Gần 2.000 nhân viên ngành giáo dục TPHCM bị tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19

08/11/2021 - 15:26

PNO - Gần 2.000 nhân viên ngành giáo dục TPHCM bị tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ do dịch COVID-19 là con số được Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra trong buổi làm việc với Ban Văn hoá- Xã hội, HĐND TPHCM trong chiều 8/11.

 

Gần 2.000 nhân viên ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19
Gần 2.000 nhân viên ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố có trên 2.000 nhân viên trực tiếp phục vụ trong các trường chịu tác động nặng nề do dịch COVID-19. Cụ thể, 1.440 nhân viên ký hợp đồng tại các trường không được hưởng lương trong đợt dịch vừa qua; 71 nhân viên được trả lương dưới 50%; 648 nhân viên nhận lương từ 50%- dưới 100%.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban VH-XH, HĐND TPHCM nhận định, đây là những nhân viên gắn bó rất sát với các cơ sở giáo dục nhưng lại chịu tác động mạnh mẽ do dịch COVID-19. Ảnh hưởng này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho nhân viên, khó có thể lo cho gia đình. Đồng thời đề nghị ngành giáo dục có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ đội ngũ này. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19  nên các trường khó có nguồn thu, kinh phí, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ, chi trả cho đội ngũ nhân viên. Thời gian qua, công đoàn ngành GD-ĐT TPHCM đã hỗ trợ 2,8 tỷ cho hơn 1.000 nhân viên chịu ảnh hưởng của dịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Minh thông tin, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành các văn bản chuyển trạng thái dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Thời gian đầu việc chuyển trạng thái này gặp nhiều khó khăn, trước hết do tâm thế chuyển đổi của giáo viên, phụ huynh, học sinh, chưa thể bắt nhịp kịp với yêu cầu thay đổi. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc dạy học trực tuyến đã dần đi vào ổn định. Chủ trương ban đầu của ngành khi triển khai daỵ học trực tuyến chỉ thực hiện các nội dung cơ bản, không dạy học 2 buổi/ ngày, giảm áp lực cho cả thầy và trò.

"Cả thành phố hiện nay còn rất ít trường hợp học sinh thiếu thiết bị học tập. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được được ngành giáo dục thành phố phủ sóng 21 quận huyện và TP. Thủ Đức. Ngoài ra, từ phía từng trường cũng nỗ lực chăm lo phương tiện học tập cho học sinh. Học sinh chưa tham gia học tập tực tuyến đa phần là đối tượng học sinh tham gia học tạm tại quê; học sinh khuyết tật, hoà nhập, các em sẽ  tham gia học tập bằng phiếu học tập". 

Về lộ trình dạy học sắp tới, ông Minh cho hay, căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở GD-ĐT TPHCM đã tham mưu mở cửa trường học theo cấp độ dịch, từ cấp độ 1 - cấp độ 4. Thành phố đang triển khai tiêm vắc xin cho học sinh. Các cơ sở trường học trưng dụng phòng chống dịch cũng sẽ được hoàn trả bàn giao trong tháng 11 này. Lộ trình mở cửa trường học sẽ thay đổi dần, theo hướng ưu tiên một số cấp học như 1,2,6,9 và 12. Riêng với trẻ mầm non, Sở cũng tham mưu thêm việc cho trẻ được đến trường, nhất là các trường tư thục, dân lập, tạo điều kiện cho phụ huynh.

Ông Hồ Tấn Minh đề xuất thành phố tiếp tục có kế hoạch tiêm cho trẻ ở các độ tuổi còn lại, triển khai tập huấn xử lý khi có sự cố xảy ra trong việc mở cửa trường học, nhất là đối với bậc mầm non để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, ông Minh cho biết dù dạy và học trực tuyến đã và đang triển khai song về chính sách dạy học trực tuyến Bộ GD-ĐT mới chỉ ban hành Thông tư 09, còn chế độ cho giáo viên, trang thiết bị thì chưa có. Ngành giáo dục, thầy cô đều phải tự mày mò, gây khó khăn cho ngành, cho thầy cô. Nhận định dạy và học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời mà về lâu dài sẽ là giải pháp bổ trợ, ổn định, ông Minh kiến nghị, thành phố hỗ trợ thêm cơ chế, chế độ chính sách để nâng cao công nghệ, đáp ứng đòi hỏi, sự thích nghi dạy và học, giúp ngành giáo dục có chế độ pháp lý thực hiện một cách bài bản. Và ông Minh cũng đề nghị, thành phố hỗ trợ cơ chế, chính sách để nâng cao công nghệ, đáp ứng đòi hỏi, sự thích nghi dạy và học.

Én Bông 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI