Gần 1000 phụ huynh không cho con tới trường: Giáo viên vẫn quyết đứng lớp

06/09/2016 - 12:01

PNO - Trong buổi lễ khai giảng, nhiều em học sinh ở xã Kỳ Hà thèm thuồng đứng bên ngoài muốn được vào dự cùng thầy cô và các bạn nhưng bị phụ huynh cản lại.

Có kẻ đứng sau kích động?

Sáng ngày 6/9, trao đổi với Phụ nữ TP. HCM, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Hà (Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, trong không khí học sinh cả nước nô nức đến trường khai giảng năm học mới sáng ngày 5/9 thì ở 3 cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại xã Kỳ Hà đã xảy ra sự việc đáng buồn khi gần 1.000 em học sinh không được đến trường vì bị phụ huynh ngăn cản.

Theo ông Tú, năm học 2016 - 2017 trên địa bàn xã Kỳ Hà bắt đầu từ ngày 25/8. Nhưng từ đó đến nay chưa hôm nào học sinh đến trường đông đủ, khung cảnh lác đác, trơ trọi diễn ra ở hầu hết các lớp. Nhiều nhất thuộc về trường Tiểu học xã Kỳ Hà khi số em học sinh đến trường chưa được 20% (132/694 học sinh), tiếp đến là trường mầm non 46% (140/330 học sinh), còn trường trung học cơ sở là 285/530 học sinh.

Giải thích về việc không cho con tới trường, một người phụ nữ ở xóm 9, xã Kỳ Hà chia sẻ: "Tôi có 4 người con đang tuổi ăn học, giờ kinh tế khó khăn các cháu phải nghỉ ở nhà". Một phụ huynh khác cho hay trước mắt việc chuyển đổi nghề nghiệp khó khăn. Hiện tại hải sản đánh bắt về không ai mua, muối sản xuất ra không bán được nên việc trang trải chi phí học tập cho con "rất nan giải".

Gan 1000 phu huynh khong cho con toi truong: Giao vien van quyet dung lop
Nhiều trẻ em ở xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh không được bố mẹ cho tới trường để phản đối việc hỗ trợ sau sự cố môi trường biển (Ảnh VNN).

Trước thông tin dư luận cho rằng, nguyên nhân có sự việc này là do người dân bức xúc trước việc chính quyền địa phương chậm trễ hỗ trợ người dân, xác định thiệt hại chưa thỏa đáng, ông Tú cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến người dân, thống kê thiệt hại theo biểu mẫu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới ban hành nhưng chỉ có người dân ở 2 thôn thực hiện còn ở 3 thôn khác không chịu thực hiện. Cũng chưa rõ khi nào người dân được nhận hỗ trợ".

Ông Tú cho hay: "Sau sự việc này chúng tôi nghi ngờ là có kẻ đứng sau vận động, xúi giục người dân không cho con em tới trường để phản đối. Trước hiện tượng này, chính quyền địa phương đã cử cán bộ tới tận nhà để vận động họ tiếp tục đưa con tới trường".

Hình ảnh rớt nước mắt

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù kinh tế gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn sau sự cố môi trường, bị bố mẹ ngăn cản tới trường nhưng các em học sinh đều hiếu học, rất muốn được đến lớp vui đùa cùng các bạn. "Sáng ngày 5/9, nhiều em học sinh mặc quần chỉnh tề đứng trước cổng trường, muốn được vào trong cùng bạn bè, thầy cô làm lễ khai giảng nhưng bị phụ huynh cản lại. Hình ảnh đó đã khiến chúng tôi rất buồn" - ông Tú thật thà kể.

Hiện tại, chính quyền xã Kỳ Hà yêu cầu các giáo viên vẫn đến trường như bình thường. Mặc dù, không có học sinh đến trường nhưng chỉ cần lớp có 1 học sinh học thì giáo viên cũng sẽ dậy đầy đủ giờ, bộ môn cho em học sinh đó. Ông Tú cho hay: "Lớp ít nhất ở xã bây giờ có từ 5 - 7 em đến học, chúng tôi đang vận động, hy vọng trong thời gian tới các em học sinh sẽ được bố mẹ cho đến lớp đầy đủ".

Chia sẻ thêm về tình trạng này, một giáo viên dạy học ở xã Kỳ Hà cho biết, việc các em học sinh không tới trường theo lịch trình khiến công tác giảng dạy và tâm lý giáo viên bị xáo trộn. Tuy nhiên, các giáo viên vẫn đến trường như bình thường vì ngoài công tác dạy học thì còn rất nhiều việc khác cần phải làm lúc đầu năm học.

"Khi đến nhà phụ huynh vận động, hầu hết họ đều mong muốn con em mình được đi học, các em học sinh còn khóc đòi bố mẹ cho đến lớp. Có thể trong vòng 1 tuần nữa, tình trạng này sẽ được giải quyết" -  người giáo viên này cho hay.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI