Gần 15 triệu trẻ em không được tiêm các loại vắc-xin thiết yếu

15/07/2024 - 21:43

PNO - Liên hợp quốc cảnh báo, chiến tranh là nguyên nhân chính khiến các chương trình tiêm chủng quốc tế bị đình trệ, ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên toàn cầu.

Yemen, quốc gia bị tàn phá bởi nội chiến, có đến gần 600.000 trẻ em chưa được tiêm vắc-xin — Ảnh: Getty Images
Yemen, quốc gia bị tàn phá bởi nội chiến, có đến gần 600.000 trẻ em chưa được tiêm vắc-xin — Ảnh: Getty Images

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dữ liệu cho thấy, hơn một nửa số trẻ em sống ở các quốc gia có chiến tranh, hoặc khủng hoảng nhân đạo bị cản trở nỗ lực tiêm chủng, khiến khoảng 14,5 triệu trẻ em chưa được tiêm liều vắc-xin nào, theo báo The Guardian đưa tin ngày 15/7.

WHO cho biết, cuộc nội chiến ở Sudan đã khiến số lượng trẻ em chưa được tiêm vắc-xin tăng từ khoảng 110.000 trẻ trong năm 2021 lên khoảng 701.000 trẻ trong năm 2023. Yemen hiện có 580.000 trẻ em chưa được tiêm vắc-xin, tăng từ 424.000 trẻ cách đây 3 năm.

Bên cạnh số liệu báo động là gần 15 triệu trẻ em “không được tiêm chủng liều vắc-xin thiết yếu nào” vào năm 2023, còn có 6,5 triệu trẻ em “được tiêm chủng nhưng không đủ liều”, đều được quan chức của UNICEF và WHO báo cáo trong ngày 15/7. Họ cảnh báo rằng số liệu của cả 2 nhóm đều tăng so với năm 2022.

Tiến sĩ Katherine O'Brien, Giám đốc bộ phận tiêm chủng và vắc-xin của WHO, cho biết, hơn một nửa số trẻ em trong nhóm không được tiêm vắc-xin sống ở 10 quốc gia “hoặc có tỷ lệ sinh lớn, hoặc hệ thống y tế yếu kém hoặc cả 2”, gồm Nigeria, Ấn Độ, Cộng hòa Dân chủ Congo và Indonesia, riêng Sudan, Yemen và Afghanistan đã gia nhập danh sách trong năm 2023.

Trường An (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI