Gần 2.000 trẻ em thiệt mạng mỗi ngày do ô nhiễm không khí

19/06/2024 - 07:30

PNO - Nghiên cứu toàn cầu cho thấy không khí ô nhiễm là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, chỉ sau suy dinh dưỡng.

Ô nhiễm không khí do ngành công nghiệp, ô tô, cháy rừng và nhiên liệu nấu ăn gây ra ở Lagos, Nigeria, đang khiến bệnh tật gia tăng mạnh.
Ô nhiễm không khí đang khiến bệnh tật gia tăng mạnh ở Lagos, Nigeria - Ảnh: AFP

Mới đây, Viện Hiệu ứng Sức khỏe (HEI) cho biết gần 2.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày do ô nhiễm không khí, khiến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch trở thành yếu tố nguy cơ sức khỏe lớn thứ hai đối với trẻ nhỏ trên toàn thế giới.

Theo báo cáo, hơn 8 triệu ca tử vong ở trẻ em và người lớn là do ô nhiễm không khí trong năm 2021. Ô nhiễm không khí ở ngoài trời và trong nhà tiếp tục gây tổn hại nặng nề đối với sức khỏe con người.

Không khí ô nhiễm hiện là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai trên toàn cầu, vượt qua việc sử dụng thuốc lá và chỉ đứng sau cao huyết áp. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong (nguyên nhân thứ nhất là suy dinh dưỡng).

Trong báo cáo tình trạng không khí toàn cầu năm 2024 do HEI và UNICEF phối hợp thực hiện, cũng cho thấy trẻ em ở các nước nghèo đang phải chịu một số tác động tồi tệ nhất. Cụ thể, tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 12 tuổi (hầu hết ở châu Phi) liên quan đến ô nhiễm không khí cao gấp 5 lần so với các nước có thu nhập cao.

Báo cáo cho thấy các hạt bụi mịn gọi là PM2.5 - nghĩa là chúng có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet - là nguyên nhân gây ra hơn 90% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu.

Các hạt PM2.5 có thể xâm nhập vào máu, được phát hiện là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh phổi, tim, đột quỵ, tiểu đường, mất trí nhớ và sẩy thai.

Kitty van der Heijden - Phó giám đốc điều hành của UNICEF - cho biết, việc không hành động của chúng ta có thể ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ tiếp theo. Các chính phủ và doanh nghiệp phải xem xét những ước tính này cũng như dữ liệu sẵn có tại địa phương để đưa ra hành động có ý nghĩa, tập trung vào trẻ em nhằm giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Báo cáo tình trạng không khí toàn cầu đã sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2021, của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Minh Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI