Gần 12.000 người thiệt mạng vì sốt rét mỗi tuần

01/12/2023 - 10:30

PNO - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khủng hoảng khí hậu đặt ra mối đe dọa lớn đối với cuộc chiến chống bệnh sốt rét. Các bằng chứng cho thấy hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ tăng cao đã dẫn đến số ca mắc bệnh tăng đột biến.

 

Pakistan ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt sau lũ lụt.
Pakistan ghi nhận số ca mắc sốt rét tăng vọt sau lũ lụt

Muỗi, vật mang mầm bệnh, phát triển mạnh trong điều kiện ấm áp, ẩm ướt ngày càng gia tăng do tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Khí hậu thay đổi đặt ra nguy cơ đáng kể cho tiến trình chống lại bệnh sốt rét, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương. Các hành động khẩn cấp nhằm làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu đang cần thiết hơn bao giờ hết".

WHO cho biết Pakistan đã chứng kiến ​​số ca mắc sốt rét tăng gấp 5 lần sau lũ lụt nghiêm trọng vào năm 2022. Cụ thể, từ 500.000 trường hợp mắc bệnh được báo cáo vào năm 2021 tăng vọt lên 2,6 triệu vào năm 2022. Nước đọng trở thành nơi sinh sản lý tưởng của muỗi.

Peter Sands, Giám đốc điều hành của Quỹ toàn cầu chống bệnh AIDS, bệnh lao và sốt rét, cho biết: “Tôi cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân đang làm thay đổi khả năng kiểm soát bệnh sốt rét theo những cách mà chúng ta có thể thấy đang xảy ra, nhưng chúng ta vẫn chưa biết đầy đủ mức độ ảnh hưởng của chúng sâu rộng đến đâu".

Báo cáo cho biết số ca mắc bệnh sốt rét toàn cầu vào năm 2022 vẫn cao hơn đáng kể so với trước đại dịch COVID-19. Năm 2022 có 249 triệu ca mắc bệnh so với 233 triệu ca của năm 2019. Số ca tử vong cũng tăng từ 576.000 năm 2019 lên 608.000 vào năm ngoái.

Điều này cũng cho thấy gần 12.000 người thiệt mạng mỗi tuần, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh và tử vong đều ở châu Phi.

Báo cáo nhấn mạnh các mối đe dọa khác đối với việc loại trừ bệnh sốt rét, bao gồm tình trạng kháng thuốc diệt côn trùng ngày càng tăng và muỗi mang mầm bệnh Anopheles stephensi, đã lan rộng ra ngoài các vùng thường xuyên bùng phát dịch ở châu Á và châu Phi.

Thu Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI