Mỗi sáng thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, lớp học ghép với chừng 15-16 học sinh nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội lại vang lên tiếng ê a học bài. Gần 30 năm, lớp học đặc biệt ấy luôn được dẫn dắt bởi cô giáo Phạm Thị Huyền.
Mở lớp vì thương
Năm 1997, đang là giáo viên tiểu học ở tỉnh Tuyên Quang thì cô giáo Phạm Thị Huyền chuyển về quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vì lý do gia đình. Những ngày ở nhà chờ xin việc, cô thấy những đứa trẻ tha thẩn chơi chứ không đến trường. Hỏi chuyện, cô mới biết đứa nào cũng có hoàn cảnh éo le riêng.
Đứa ở tỉnh xa lên Hà Nội bán hàng rong, đứa mồ côi cha, đứa mồ côi mẹ, đứa phải sống với ông bà vì cả cha lẫn mẹ đều vướng vòng lao lý… Đến trường chỉ là mơ ước xa xôi của bọn trẻ. Khi cô hỏi “nếu cô mở lớp dạy chữ miễn phí, các cháu có muốn đến học không?”, chúng trả lời ngay “có ạ”.
Được chồng con ủng hộ, giúp sắp xếp một căn phòng của gia đình làm phòng học, cô Huyền đi hỏi mua bàn ghế cũ, bảng đen và cả sách, vở, bút mực… Và lớp học ra đời. Buổi học đầu tiên chỉ có 6 học sinh nhưng niềm hân hoan ngập tràn.
Tiếng lành đồn xa, những đứa trẻ mồ côi khao khát chữ; những người cha, mẹ đơn thân chẳng thể lo cho con tới trường đã dắt con đến tìm cô giáo Huyền. Lớp học tăng dần lên 10, rồi 15 học sinh và duy trì con số ấy đến hiện nay.
|
Cô Huyền và học trò cũ Thèn Thị Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Cô Huyền chia sẻ: “Có thời điểm lớp học lên đến 20 học sinh. Nhưng sau này có cả học sinh chậm phát triển trí não nên tôi chỉ “dám” nhận 15 em, để đảm bảo chất lượng. Tôi mải miết với lớp, thương các em, nên cũng bỏ kế hoạch xin dạy lại ở trường công”.
Cái lớp học bé nhỏ ấy cũng long đong như số phận học trò của cô giáo Huyền. Năm 2009, khi đường vành đai 3 xây dựng, gia đình cô Huyền nằm trong diện giải tỏa nên phải chuyển nơi ở. UBND phường Hạ Đình cho cô mượn nhà hội họp ở cụm 5 làm địa điểm mở lớp. Nhưng cũng chỉ duy trì được đến năm 2013, vì nhà này phải giải tỏa để mở đường.
Lớp học lại phải chuyển về nhà cô Huyền ở phường Thanh Xuân Nam. Nhà mới nhỏ hơn, phòng học cũng chật hơn nhưng cả cô và trò vẫn kiên trì dạy, học. Năm 2014, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đã tìm cho cô một căn phòng của tổ dân phố gần nhà để làm lớp học.
Từ năm 1997 đến nay, sáng thứ Hai đến sáng thứ Sáu hằng tuần, lớp học ghép nhiều lứa tuổi, trình độ khác nhau ấy lại vang lên tiếng ê a học bài. Cô Huyền bảo nếu xếp trình độ thì lớp học chỉ 15 học sinh này có đến 8 trình độ khác nhau.
Ngày còn ở Tuyên Quang, cô cũng đã nhiều năm dạy xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số, nên việc đứng lớp ghép không phải là điều khó khăn. Sau này, cô còn học mấy khóa tập huấn dạy trẻ đặc biệt nên lớp học cũng được vận hành ổn thỏa. Cô xếp các em ngồi học theo cả trình độ và tình trạng sức khỏe. Giảng bài cho nhóm này xong là cô kiểm tra bài tập của nhóm khác...
Cậu bé Ngô Văn M. (12 tuổi) đang nhẩm tính lại phép nhân môn toán lớp Ba. M. khoe: “Em được cô Huyền dạy toán, rèn chữ, tập làm văn, cả chính tả nữa. Đến lớp còn có nhiều bạn. Thi thoảng, cô còn dẫn cả lớp đi chơi, vui lắm”.
Cô bé Mai Khánh L. (lớp Bốn) hồ hởi: “Đến ngày 20/11 là cô Huyền hướng dẫn chúng em cắm hoa, cả thường ngày và theo chủ đề. Cô còn tặng quà cho từng bạn nữa”. Cô Huyền cười, gương mặt phúc hậu: “Các em đều thiệt thòi nhiều mặt nên hầu hết đều không biết đến những ngày lễ, ngày kỷ niệm. Tôi tặng quà cho các em để các em cố gắng hơn trong học tập. Nhìn các em háo hức học cắm hoa, đôi mắt lấp lánh khi được cô tặng quà, tôi thấy hạnh phúc hơn”.
|
Cô Huyền hướng dẫn các em làm bánh trôi - ẢNH: H.P. |
Tuổi 70 vẫn tiếp tục con đường gieo chữ
Cô Huyền cho hay, lớp học của cô có 1/4 là học sinh khuyết tật. Do đó, dạy ở lớp học đặc biệt này, điều quan trọng nhất là phải kiên trì và yêu thương các em. Lớp học có bạn mỗi năm lên 1 lớp, nhưng cũng có bạn phải mất 2 năm, thậm chí 4-5 năm mới qua được 1 lớp, lại có bạn học mãi vẫn không tiếp thu được gì thì cô sẽ dạy các kỹ năng để tự chăm sóc bản thân.
Có 2 con theo học cô Huyền đã gần 3 năm, anh Nguyễn Việt H. chia sẻ: “Tôi một mình nuôi 2 con 5 tuổi và 7 tuổi. Tiền công đi bốc vác thuê chỉ đủ để trả tiền thuê trọ và lo cho những bữa ăn. Bọn trẻ được học với cô Huyền thì vui vẻ, hoạt bát hơn trước rất nhiều, không phải lủi thủi ở phòng trọ bé tẹo. Sách vở, giấy bút đều là cô giáo lo. Các ngày lễ, tết, sinh nhật cũng đều là cô mua bánh kẹo và tổ chức cho các cháu”.
Trần Thị H. vốn khỏe mạnh, lành lặn bình thường. Nhưng sau lần đuối nước hụt, em bị chậm phát triển. 16 tuổi, H. được cha mẹ đưa đến lớp học của cô Huyền. Sau 5 năm được cô Huyền động viên, dạy chữ, dạy cả những kỹ năng cơ bản nhất, H. đã thay đổi rất nhiều. Sáng đến lớp, H. hướng dẫn các em lau sàn, vệ sinh lớp học, kèm các em tập viết, tập đọc. Khi cô Huyền có việc bận, H. đã biết thay cô quán xuyến lớp.
Chị Nguyễn Thị M. (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) có em trai chậm phát triển đang được cô Huyền dạy dỗ. Em trai chị đã học lớp Sáu trường làng nhưng vẫn chưa đọc thông viết thạo. Suốt 6 năm học, em không có một người bạn nào, chỉ ngồi một mình một bàn, một chỗ và còn hay bị các bạn bắt nạt.
“Năm ngoái, em đòi bỏ học. Tôi tìm trên mạng và biết đến lớp học của cô Huyền nên đưa em xuống đây. Mục đích của gia đình chỉ đơn giản là em biết đọc, biết viết và tự chăm sóc bản thân. Không ngờ chỉ sau vài buổi, em đã thích đi học” - chị kể.
Ông Lại Đông Biên - Bí thư chi bộ khu dân cư số 3 phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân - cho hay: “Nhiều năm nay, cô giáo Huyền đã giúp rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn có thêm tri thức để thay đổi cuộc sống tốt hơn. Cô có tình cảm sâu nặng với học trò và nhiều trăn trở với giáo dục.
Cô 70 tuổi rồi, một phần vì chưa tìm được người thay cô, một phần vì các cháu và cha, mẹ các cháu vẫn thiết tha, cô lại nặng lòng với lớp nên vẫn tiếp tục con đường gieo chữ rất nhân ái này”.
|
Cô Phạm Thị Huyền cùng học sinh trong chuyến trải nghiệm tại công viên Thủ Lệ (TP Hà Nội) ẢNH: H.P. |
Thay đổi nhiều phận đời Cô Huyền nhớ mãi cậu học trò Nguyễn Văn L. (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Cha mất khi L. còn trong bụng mẹ. Em được 4 tuổi thì mẹ bỏ em lại cho ông bà ngoại già yếu để đi lấy chồng. L. được gửi đến lớp của cô Huyền học hết tiểu học. Sau đó, L. đi học nghề nấu ăn, hiện làm ở khách sạn 5 sao. Em đã tự nuôi bản thân và nhiều năm nay còn phụng dưỡng, chăm sóc cả bà ngoại. Hay Nguyễn Văn T. (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) mồ côi cha. Sau này, T. làm ở nhà máy ô tô, hiện tại đang làm an ninh sân bay. “Các cậu ấy thi thoảng vẫn đến lớp thăm cô giáo, thăm các em” - cô Huyền cho biết. Thèn Thị Giang - cô gái Tày sống ở huyện xa xôi của tỉnh Hà Giang - bị cha mẹ ép lấy chồng năm 16 tuổi, nên trốn xuống thành phố làm thuê. Ở TP Hà Giang, mọi người nói nhìn em cao ráo, xinh xắn thế kia mà lại không biết chữ. “Khi đó, tôi rất ngại. Có người làm cùng tôi tìm thấy lớp học của cô Huyền và gọi điện cho tôi nói chuyện với cô. Cô nói cứ bắt xe khách xuống bến xe Mỹ Đình, cô sẽ đón. Cô không chỉ dạy tôi học chữ mà còn chăm sóc, bảo ban như một người mẹ. Bây giờ, tôi đã mở được một cửa hàng spa nhỏ. Gần 3 năm trước tôi lấy chồng, cô Huyền đã đứng ra làm chủ hôn. Nếu không có cô Huyền, tôi chẳng thể nào có được ngày hôm nay” - Giang xúc động nói. |
Ngọc Minh Tâm