Gần 3.800 trẻ Palestine chết, hơn 7.000 em bị thương trong cuộc xung đột Hamas - Israel

03/11/2023 - 11:12

PNO - Gần 4 tuần xảy ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, đã có gần 11.000 trẻ em Palestine thương vong.

 

Những trẻ em sống sót lại đang đối mặt với thương tật và nghèo đói
Những trẻ em sống sót đang đối mặt với thương tật và nghèo đói

Số trẻ thương vong tăng lên mỗi giờ 

Hôm 2/11, theo Bộ Y tế Palestin, số người tử vong ở Dải Gaza đã gần 9.100 trong đó có hơn 3.760 trẻ em đã thiệt mạng.

Hãng thông tấn AP cho biết, số trẻ em bị thương trên Dải Gaza đã vượt qua con số hơn 7.000 trẻ. Trong đó, nhiều em đang đối diện với tình trạng sống còn vì chấn thương quá nặng hoặc được cứu chữa kịp thời.  

Yasmine Jouda, người đã mất 68 thành viên trong gia đình trong cuộc không kích ngày 22/10 cho biết, chị không biết mình phải sống phần đời còn lại như thế nào. "Gia đình gần như mất tất cả, nhà cửa không còn, tương lai vô định. Tôi không biết phải làm gì" - người phụ nữ đang ngồi dưới nền gạch bệnh viện với thân hình đầy thương tích buồn bã nói.

Ngay trước chiến tranh, Milissa, cháu gái của Jouda, lần đầu tiên chập chững tập đi. Nhưng giờ đây, em sẽ không bao giờ đi lại được nữa. Các bác sĩ cho biết cuộc không kích giết chết gia đình cô bé đã khiến em bị gãy xương sống và bị liệt từ ngực trở xuống.

Ngay gần bệnh viện trung tâm Gaza, Kenzi, 4 tuổi, tỉnh dậy và hỏi chuyện gì đã xảy ra với cánh tay phải bị mất của mình.

Cha cô nói: “Sẽ phải mất rất nhiều sự quan tâm và nỗ lực để con bé có được một nửa cuộc sống bình thường”.

Chứng kiến quá nhiều trẻ em thiệt mạng khiến thế giới đau buồn và phẫn nộ
Chứng kiến quá nhiều trẻ em thiệt mạng khiến thế giới đau buồn và phẫn nộ

Không thể làm gì cho người chết thì hãy giúp đỡ người còn sống 

Trong khi đó, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, việc cứu trợ ở Dải Gaza vẫn rất khó khăn khiến mọi việc càng thêm trầm trọng. 

WHO cho biết nhu cầu sức khỏe ở vùng đất Palestine đang tăng cao trong khi khả năng giúp đỡ đang giảm sút. Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã có thể chuyển 54 tấn vật tư nhân đạo vào lãnh thổ trong 2 tuần qua nhưng cho biết điều đó chỉ là "hạt muối bỏ biển".

Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo: “WHO sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng tất cả người dân ở Gaza đều được tiếp cận các dịch vụ nhân đạo và y tế cứu mạng sống. Nhưng Trong tình hình hiện tại, điều này gần như là không thể".

Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết sự an toàn cơ bản của nhân viên WHO và các tổ chức khác tại Gaza hiện không thể được đảm bảo. “Trách nhiệm của tất cả các bên trong cuộc xung đột là cho phép các bệnh viện đó được tiếp tế,

Chính quyền chiếm đóng có trách nhiệm đặc biệt để đảm bảo rằng các cơ sở đó không chỉ được bảo vệ mà còn được phục vụ và cung cấp đầy đủ nhu cầu cho người dân. Hiện tại, chúng tôi chưa có biện pháp giảm xung đột nào được thực hiện một cách hiệu quả. Không có khả năng tiếp cận nhân đạo" - ông nói.

Ông Tedros cho biết, tình hình tại Dải Gaza không thể diễn tả được hết. "Bệnh viện chen chúc người bị thương, nằm la liệt trên hành lang; nhà xác tràn ngập; bác sĩ thực hiện phẫu thuật mà không gây mê. Và ở khắp mọi nơi, sợ hãi, chết chóc, hủy diệt, mất mát. Khi nhu cầu sức khỏe tăng cao, khả năng đáp ứng những nhu cầu đó của chúng ta lại giảm mạnh. Bây giờ đã quá muộn để giúp đỡ người chết. Nhưng chúng ta có thể giúp đỡ người sống. Và chúng tôi kêu gọi tất cả những ai có thể giúp để giảm leo thang cuộc xung đột này, thay vì khơi dậy nó” - ông nói thêm.

Trọng Trí (theo AP, Strait Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI