Gần 40% doanh nghiệp TPHCM “đói” đơn hàng

02/04/2025 - 18:11

PNO - Theo kết quả khảo sát vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) công bố, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung trong quý I/2025 có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự khả quan.

Cụ thể, theo kết quả khảo sát, mặc dù 69,5% số doanh nghiệp có doanh thu bán hàng tăng, nhưng số giảm cũng chiếm khá cao, tới 30,4%. Trong khi đó, do chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, nhân công...) tăng cao, nên có tới 39% số doanh nghiệp lợi nhuận giảm, điều này phần nào ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh của một số doanh nhân.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có tới 37% doanh nghiệp thiếu các đơn hàng mới; 38% doanh nghiệp có giá nguyên liệu đầu vào tăng; 50% doanh nghiệp khó do nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 39% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh và 20,7% doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động…

Doanh nghiệp TPHCM gặp khó do giá nguyên liệu đầu vào tăng - Ảnh: Ngọc Thùy
Doanh nghiệp TPHCM gặp khó do giá nguyên liệu đầu vào tăng - Ảnh: Ngọc Thùy

Trong bức tranh kinh doanh của quý I/2025, ngành lương thực thực phẩm là lĩnh vực có nhiều khởi sắc. Theo đó, lĩnh vực này đang tiếp tục hưởng lợi nhờ nhu cầu hàng hóa thiết yếu tăng cao trên thế giới, và lợi thế tuyệt đối của các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của nước ta (dừa, sầu riêng, hồ tiêu, cà phê, điều, thủy sản..) trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhờ vậy, doanh số bán lẻ hàng hóa nhóm này tăng lên đáng kể, ấn tượng nhất là ngành hàng dịch vụ ăn uống. Dự báo năm 2025, ngành lương thực - thực phẩm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định ở mức trên 8%, đặc biệt là các phân khúc thực phẩm chế biến sâu, thực phẩm hữu cơ, và thực phẩm chức năng...

Thực tế từ báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng khẳng định, thủy sản đã ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, trong quý 1/2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch 2,45 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tôm tiếp tục là mặt hàng chủ lực với kim ngạch gần 932 triệu USD, tăng gần 36%.

Sự tăng trưởng vượt bậc này đến từ nhu cầu tăng mạnh thị trường lớn như Trung Quốc (Tết Nguyên đán), Mỹ và EU, nơi các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang phát huy hiệu quả. Cá tra cũng đóng góp 465 triệu USD, tăng 13%. Giá nguyên liệu ổn định cùng chiến lược đẩy mạnh sản phẩm giá trị gia tăng đã giúp tôm và cá tra duy trì vị thế dẫn đầu.

Ngành dệt may ghi nhận tín hiệu tích cực nhờ đa dạng hóa thị trường và đổi mới công nghệ, nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng dài hạn. Bên cạnh đó, thương mại điện tử và bán lẻ tại siêu thị tăng trưởng 20-30%, trong khi chợ truyền thống ngày càng đìu hiu do hạ tầng lạc hậu.

Với những thuận lợi, thách thức đan xen của doanh nghiệp, HUBA đã kiến nghị UBND TPHCM thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh. Riêng vấn đề vốn, theo HUBA, cộng đồng doanh nghiệp có một số kiến nghị ngân hàng gia hạn lâu dài chính sách giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN để giúp doanh nghiệp trả nợ cũ và bổ sung vốn lưu động.

Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên và có chính sách để phát triển, thu hút và đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản, hay các kênh đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài.

Ngoài ra, cần có chính sách cho vay mở rộng, ưu đãi cho doanh nghiệp gia đình, hoặc đơn giản hóa thủ tục vay vốn, điều kiện vay, mục đích vay, tạo điều kiện cho các chủ doanh nghiệp sử dụng tài sản cá nhân để phục vụ đầu tư.

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI