Mua đất 15 năm vẫn phải ở trọ
Trong đơn gửi đến báo Phụ Nữ, nhiều người mua đất phản ánh, khoảng năm 2002, DNTN Anh Toàn rầm rộ rao bán dự án khu nhà ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn với diện tích gần 39.000 m2. Lúc này, nhân viên công ty cho biết, dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý. Đồng thời hứa hẹn, khách hàng mua nền trong thời gian không quá 12 tháng sau khi ký hợp đồng, trả đủ tiền sẽ được cấp giấy chủ quyền.
Tin tưởng, nhiều người ký hợp đồng, đóng tiền cho chủ đầu tư. Sau hơn một năm, hạ tầng dự án cơ bản hoàn thành. Nhiều người liền đóng đủ 100% giá trị nền đất, nhưng chờ mãi chủ đầu tư không giao nền. Khi họ khiếu nại, chủ đầu tư cho biết đang vướng một số vấn đề pháp lý. Người mua đất chờ hết năm này sang năm khác, tình hình vẫn không thay đổi. Khách hàng khiếu nại, chỉ nhận được những lời hứa hẹn.
|
Khách hàng bức xúc viết đơn tố cáo chủ đầu tư |
“Để có tiền mua nền đất gần 200 triệu đồng tôi phải vay thêm ngân hàng gần 100 triệu đồng. Vợ chồng tôi làm công nhân, tổng thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, còn nuôi hai đứa con, nên đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Trong khi có đất nhưng không thể cất nhà ở, hàng tháng còn phải trả ba triệu đồng tiền nhà trọ”, chị Nguyễn Thị Hồng (một khách hàng mua đất) than.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Dung bức xúc: “Tôi bán nhà được gần 800 triệu đồng, mua bốn nền đất, dự định chia cho bốn đứa con ra riêng. Thế nhưng, nhà bán xong, đất lại không thể xây nhà. Gia đình tôi trở thành… vô gia cư”.
Trong khi đó, quá bức xúc nhu cầu nhà ở, nhiều người đã liều vào dự án “xí” đất, xây nhà trái phép. “Hàng ngày chúng tôi phải sống trong phập phồng không biết bị chính quyền cưỡng chế giải tỏa lúc nào”, một nạn nhân lo lắng.
Điều đáng nói, theo các khách hàng, lợi dụng nhu cầu cần nhà ở của người dân, vừa qua, DNTN Anh Toàn yêu cầu mỗi khách hàng đóng thêm 30% giá trị nền đất hoặc “cắt” 30% diện tích nền đất cho doanh nghiệp này với lý do doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Đồng thời, DNTN Anh Toàn còn “dụ”: số tiền trên sẽ dùng làm chi phí giúp chủ đầu tư triển khai lại dự án. Một số khách hàng không đồng ý, nhưng một số khác do quá cần nhà ở đã đành phải đóng thêm tiền hoặc “cắt” đất cho chủ đầu tư. Thế nhưng, sau khi “hiến” đất cho chủ đầu tư, đến nay dự án vẫn “án binh bất động”.
Lừa đảo?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án trên được hình thành vào khoảng năm 2002 từ năm cá nhân gồm: ông Nguyễn Hữu Lạc, Lại Đình Bắc, Nguyễn Xuân Triển, Nguyễn Văn Miện và Nguyễn Văn Lộc. Trước đó, năm cá nhân này đã mua gom được khoảng 4 hecta đất nông nghiệp tại ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn rồi chia lô, bán nền. Tuy nhiên, sau đó, UBND TP.HCM có chủ trương cấm cá nhân phân lô bán nền, nên năm người này đã mượn pháp nhân DNTN Anh Toàn do ông Trần Quang Thành làm chủ, đứng ra ký hợp đồng bán đất với mức giá khoảng 1,6 triệu đồng/m2. Doanh nghiệp này đã bán được 146 nền, thu về khoảng 17 tỷ đồng.
|
Dự khu nhà ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn sau 15 năm bán đất, khách hàng vẫn chưa thể xây dựng nhà ở |
Thế nhưng, thời điểm doanh nghiệp này bán nền đất cho khách hàng, dự án chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đến năm 2009, UBND TP mới có văn bản chấp thuận cho DNTN Anh Toàn liên hệ các cơ quan chức năng làm thủ tục giao đất. Nhưng sau đó, đơn vị này vẫn không thực hiện các thủ tục cần thiết.
Trong khi đó, đến nay pháp nhân DNTN Anh Toàn đã chuyển qua rất nhiều đời chủ. Bên cạnh đó, toàn bộ sổ đỏ của khu đất này đã bị chủ cũ của DNTN Anh Toàn là ông Trần Quang Thành ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Cường cầm cố cho ông Nguyễn Đắc Thích vay 15 tỷ đồng. Sau đó ông Cường không có tiền trả nên ông Thích khởi kiện ông Cường ra tòa và tố cáo đến Công an TP.HCM.
Chưa hết, theo quy hoạch 1/2000 vừa được các cơ quan chức năng phê duyệt gần đây cho thấy, toàn bộ diện tích đất của dự án nằm trong khu vực công trình giáo dục, cây xanh, đường giao thông. Chỉ một phần nhỏ thuộc quy hoạch đất ở. Điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn khách hàng mua nền đất dự án này đang đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trương, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương, vụ việc cho thấy, chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc chủ đầu tư chưa được giao đất đã bán, rõ ràng có dấu hiệu huy động vốn trái pháp luật. Sau đó, chủ doanh nghiệp lại ủy quyền cho người khác để lấy sổ đỏ cầm cố vay tiền, trong khi đất đã bán cho khách hàng là có dấu hiệu huy động vốn hai lần, trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo luật sư Trương, trong vụ việc này còn có lỗi của chính quyền địa phương trong việc quản lý địa bàn. Theo quy định, đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng trong trường hợp này, tuy chưa được giao đất, doanh nghiệp vẫn vô tư san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Phan Trí - Xuân Hồng