Gần 2.000 trẻ nhỏ bị tách khỏi cha mẹ tại các bệnh viện ở Hồng Kông

29/03/2022 - 11:10

PNO - Giám đốc điều hành từ thiện ở Hồng Kông, Tiến sĩ Lucy Lord ước tính khoảng 2.000 trẻ mắc bệnh COVID-19 đã bị tách khỏi cha mẹ tại các bệnh viện trong 5-6 tuần qua.

Một tổ chức từ thiện ở Hồng Kông ước tính có tới 2.000 trẻ em dưới 10 tuổi có thể đã bị chia cắt khỏi cha mẹ trong vòng sáu tuần qua sau khi nhập viện vì nhiễm COVID-19. Bà này gọi chính sách trên là “lạm dụng trẻ em”.

Cơ quan quản lý bệnh viện không thể xác nhận con số này, trong khi các nhân viên y tế, chuyên gia pháp lý và một tổ chức sức khỏe tâm thần kêu gọi chính phủ không tách những đứa trẻ bị nhiễm bệnh khỏi cha mẹ chúng trong khi cách ly và điều trị coronavirus.

Họ cũng kêu gọi chính quyền cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các gia đình bị ảnh hưởng để giúp họ giảm bớt căng thẳng và đau buồn.

Một tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần địa phương đã cảnh báo về những nguy cơ tách những đứa trẻ khỏi cha mẹ trong quá trình điều trị Covid-19. Ảnh: Xiaomei Chen
Một tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Hồng Kông đã cảnh báo về những nguy cơ khi tách những đứa trẻ khỏi cha mẹ trong quá trình điều trị COVID-19. Ảnh: Xiaomei Chen

Tiến sĩ Lucy Lord, chủ tịch điều hành của tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Mind Hong Kong nói việc tách một đứa trẻ khỏi cha mẹ của chúng dù chỉ trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến căng thẳng sau chấn thương và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm thần của trẻ. “Chúng tôi hiếm khi thấy phụ huynh được phép nhập viện cùng với những đứa con bị nhiễm bệnh. Đây là điều không thể chấp nhận được. Đây là hành vi lạm dụng trẻ em ở mọi cấp độ", bà nói.

Tiến sĩ Lucy Lord, người cũng làm việc như một bác sĩ sản phụ khoa tại Trung tâm Thực hành Y tế Hồng Kông, ước tính có khoảng 1.000 đến 2.000 trẻ em bị nhiễm bệnh đã bị chia cắt khỏi cha mẹ của chúng trong 5 đến 6 tuần qua, với hơn 90% là các gia đình địa phương.

Hiện các bệnh viện công của thành phố vẫn còn quá tải và thiếu giường cùng với phương án cách ly nghiêm ngặt nên những đứa trẻ bị nhiễm bệnh đã bị cách ly mà không có cha mẹ đi cùng. Chính vì chính sách nghiêm ngặt này đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng và khiến nhiều người nước ngoài phải cân nhắc lại tương lai của họ ở Hồng Kông. Một số bậc cha mẹ cũng trở nên do dự khi báo cáo sự lây nhiễm của con họ vì sợ bị chia cắt. Bà Lucy Lord nói thêm khoảng 30% bệnh nhân nước ngoài đã rời Hồng Kông với gia đình của họ vì lo ngại bị chia cắt với con cái nếu sau này mắc COVID-19.

Người điều hành tổ chức từ thiện cho biết không có trẻ em dưới tám tuổi nào nên bị cách ly khỏi cha mẹ của chúng. Bà cũng kêu gọi các bậc cha mẹ tìm kiếm sự giúp đỡ cho con cái của mình nếu chúng có dấu hiệu bất thường kéo dài sau khi hoàn thành việc cách ly, chẳng hạn như đập đầu hoặc tự cắn mình.

Tiến sĩ Lucy Lord  tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Mind Hong Kong
Tiến sĩ Lucy Lord điều hành tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Mind Hong Kong

Billy Wong Wai-yuk, thư ký điều hành của Ủy ban Quyền trẻ em Hồng Kông, cho biết mỗi bệnh viện đã áp dụng các chính sách khác nhau đối với việc cách ly những trẻ bị nhiễm COVID-19. Một số cơ sở cho phép cha mẹ đi cùng con cái khi cách ly, trong khi những cơ sở khác “đặt sức khỏe cộng đồng lên trên lợi ích tốt nhất của trẻ em”, bà nói.

Theo bà Wong, trẻ em không bao giờ được tách khỏi cha mẹ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trừ khi cha mẹ không thể hoặc không thích hợp để chăm sóc chúng, chẳng hạn như trong các trường hợp lạm dụng gia đình.

Các chuyên gia pháp lý cũng cho biết họ đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các bậc cha mẹ đau khổ có con bị nhiễm coronavirus.

Luật sư Jeremy Chan Siu-kee, người chuyên về luật gia đình, cho biết nhiều khách hàng của ông đã đặt câu hỏi về việc liệu họ có nên báo cáo sự lây nhiễm của con mình cho cơ quan y tế hay không vì họ lo lắng về việc bị chia cắt.

Nhà lập pháp Ambrose Lam San-keung cho biết ông và một số chuyên gia pháp lý hồi đầu tháng đã đề xuất hướng dẫn cho chính quyền về việc điều trị cho trẻ em nhập viện, kêu gọi hướng dẫn rõ ràng về việc sắp xếp cho cả trẻ nhiễm và bác sĩ chăm sóc.

Riêng ông Stephen Wong Yuen-shan kêu gọi chính phủ tiết lộ có bao nhiêu trẻ em bị nhiễm COVID-19 đã bị tách khỏi cha mẹ của chúng và hỗ trợ tâm lý cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Ông kêu gọi các cơ quan y tế đánh giá trạng thái tinh thần của trẻ em trước khi tiếp nhận chúng, đồng thời nói thêm rằng các bệnh viện và cơ sở cách ly cộng đồng nên ưu tiên nhận cha mẹ hoặc người chăm sóc của trẻ em bị nhiễm bệnh vào cùng một địa điểm.

Nhưng Tiến sĩ Sara Ho Yuen-ha, giám đốc quản lý rủi ro và an toàn bệnh nhân của Cơ quan quản lý bệnh viện, cho biết hôm 28/2 rằng sự gia tăng theo cấp số nhân của bệnh nhân coronavirus trong đợt bùng phát hiện tại đã khiến các bệnh viện khó đáp ứng yêu cầu của phụ huynh. “Chúng tôi coi trọng nhu cầu của trẻ em là phải có cha mẹ đi cùng, nhưng làn sóng thứ năm đến rất nhanh… chúng tôi đã phải đưa ra một quyết định khó khăn để đạt được sự cân bằng", bà Ho nói.

Một phát ngôn viên của Cơ quan quản lý bệnh viện nói rằng những đứa trẻ bị nhiễm bệnh trong tình trạng ổn định được phép cách ly tại nhà. Các bệnh viện cũng sẽ cố gắng sắp xếp để cha mẹ và những trẻ được nhận vào ở cùng một khu nếu cả hai đều bị nhiễm bệnh. Trong trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc có kết quả xét nghiệm âm tính, cơ quan có thẩm quyền sẽ hỏi ý kiến ​​Trung tâm Bảo vệ sức khỏe về việc yêu cầu đưa trẻ nhiễm bệnh được đi cùng với cha mẹ hay không.

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI