Gần 40.000 ca nghi sởi, tốc độ tiêm chủng không chạy kịp tốc độ lây lan của dịch

15/03/2025 - 17:55

PNO - Ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, từ đầu năm, cả nước có gần 40.000 ca mắc sởi và 5 bệnh nhân tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị - ảnh: H.Anh
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị - ảnh: H.Anh

Tốc độ tiêm chủng chậm đang chậm hơn tốc độ của dịch sởi

Chiều 15/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh sởi. Cục trưởng Cục Phòng bệnh Hoàng Minh Đức cho biết, tình hình dịch sởi trên thế giới vẫn đang phức tạp. Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có số ca mắc cao, điển hình là Thái Lan, ghi nhận hơn 7.000 ca trong năm 2024. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do tỉ lệ tiêm thấp sau COVID-19.

Tại Việt Nam, trong năm 2024, cả nước ghi nhận 70.000 ca mắc sởi và nghi mắc sởi. Từ đầu năm 2025 tới nay, cả nước có gần 40.000 ca nghi mắc và mắc sởi. Trong đó có 3.447 trường hợp có kết quả dương tính. 5 trường hợp tử vong liên quan tới sởi cũng được ghi nhận.

Theo đánh giá, khu vực miền Nam có số ca mắc sởi cao, chiếm 57%. Một số tỉnh, thành phố có số ca mắc cao nhưng đang chững lại là Lào Cai (1.180 ca), Hà Giang (6.017 ca), Hà Tĩnh (547 ca), Bình Thuận (1.208 ca), TPHCM (3.321 ca), Đồng Nai (4.009 ca), Bình Dương (2.085 ca).

Một số tỉnh có xu hướng bệnh sởi tăng cao gồm Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Kon Tum, Đồng Tháp, An Giang, Lâm Đồng.

Một số tỉnh có ca số thấp nhưng cũng đang phát hiện một số ca mắc sởi là Thái Nguyên, Yên Bái...

Theo ông Hoàng Minh Đức, số ca mắc sởi chủ yếu là trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72%). Độ tuổi tiêm chủng thường xuyên từ 9 – 18 tháng tuổi. Tỉ lệ ca mắc dưới 9 tháng tuổi là 15%, 6 – 9 tháng tuổi là 9,9%. Thống kê cho thấy, số trẻ nam mắc cao hơn so với nữ.

Qua thống kê, trẻ ở ngoài độ tuổi tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc sởi. Do đó, các địa phương đã mở rộng lứa tuổi tiêm chủng cho trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi. Hiện 32 tỉnh đã đủ vắc xin tiêm chủng cho cả các đối tượng mở rộng tiêm chủng. Kết quả triển khai tiêm chủng mở rộng thường xuyên (bao gồm cả tiêm bù, tiêm vét) trong năm 2024 cho trẻ 9 tháng tuổi (mũi 1) đạt 87,4%, tỉ lệ tiêm sởi – rubella cho trẻ 18 tháng tuổi (mũi 2) là 97,7%.

Hà Nội và TPHCM hiện đã triển khai xong các nội dung tiêm bù, tiêm vét, mở rộng chiến dịch.

“Anti” vắc xin tăng

Lãnh đạo Cục Phòng bệnh nhận định tốc độ tiêm chủng đang chậm hơn tốc độ lây
Lãnh đạo Cục Phòng bệnh nhận định tốc độ tiêm chủng đang chậm hơn tốc độ của dịch - Ảnh minh họa

Ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh: sởi có tốc độ lây truyền cao, chỉ cắt đứt được khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 95%. Trong thời gian COVID-19, tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp, nhiều tỉnh chỉ đạt 40 – 50% tỉ lệ tiêm vắc xin phòng các bệnh.

“Ngoài ra có tình trạng "anti" vắc xin gia tăng. Sau COVID-19, một số người dân cho rằng “tiêm vắc xin hay không tiêm vắc xin đều... như nhau”, nên không đưa trẻ tiêm vắc xin”, Cục trưởng Cục Phòng bệnh nói.

Ngoài ra, một số nhóm ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận tiêm chủng còn khó khăn. Ghi nhận thời gian gần đây, tỉ lệ bà mẹ đẻ tại nhà ở vùng cao tăng, đi kèm với đó là tiếp cận vắc xin kém.

Một vấn đề tác động tới phòng chống bệnh là công tác triển khai, mua vắc xin để tiêm chiến dịch phòng bệnh. Theo ông Hoàng Minh Đức, tổ chức triển khai tiêm vắc xin theo chiến dịch do địa phương lập kế hoạch, mua sắm sinh phẩm vật tư. Một số địa phương ban hành chậm khiến tốc độ tiêm chủng chậm, hạn chế trong công tác phòng bệnh.

“Tốc độ tiêm chủng chậm hơn tốc độ của dịch. Có 7 – 8 tỉnh hiện mới phê duyệt kế hoạch tiêm chủng, nên bỏ trống một khoản. Chúng ta phải tổ chức ngay, đẩy nhanh tiêm chủng để tăng miễn dịch cộng đồng. Chỉ có bao phủ trên 95% mới có thể ngừa được bệnh lây lan”, ông Hoàng Minh Đức lưu ý.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảnh báo, thời điểm hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan của các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là bệnh sởi.

Dù Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh sởi từ cuối năm 2024, tuy nhiên, đến nay tình hình bệnh sởi vẫn ở mức cao và có nguy cơ tiếp tục gia tăng.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị và địa phương làm rõ các tồn tại, khó khăn, đánh giá tình hình bệnh sởi, công tác triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi, để nhanh chóng khống chế, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc, tử vong.

Bệnh viện Nhi Trung ương: 10 ca tử vong do sởi từ năm 2024

Ông Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, từ năm 2024 tới nay, bệnh viện ghi nhận 2.163 ca sởi. Trong đó có khoảng 50 % ca phải nhập viện. 91% trường hợp đã được ra viện. Có 10 ca tử vong liên quan tới sởi, trong đó có 2 ca biến chứng tử vong do sởi; 8 bệnh nhân có các bệnh nền do suy giảm miễn dịch, đẻ non... Số ca bệnh gia tăng từ cuối năm 2024 tới nay.

Về tiêm phòng vắc xin sởi, có trên 1.400 bệnh nhi mắc sởi trên 9 tháng tuổi. Có khoảng 50% bệnh nhân chưa tiêm chủng.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI