Gần 200 nhân viên cứu trợ toàn cầu thiệt mạng trong 8 tháng đầu năm 2024

09/09/2024 - 19:36

PNO - Gần 200 người làm công tác cứu trợ đã thiệt mạng trong năm 2024. Sự coi thường luật pháp quốc tế ngày càng gia tăng khiến công tác nhân đạo ở những điểm nóng xung đột ngày càng nguy hiểm.

Bảy nhân viên cứu trợ tại World Central Kitchen đã thiệt mạng tại Gaza vào ngày 2 tháng 4 do một cuộc không kích của Israel mặc dù họ đã phối hợp hành trình với các quan chức Israel. Ảnh: Abdel Kareem Hana/AP
7 nhân viên cứu trợ tại World Central Kitchen đã thiệt mạng tại Gaza vào ngày 2/4 do một cuộc không kích của Israel mặc dù họ đã chia sẻ hành trình với các quan chức Israel - Ảnh: Abdel Kareem Hana/AP

Gần như tuần nào trong năm nay, Jagan Chapagain –Tổng thư ký Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) - cũng phải ký 1 lá thư chia buồn gửi đến gia đình của những người làm công tác cứu trợ đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ.

1 tình nguyện viên ở Sudan bị bắn khi đang thu thập dữ liệu; 1 nhân viên y tế bị bắn khi đang sơ tán những người dân bị thương ở khu vực Bờ Tây; 1 tài xế xe cứu thương ở Ethiopia tử vong do trúng đạn trên đường đến bệnh viện,… Tất cả nằm trong số 28 nhân viên và tình nguyện viên mà Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã tưởng niệm kể từ đầu năm 2024.

Đến cuối tháng 8/2024, 187 nhân viên cứu trợ trên khắp thế giới - những người đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm, nước và vật tư y tế trong các cuộc khủng hoảng - đã thiệt mạng, khiến năm 2024 có thể sẽ là năm chết chóc nhất đối với những người làm công tác cứu trợ.

Năm 2023 hiện đang giữ danh hiệu trên, khi 280 người mất mạng so với 118 người vào năm 2022. Cuộc chiến tranh Israel - Gaza, nơi hơn 280 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng kể từ ngày 7/10/2023, cũng như khu vực bất ổn Sudan và Nam Sudan chiếm phần lớn số người tử vong.

Những nhân viên cứu trợ địa phương - vốn thường không được đảm bảo an ninh, đào tạo và bảo vệ như nhân viên quốc tế - là những nạn nhân có khả năng cao nhất.

Hebdavi Kyeya, giám đốc khu vực Đông và Trung Phi tại cơ quan cứu trợ Tearfund, cho biết ông thường lo sợ rằng mình sẽ không trở về nhà.

Ông chia sẻ: "Những nhân viên cứu trợ địa phương - những người làm việc tại quốc gia bản địa của họ - có nguy cơ thiệt mạng cao nhất. Thế nhưng câu chuyện của họ phần lớn không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế và những kẻ tấn công họ không phải chịu trách nhiệm vì những người có thẩm quyền đang ngoảnh mặt làm ngơ".

Ông nói thêm: "Chúng tôi ra ngoài đó với suy nghĩ rằng chúng tôi đang đặt mạng sống của mình vào vòng nguy hiểm”.

Kyeya đã mất 2 đồng nghiệp vào tháng 6 khi một đoàn xe của Tearfund bị đốt cháy tại Cộng hòa Dân chủ Congo. 12 thành viên trong nhóm chạy thoát. Vào tháng 12/2023, hai tài xế người Sudan của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đã bị bắn chết tại Sudan khi đoàn xe của họ bị những tay súng tấn công, trong khi IFRC đã mất 21 thành viên trong nhóm người Palestine ở Gaza.

98% nhân viên của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế hiện là người địa phương và 16 triệu tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ đến từ các cộng đồng mà họ phục vụ.

Jeff Wright - giám đốc ứng phó nhân đạo tại tổ chức World Vision - cho biết, có sự chênh lệch trong việc tiếp cận đào tạo an toàn và thông tin cho nhân viên nhân đạo quốc tế và nhân viên tại địa phương. Ví dụ, nhân viên quốc tế thường được sơ tán khi tình hình trở nên "quá căng thẳng" trong khi nhân viên địa phương thường không thể rời đi.

Christina Wille - giám đốc của Insecurity Insight, một tổ chức phi chính phủ thu thập dữ liệu về các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ - cho biết, những nhóm cứu trợ địa phương, bao gồm cả những nhóm mới thành lập, không có đủ nguồn lực như các đối tác quốc tế của họ. Tuy nhiên, họ có thể được các tổ chức quốc tế thuê để đến những khu vực khó tiếp cận.

Năm 2015, nhân viên cứu trợ Steve Dennis đã kiện thành công công ty cũ của mình, Hội đồng Người tị nạn Na Uy, vì tội cẩu thả sau khi anh bị bắt cóc ở Kenya trong bối cảnh an ninh yếu kém.

Các hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế được coi là tội ác chiến tranh nhưng lại rất khó bị truy tố ở cấp quốc gia. Theo Law Action Worldwide, tổ chức cung cấp hỗ trợ pháp lý miễn phí cho những nhân viên cứu trợ bị tấn công, phản ứng toàn cầu tập trung chủ yếu vào các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, các lời lên án và bày tỏ sự phẫn nộ mà hầu như không có chế tài nào khác.

Tấn Vĩ (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI