô.

Cả trăm giáo viên khác chung hoàn cảnh với cô Phương, thậm chí có những giáo viên, nếu chờ tiếp, đến tuổi nghỉ hưu, không còn cơ hội tăng lương. Họ cùng làm đơn kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT xem xét và điều chỉnh thông tư, đồng thời quy định lại điều kiện thăng hạng như trước là giáo viên có bằng đại học một năm tính đến ngày hết hạn nộp sơ. Họ cũng mong Bộ can thiệp để Sở Nội vụ Hà Nội cho nộp hồ sơ xét thăng hạng đợt này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết, đơn vị này đang trao đổi thêm để hoàn thiện văn bản hướng dẫn các địa phương, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất của giáo viên.

"Hiện bản dự thảo đã hoàn thiện và chúng tôi đang trình Vụ Pháp chế của Bộ GD-ĐT nghiên cứu, cho ý kiến cuối cùng về việc này để trình lãnh đạo Bộ ký ban hành.

Hy vọng tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành văn bản trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, để thầy cô yên tâm" - ông Đức cho biết.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI