Nghệ An:

Gần 20 năm “nuôi” hy vọng vào biên chế

24/07/2023 - 12:06

PNO - Với mức lương ít ỏi chỉ đủ nuôi sống bản thân, song nhiều giáo viên dạy hợp đồng ở Nghệ An vẫn bám trụ với nghề, “nuôi" hy vọng một ngày sẽ được vào biên chế suốt hàng chục năm qua.

Giáo viên kiêm “thợ đụng”

Hoàn tất hồ sơ chuẩn bị cho đợt thi tuyển dụng giáo viên sắp tổ chức, thầy Nguyễn Duy Trình (45 tuổi, trú xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vội đến một bể bơi trên địa bàn để dạy bơi nhóm trẻ trong làng. Đây chỉ là một trong số ít công việc làm thêm để tăng thu nhập của thầy Trình suốt nhiều năm qua. 

Gần 20 năm đi dạy, tâm nguyện lớn nhất của thầy Trình là được vào biên chế để ít nhất ổn định được cuộc sống thì nay vẫn chưa thành hiện thực. “Lần này trượt nữa thì có lẽ tôi sẽ phải tính toán lại thôi!” - thầy Trình nói.

Thầy Trình thường tranh thủ thời rảnh làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập - Ảnh: Khánh Trung
Thầy Trình thường tranh thủ thời gian rảnh làm phụ hồ kiếm thêm thu nhập - Ảnh: Khánh Trung

Năm 2004, thầy Trình tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thể dục - Thể thao Đà Nẵng, rồi về dạy hợp đồng môn Thể dục tại Trường tiểu học Hùng Thành (huyện Yên Thành) từ đó đến nay. Thời điểm đó, mức lương của một giáo viên hợp đồng như thầy Trình chỉ vỏn vẹn 200.000 đồng/tháng. Đến nay, lương của thầy Trình đã lên hơn 2,5 triệu/tháng. 

“Lương quá thấp, nhiều lúc cũng buồn vì chẳng giúp đỡ được gì nhiều cho gia đình. Mỗi tháng chỉ đủ tiền xăng xe, nếu phát sinh thêm vài đám cưới, đám giỗ… thì thậm chí không đủ được” - thầy Trình nói.

Để có thêm thu nhập, nhiều năm nay thầy Trình được biết đến là một “thợ đụng”, ai thuê gì làm nấy. Những ngày không có tiết dạy, thầy đi làm thợ hồ, có khi đi sửa điện, đổi bình gas… Dịp hè lại kiêm luôn các lớp dạy bơi, bóng chuyền.

Khó khăn là vậy, nhưng thầy Trình vẫn rất luôn cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại trường, được đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao. Để nuôi hy vọng vào biên chế, thầy Trình còn dành thời gian vừa dạy, vừa đi học, đến nay đã có bằng đại học. 

Để bám trụ lại được với nghề giáo suốt 19 năm qua, thầy Trình bảo rằng “vì yêu nghề nên gắng đến khi còn có thể”. Có có thời điểm thầy Trình tính chuyển nghề khi thấy bạn bè cùng trang lứa đã sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện chăm lo cho vợ con. “Nhiều lúc gặp bạn, họ khuyên hay đi nước ngoài chuyến đi, chứ cứ làm thế này sao lo được cho vợ con” - thầy Trình tâm sự.

Ít ngày trước, thầy Nguyễn Văn Tiên Hoàng (32 tuổi, trú xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành) đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Ra trường với tấm bằng cao đẳng sư phạm, suốt hơn 5 năm qua, thầy Hoàng phải tranh thủ thời gian học liên thông lên đại học rồi tiếp tục học cao học, với hy vọng được vào biên chế.

Năm 2014, thầy Hoàng được nhận vào Trường THCS Tây Thành (huyện Yên Thành) làm giáo viên hợp đồng của trường. Nhà cách trường gần 10km, nam giáo viên này bảo rằng trừ chi phí xăng xe, thăm ốm ra thì mức lương hơn 2 triệu/tháng chẳng còn bao nhiêu. 

Thầy Bùi Trọng Thường - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Thành - cho biết, thầy Hoàng là giáo viên giỏi của trường suốt nhiều năm qua. Đặc biệt là trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. 5 năm trở lại đây, năm nào thầy Hoàng cũng bồi dưỡng cho các em thi học sinh giỏi huyện đạt tỉ lệ 100%. “Chúng tôi cũng mong muốn thầy Hoàng được vào biên chế, tiếp tục ở lại cống hiến cho nhà trường” - thầy Thường nói.

Hy vọng vào biên chế được “nhen nhóm”

Huyện Yên Thành là địa phương còn nhiều giáo viên hợp đồng nhất tỉnh Nghệ An, với khoảng 400 giáo viên. Trong số đó, có không ít giáo viên dạy hợp đồng suốt 20 năm, với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Để có tiền trang trải cuộc sống và theo đuổi ước mơ vào biên chế, sau giờ lên lớp họ lại phải làm thêm đủ việc.

Thầy Hoàng tiếp tục học lên thạc sĩ nuôi hy vọng sớm vào được biên chế - Ảnh nhân vật cung cấp
Thầy Hoàng (bên phải) tiếp tục học lên thạc sĩ và "nuôi" hy vọng sớm vào được biên chế - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành - cho biết, số giáo viên hợp đồng của huyện chủ yếu là hợp đồng 06, 09 ở mầm non (hợp đồng theo Nghị định số 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ, đã hết hiệu lực từ đầu năm 2022). Đây là những trường hợp được ưu tiên trong đợt thi tuyển dụng giáo viên của huyện Yên Thành đợt này.

“Chúng tôi cũng đã rà soát lại tất cả giáo viên hợp đồng ký với huyện, đóng bảo hiểm từ trước năm 2015. Trên cơ sở số liệu này chúng tôi xin thêm suất để có thể tuyển dụng hết trong đợt này” - ông Tĩnh nói.

Đến hết năm 2021, tỉnh Nghệ An chỉ còn 1.777 giáo viên hợp đồng lao động 06 và 09. Tuy nhiên, theo quy định, kể từ đầu năm 2022, họ không được tiếp tục hưởng lương từ ngân sách Trung ương. Do đó, trong năm 2022, tại một số địa phương, các giáo viên này bị nợ lương trong suốt nhiều tháng liền…

Giữa năm 2022, Nghệ An được giao 2.820 biên chế sự nghiệp giáo dục. Ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An - cho biết, trong 2.820 biên chế, có 2.164 biên chế các trường mầm non, 498 biên chế cấp tiểu học, 142 biên chế trung học cơ sở, 16 giáo viên THPT.

Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc tuyển dụng các giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09 trước ngày 30/1, nhưng cho đến nay vẫn còn 12 huyện chưa hoàn thành việc tuyển dụng khiến gần 1.000 giáo viên tiếp tục ngóng chờ.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI