Dư luận hoang mang
Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết bất thường ở hồ Tây (Hà Nội). Chỉ 3 ngày sau khi có tình trạng cá chết hàng loạt, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một số người mang thùng xốp ra hồ Tây thu gom cá. Những bức ảnh này nhanh chóng được lan truyền chóng mặt và gây nên sự hoang mang, lo lắng cho nhiều người.
“Có khi nào chả cá, bún cá, nước mắm… sắp tới chúng ta ăn được làm từ cá chết Hồ Tây không? Giờ ăn cái gi cũng sợ, đến miếng cơm bỏ vào miệng hàng ngày còn không biết nó là thật hay giả nữa", bạn Bùi Tuấn Anh ái ngại.
Một số khác tỏ ra cảnh giác cao độ, tuyên bố sẽ không ăn cá trong những ngày sắp tới để tránh nguy cơ ăn phải cá chết, cá không đảm bảo vệ sinh.
|
Bức ảnh cá chết được để trong thùng xốp và dán băng dính cẩn thận được đăng trên mạng xã hội khiến dư luận hoài nghi. |
“Hồ Tây cá chết rất nhiều, có thể đã tuồn vào các chợ và nhà hàng, quán cơm… Thế nên tốt hơn cả, thời điểm này các bạn đừng ăn cá nước ngọt không rõ nguồn gốc. Những loại cá chặt khúc bán sẵn ngoài chợ cũng tránh xa cho lành”, bạn Cao Thạch Lam chia sẻ trên trên Facebook.
Sự hoang mang, lo lắng càng nhân lên gấp bội khi vấn nạn thực phẩm bẩn đang hàng ngày hiện hữu, bao vây lấy cuộc sống của mỗi chúng ta, nó trở thành nỗi ám ảnh trong suy nghĩ của nhiều người.
Bạn Diệu Thùy (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ cho là sẽ kiêng không ăn cá trong thời điểm này. Nhưng có ai dám chắc, những con cá to nặng đến hàng cân kia người ta không đem lọc thịt, cho vào tủ đông, đến giai đoạn thông tin cá chết chìm xuống thì sẽ lôi ra chiên giòn, tẩm bột thơm lừng rồi bán cho chúng ta ăn không?”
|
Cho đến chiều 4/10, cá chết ở Hồ Tây gần như đã được vớt gần hết, chỉ còn lác đác vài con sót lại. |
Bên cạnh những ý kiến có phần tiêu cực, có người lại suy nghĩ lạc quan hơn rằng, việc những người thu gom cá vào thùng xốp rồi quấn băng dính cẩn thận là do họ có ý thức bảo vệ môi trường. Bởi cá chết phân hủy mùi hôi thổi rất khó chịu, bịt bọc kín sẽ hạn chế mùi bay ra trong quá trình di chuyển.
“Cá chết đến ngày thứ 3, thứ 4 thối rữa hết rồi mang bán ai mua? Họ lấy về làm phân bón cho cây đấy. Mình thấy người ta có ý thức đấy chứ, biết đựng cá chết trong thúng xốp rồi bịt kín sẽ bớt mùi tanh hôi phảng phất khắp tuyến phố họ đi qua”, bạn Đinh Tùng bày tỏ.
|
Nhiều người hoang mang, lo lắng trước nguy cơ ăn phải cá chết, cá không đảm bảo vệ sinh. |
Bạn Hòa An cũng cho rằng: “Không nên chỉ nhìn vào mấy tấm ảnh mà suy diễn lung tung ảnh hưởng đến việc buôn bán của những tiểu thương làm ăn nghiêm túc. Giờ đi mua hàng, nhất là thực phẩm ai chẳng có mắt chọn lựa kỹ càng, nghĩ sao cá chết ươn ra mà khách mua được.”
Cá chết không mang tiêu hủy để làm gì?
Từ tối 2/10 tới chiều tối 4/10, các lực lượng bao gồm: quân đội, công an, môi trường, thanh niên tình nguyện,…đã tích cực thu gom được khoảng 80 tấn cá chết tại hồ Tây. Được biết, số cá này được mang đi đến bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội.) chôn lấp.
|
Những công nhân môi trường thu dọn cá chết xung quanh Hồ Tây từ sáng đến tối. Sau đó mang đi chôn lấp theo đúng quy trình tại khu xử lí rác Nam Sơn. |
Chia sẻ trên báo chí, ông Lê Hồng Phong, Phó giám đốc khu liên hợp xử lí chất thải Nam Sơn, trực thuộc Urenco 8 cho biết: "Việc xử lí và tiêu hủy cá chết được thực hiện khá nghiêm túc và cẩn thận, việc di chuyển trên đường và xe sau khi quay trở lại thành phố được vệ sinh kỹ lưỡng và phun tẩy trùng, khử mùi Enchoice"
Theo quan sát của phóng viên báo Phụ nữ TP. HCM trong ngày 3/9 - 4/9 tại khu vực hồ Tây, ngoài phần lớn số cá chết được mang đi chôn lấp theo quy định thì có một số người dân mang thùng xốp, thùng nhựa trở trên xe máy, xe cải tiến đến Hồ Tây thu gom cá chết.
|
Khoảng 6 giờ chiều - klà nhiều nông dân, người làm vườn ở Nhật Tân, Tứ Liên… lại mang thùng xốp, thùng nhựa đến lấy cá đem về. |
Qua tìm hiểu thì được biết, những người này đều là nông dân trồng đào, trồng quất ở Nhật Tân, Tứ Liên…đến xin cá chết đã vớt lên bờ về làm phân bón cây.
“Báo chí phản ánh cho đúng, chúng tôi dân trồng đào, xin cá về làm phân bón chứ không phải con buôn đem cá bẩn bán cho người khác ăn. Cô nhìn xem cá chết mấy ngày thối rữa hết cả, vừa động vào là nát thì hóa chất nào làm cho nó thành nguyên con được, mà bảo mang về làm cá khô với chả cá", ông Hiệp (nông dân trồng đào ở Nhật Tân, Tây Hồ) phân trần.
|
Cá chết ở hồ Tây nếu không mang tiêu hủy sẽ cho nông dân làm phân bón cây trồng. |
|
Chỉ nhìn vào mấy tấm ảnh không thể suy diễn rằng những người đó mang cá chết ra chợ bán cho người tiêu dùng. |
|
Cá Hồ Tây bắt đầu có dấu hiệu chết từ đêm 30/9, sau nhiều ngày, cá đã phân hủy và không còn nguyên vẹn để có thể dùng chế biến thực phẩm được. |
Theo ông Hiệp, cá chết sau khi lấy về sẽ bỏ vào những thùng nhựa lớn (chứa được 100kg), rồi trộn với hóa chất, men phân hủy để cá nhanh thành nước và không có mùi hôi thối. Tiếp theo bịt kín nắp thùng nhựa, cứ để như vậy khoảng 30 – 40 ngày thì đem ra sử dụng.
|
Phân cá sau khi qua xử lí. |
Ông Hiệp cũng cho biết thêm, từ hôm cá hồ Tây chết, cứ khoảng 6 giờ chiều - khi các lực lượng đã vớt cá chết để sẵn trên bờ là nhiều nông dân, người làm vườn ở Nhật Tân, Tứ Liên… đến lấy cá đem về làm phân bón cho cây trồng.
Cho đến chiều 4/10, cá chết ở hồ Tây gần như đã được vớt gần hết. Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống hồ Tây, khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý. Đến nay, công tác thau rửa nguồn nước và khử mùi vẫn tiếp tục được các lực lượng chức năng khẩn trương tiến hành, nhằm nhanh chóng trả lại môi trường xanh, sạch cho người dân sống ven hồ Tây.
Đông Thức