Gần 200 năm sau ngày mất, mẫu tóc của Beethoven được mang xét nghiệm

23/03/2023 - 10:34

PNO - Sau khi nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven qua đời (ngày 27/3/1827), một số lọn tóc của ông được bảo quản. Đến nay, sau 196 năm, chúng được mang ra phân tích.

Theo CNN, trước khi qua đời, nhà soạn nhạc Beethoven có một ước nguyện rằng những căn bệnh mà ông mắc phải sẽ được nghiên cứu và chia sẻ rộng rãi, để công chúng hiểu được lý do vì sao ông tạ thế.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã thực hiện việc phân tích DNA từ những lọn tóc được bảo quản suốt 200 năm qua của Beethoven. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Sinh học đương thời - Current Biology.

Nhiều mẫu tóc của Beethoven được bảo quản. Chúng thuộc sở hữu của tư nhân hoặc
Nhiều mẫu tóc của Beethoven được bảo quản từ nhiều nguồn khác nhau từ các nhà sưu tập tư nhân, người thân hoặc do các đơn vị nhà nước lưu giữ

Giáo sư Max Plank của Viện Nhân chủ học Tiến hóa (Đức) cho biết mục tiêu của nghiên cứu là nhằm làm sáng tỏ các vấn đề sức khỏe của Beethoven, trong đó tập trung vào phân tích vì sao ông mất thính lực. Ngoài ra, nguyên nhân cái chết của Beethoven ở tuổi 56 cũng được lý giải kỹ hơn.

Theo các chuyên gia về y tế, ở nhiều nghiên cứu trước đây, ngoài việc mất thính lực, Beethoven còn được kết luận mắc các chứng liên quan tiểu đường trong suốt cuộc đời, và mắc bệnh nặng về gan.

Trong 7 năm cuối đời, ông trải qua 2 đợt bị bệnh vàng da, khiến mọi người nghĩ rằng ông qua đời vì mắc xơ gan, nhưng sự thật chưa được kết luận. Có một số ghi chú cho biết các nhà y tế đã khai quật phần mộ của ông 2 lần vào năm 1863 và 1888, với hi vọng tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận.

Beethoven từng viết một lá thư vào năm 1802 gửi cho bác sĩ của mình – Johann Adam Schmidt, nói rằng hãy xác định và chia sẻ bản chất căn bệnh của ông sau khi ông qua đời. Bức thư được đặt tên là Di chúc Heiligenstadt.

Tuy nhiên, Beethoven sống lâu hơn vị bác sĩ đáng kính của mình 18 năm. Cho đến khi Beethoven qua đời, bản di chúc được phát hiện trong một ngăn bí mật tại bàn làm việc của ông. Trong thư, Beethoven thừa nhận ông cảm thấy vô vọng, bất lực khi một nhà soạn nhạc lại mất thính lực. Nhưng âm nhạc đã giúp ông sống sót vì liên tục thôi thúc ông sáng tác.

Các nhà nghiên cứu loại bỏ một số mẫu tóc sau khi xác định không phải tóc của nhà soạn nhạc Beethoven
Các nhà nghiên cứu loại bỏ một số mẫu tóc sau khi xác định không phải tóc của nhà soạn nhạc Beethoven

Lần này, nhóm nghiên cứu phân tích tổng cộng 8 mẫu tóc của Beethoven từ các bộ sưu tập được lưu giữ tại Anh, Mỹ và vài nước châu Âu. Trong quá trình xác thực, có 2 mẫu tóc không phải của Beethoven, 1 mẫu bị hỏng không thể phân tích nên chỉ còn 5 mẫu.

Nhóm nghiên cứu kết luận không thể tìm ra nguyên nhân chính xác khiến Beethoven mất thính lực, cũng như lý do vì sao ông mắc nhiều bệnh về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nhóm xác định Beethoven bị bệnh gan do di truyền. Nghiên cứu cũng cho thấy Beethoven nhiễm vi rút viêm gan B vài tháng trước khi ông lâm bệnh lần cuối và qua đời.

Trước đây, có một nghiên cứu nói rằng Beethoven bị ngộ độc chì, nhưng đáng tiếc rằng, mẫu tóc đó không phải của nhà soạn nhạc, mà của một người phụ nữ.

Trong nhiều bức thư Beethoven viết hoặc bạn bè kể lại, nói rằng nhà soạn nhạc thường xuyên uống rượu. Dù khó thể xác định ông đã uống bao nhiêu rượu, nhưng một người bạn thân nói vào mỗi buổi trưa, Beethoven đều uống ít nhất 1 lít rượu.

“Uống rượu, kết hợp với các yếu tố di truyền bệnh gan, nhiễm trùng viêm gan B... có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Beethoven”, báo cáo cho biết.

Minh Tú (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI