Gần 2 thập kỷ đi xin tiền mổ tim cho bệnh nhi nghèo

05/04/2024 - 11:47

PNO - Để trẻ em nghèo được mổ tim kịp thời, ông Hoa âm thầm đi xác minh hoàn cảnh, “gõ cửa” các tổ chức từ thiện xin tiền trong suốt gần 20 năm qua.

“Kết nối” trẻ em nghèo với tổ chức từ thiện

Nhiều năm qua, ngôi nhà của ông Nguyễn Xuân Hoa (68 tuổi, trú xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) trở thành địa chỉ để người nghèo có con bị bệnh tim bẩm sinh tìm đến. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không còn cách nào khác họ đành phải “bấu víu” vào người đàn ông 68 tuổi này.

Hoàn cảnh các bệnh nhi nghèo cần mổ tim được ông Hoa ghi chép lại cẩn thận - Ảnh: Phan Ngọc
Hoàn cảnh các bệnh nhi nghèo cần mổ tim được ông Hoa ghi chép lại cẩn thận - Ảnh: Phan Ngọc

Mở tập hồ sơ được cất giữ cẩn thận trong chiếc cặp da cũ kỹ, ông Hoa cho hay, đến nay đã có gần 200 trẻ nghèo ở Nghệ An và Hà Tĩnh thoát khỏi bệnh tim bẩm sinh từ sự kết nối của ông. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng, song tất cả đều có một điểm chung “gia đình không đủ khả năng chữa bệnh cho con”.

Công việc này đến với ông Hoa như một cơ duyên. Năm 2005, một người cháu họ của ông bị bệnh tim bẩm sinh nhưng nhà nghèo, bố mẹ không đủ điều kiện đưa cháu đi chữa bệnh. Không nỡ để cháu mang trong mình căn bệnh này, ông Hoa đi khắp nơi dò hỏi thì biết tin có nhiều bệnh nhi nghèo từng được một tổ chức phi chính phủ tài trợ mổ tim ở Huế.

Nhìn thấy hy vọng, ông Hoa lập tức đưa cháu vào Bệnh viện trung ương Huế, đồng thời đến “gõ cửa” xin tiền tổ chức từ thiện. “Ca phẫu thuật lần đó hết 24 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với ở Hà Nội. May mắn được tổ chức từ thiện họ hỗ trợ toàn bộ chi phí nên mọi việc đều thuận lợi” - ông Hoa nói và cho hay, cũng nhờ ca mổ này, ông kết nối được với GS-TS Bùi Đức Phú (Giám đốc Bệnh viện trung ương Huế).

Ông Hoa giới thiệu về những trường hợp đầu tiên được mổ tim miễn phí - Ảnh: Phan Ngọc
Ông Hoa giới thiệu về những trường hợp đầu tiên được mổ tim miễn phí - Ảnh: Phan Ngọc

Chuyến đi này không những giúp đứa cháu họ của ông Hoa thoát khỏi bệnh tật mà còn “đẩy” ông dẫn thân vào công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

“Lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản mình không có của thì góp công, cố gắng giúp được gia đình nào hay gia đình đó thôi” - ông Hoa nhớ lại.

Để có kinh phí hỗ trợ các gia đình có trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật kịp thời, người đàn ông 68 tuổi này tìm cách kết nối với một số tu viện của người Công giáo và các tổ chức phi chính phủ đặt vấn đề. Phần lớn các tổ chức này đều hứa sẽ hỗ trợ khi có nguồn kinh phí. Nhận được cái gật đầu này, ông lặn lội đi đến nhà từng trẻ bị bệnh tim xác minh hoàn cảnh gia đình, lập hồ sơ chuyển cho các tổ chức từ thiện.

Gần 20 năm làm việc từ thiện, ông Hoa bảo rằng chưa từng cầm một đồng từ các tổ chức hay cá nhân. Theo ông, việc tài trợ mổ tim của các tổ chức từ thiện có một khuôn mẫu rõ ràng. Khi ông gửi hồ sơ trẻ cần hỗ trợ kinh phí mổ tim, nếu tổ chức từ thiện đồng ý hỗ trợ, bệnh nhân sẽ vào Bệnh viện trung ương Huế làm phẫu thuật. Sau đó, chi phí phẫu thuật sẽ được tổ chức từ thiện chuyển thẳng về bệnh viện. “Chính ra như vậy lại hay, mình không phải lăn tăn chuyện sao kê mất thời gian, công sức nữa” - ông Hoa cười nói.

Bà Trầm kết thân, thường xuyên đi lại thăm hỏi vợ chồng ông Hoa - Ảnh: Phan Ngọc
Bà Trầm kết thân, thường xuyên đi lại thăm hỏi vợ chồng ông Hoa - Ảnh: Phan Ngọc

Tiếng lành đồn xa, người dân nghèo ở khắp nơi tìm đến nhờ ông hỗ trợ ngày một nhiều hơn. Ông Hoa vốn là chủ lò gạch thủ công, nhưng có ai đến nhờ giúp, ông đều sẵn lòng gác lại công việc để đi xác minh, kết nối.

“Đây là việc rất quan trọng, có khi tôi phải bất thình lình đến nhà họ xác minh hoàn cảnh có đúng khó khăn không. Bởi các tổ chức từ thiện khi tài trợ thỉnh thoảng họ cũng sẽ xác minh một số trường hợp. Nên nếu không đúng như hồ sơ mình làm thì sẽ mất uy tín, không thể xin nguồn tài trợ nữa” - ông Hoa kể.

Không mong đền đáp

Hơn 5 năm trước, một bé gái suy tim độ 4 bị tổ chức từ thiện từ chối tài trợ tiền phẫu thuật vì chi phí “vượt khung”. “Mẹ cháu liệt nửa người, cha lại bị tâm thần. Hoàn cảnh của bệnh nhân thật sự rất bi đát. Cái khó là chi phí mổ tim của cháu hết 70 triệu đồng, trong khi tổ chức từ thiện họ chỉ chi tối đa 35 triệu đồng cho một trường hợp” - ông Hoa nói và cho hay, đó là khoảng thời gian ông mất ngủ, đấu tranh tâm lý rất nhiều.

Nghe người phụ trách quỹ từ thiện nói “cháu đã quá nặng, cơ hội chữa trị không cao, có nên để chi phí này cho 2 bệnh nhân khác không?” khiến ông Hoa rơi vào trầm ngâm. “Nhưng rồi tôi nghĩ nếu vì điều này mà mình bỏ cháu thì nó không đúng với mong muốn khi bắt đầu làm việc này của mình. Do đó, tôi tiếp tục thuyết phục người phụ trách xem xét, nếu không thể hỗ trợ toàn bộ thì một nửa, nửa còn lại tôi sẽ lo” - ông Hoa kể.

Nhiều em viết thư cám ơn ông Hoa sau khi sức khỏe ổn định - Ảnh: Phan Ngọc
Nhiều gia đình viết thư cám ơn ông Hoa sau khi được ông Hoa kết nối mổ tim miễn phí - Ảnh: Phan Ngọc

Nói là bản thân sẽ lo nửa còn lại, song thực tế lúc đó hoàn cảnh gia đình ông cũng không có số tiền lớn như vậy. Ông Hoa tiếp tục “gõ cửa” thêm một tổ chức từ thiện khác, may mắn họ đồng ý “bổ sung” kinh phí khi biết về hoàn cảnh bi đát của cháu bé. Ca phẫu thuật sau đó được tiến hành và thành công ngoài mong đợi.

Mở những bức thư cảm ơn mà người nhà của trẻ bị bệnh tim gửi, ông Hoa cho biết những đứa trẻ ngày nào mới được ông đưa đi chữa trị nay đã trưởng thành, sống khỏe mạnh. “Nhiều cháu hiện đã có công việc ổn định, quay lại cám ơn, muốn nhận tôi là cha nuôi nhưng tôi không đồng ý. Chỉ cần thấy các cháu có cuộc sống ổn định là mình vui rồi chứ chẳng mong họ đền đáp gì cả” - ông Hoa nói.

Bà Đinh Thị Trầm (51 tuổi, trú xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu) kể, nhờ sự kết nối của ông Hoa, con gái bà mới có cơ hội thoát khỏi cảnh bệnh tật. Sau khi con gái khỏe mạnh, bà Trầm bắt ít con gà nuôi được đến cám ơn nhưng ông Hoa nhất quyết từ chối, yêu cầu bà đưa về để tầm bổ cho con gái. “Thậm chí tết mang có thùng bia đến biếu tết ông ấy cũng không nhận. Nếu nhận, ông ấy mừng tuổi lại còn nhiều hơn giá trị quà mình mang đến” - bà Trầm nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI