Gần 100 LĐ Việt từ Belarus kêu cứu: Cay đắng những ngày nô lệ trên đất khách

22/08/2014 - 11:52

PNO - PN - Cầm cố nhà cửa, ruộng vườn, vay mượn họ hàng, bè bạn gần 100 triệu đồng để được đi xuất khẩu lao động với hy vọng đổi đời, ngờ đâu, khi sang làm việc bị nợ lương kéo dài, tiền ăn không có khiến cả trăm lao động...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gàn 100 LD  Viet tu Belarus keu cúu: Cay dang nhung ngay no le tren dát khách

Các lao động về nước trình bày hồ sơ vụ việc

 Trở về từ “thiên đường” kinh hoàng

Tối 20/8, vừa đặt chân tới sân bay Tân Sơn Nhất, chín lao động (LĐ) trở về từ Belarus đã gọi điện cầu cứu đến Báo Phụ Nữ TP.HCM. Nhóm LĐ này cho biết, họ là chín trong gần 100 LĐ do hai Công ty (CT) cổ phần IDC và CT Cung ứng LĐ quốc tế và dịch vụ (INMASCO) ký hợp đồng đi làm việc thời hạn ba năm tại Belarus với mức lương 500 USD/tháng. Hai CT này đưa người LĐ sang ba đợt (đợt 1 vào tháng 6/2013, đợt 2 tháng 9/2013 và đợt 3 tháng 1/2014). Tuy nhiên, khi sang đến nước bạn, người LĐ đã cay đắng nhận ra sự thật phũ phàng…

Anh Nguyễn Văn Diệu (SN 1984) quê Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh chua xót nói: "Gia đình tôi có năm anh em, hai vợ chồng quanh năm làm ruộng không đủ để trang trải cho hai đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi lớn. Đang lúc bế tắc, tôi được người bà con mách đi Belarus làm thợ sơn với mức lương 500 USD/tháng, tuần làm năm ngày, một ngày làm tám tiếng, hợp đồng ba năm. Hợp đồng này ký với INMASCO số 33 Trung Kính - Cầu Giấy - Hà Nội. Tổng chi phí đi là 3.500 USD, để có số tiền này, vợ chồng tôi đã thế chấp nhà cho ngân hàng với lãi suất 12%/năm”.

Theo anh Diệu, trước khi sang Belarus, anh không được đào tạo tiếng mà chỉ học một tháng về nghề xây dựng, sau đó xuất cảnh. Ba tháng đầu, anh và nhiều LĐ khác không được làm công việc tô trát nhà như hợp đồng đã ký mà phải đi… dọn rác, làm vệ sinh công trường. Một ngày chủ cho ăn một bữa trưa, bữa sáng và tối phải tự túc. “Xuất cảnh tháng 1/2014, trong hợp đồng CT ghi rõ lương 500 USD/tháng, nhưng từ tháng 1-3/2014, tôi chỉ nhận được 350 USD/tháng. Tháng 4, 5, 6/2014, bảng lương các tháng lần lượt là 490 USD, 770 USD, 720 USD nhưng chủ cứ khất và chưa trả cho tôi”, anh Diệu bức xúc.

Không chỉ công nhân mới mà cả LĐ cũ tại đây cũng bị nợ lương. Anh Võ Huy Sóng (24 tuổi, Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: “Tháng 9/2013, tôi ký với INMASCO hợp đồng như anh Diệu. Tháng 10, 11, 12/2013 và tháng 1, 2/2014 CT chỉ trả tôi 300 USD/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5/2014 thì không thấy trả lương. Hiện họ đang thiếu tôi gần 1.000 USD lương tháng 5 và tháng 6/2014”.

Anh Lê Quang Vinh (26 tuổi, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bức xúc: “Tôi cùng làm công trình với anh Diệu, anh Sóng nhưng ký hợp đồng với CT cổ phần IDC (chi nhánh CT cổ phần IDC tại Hà Nội). Hợp đồng ký ngày 31/8/2013 với công việc là thợ xây dựng, mức lương tối thiểu 500 USD/tháng. Tháng 9,10,11,12/2013 và 1, 2/2014 CT chỉ trả 280-380 USD/tháng, giờ vẫn còn nợ tôi lương tháng 5, 6/2014”.

Tháng 6/2013, anh Phạm Văn Hải (SN 1994) quê Quảng Bình cũng ký hợp đồng LĐ với CT cổ phần IDC thời hạn và mức lương giống anh Sóng nhưng cũng cùng chung cảnh ngộ với các LĐ trên vì CT nợ lương ba tháng, và các tháng trước đó, CT cũng trả lương thấp hơn so với hợp đồng. “Bỏ ra cả 100 triệu đồng chi phí, nhưng đi gần một năm nay tôi mới gửi về nhà được có 600 USD. Giờ sự việc thế này, không biết lấy gì để trả nợ”, anh Hải than.

Gàn 100 LD  Viet tu Belarus keu cúu: Cay dang nhung ngay no le tren dát khách

Phải đi ăn mày và bị “xã hội đen” uy hiếp

Nhóm LĐ kể trong nước mắt: Sang bên đó, chủ nhồi nhét gần 100 LĐ vào bốn căn phòng, mỗi phòng chỉ rộng 14m2. Từ tháng 4/2014, do chủ không thanh toán tiền lương nên anh em phải dùng tiền tích trữ dành dụm, nhưng được vài ngày rồi cũng hết.

“Chúng tôi yêu cầu CT thanh toán lương để mọi người có cái ăn, có sức làm việc, nhưng thay vì đáp ứng nguyện vọng chính đáng của chúng tôi, phía CT cho xã hội đen đến bắt mọi người đi làm. Bốn thanh niên lực lưỡng, xăm trổ đầy mình, hùng hổ xách súng xông vào nhà bắt mọi người phải lập tức ra công trường. Chúng tôi sợ quá nên buộc phải đi làm. Không chỉ đói khổ, chúng tôi còn sống trong cảnh bệnh tật mà chẳng biết kêu ai. Vào tháng 4/2014, một công nhân (SN 1976 quê Hà Tĩnh) bị bệnh lúc 2g sáng, những LĐ cùng phòng lập tức gọi điện cho CT nhưng không được. Sau đó, họ phải nhờ người dân địa phương gọi cấp cứu, nhưng vì quá trễ nên anh ấy đã bỏ mạng nơi đất khách”, anh Diệu nhớ lại.

Theo anh Diệu và nhóm LĐ, khoảng giữa tháng 7/2014, vì không có lương liên tiếp trong nhiều tháng nên nhóm LĐ đã cầu cứu đến Đại sứ quán nhưng họ trả lời rằng sẽ không giúp được gì. Không còn tiền, không có cái ăn, gần 100 LĐ phải chia từng nhóm nhỏ đi đến chợ của người Việt để xin xương gà, xương vịt và rau củ, nhóm khác đi tìm cây cỏ về nấu rồi chia nhau ăn qua ngày.

Gàn 100 LD  Viet tu Belarus keu cúu: Cay dang nhung ngay no le tren dát khách

Các lao động Việt Nam đang vạ vật ăn mày để sống qua ngày ở Belarus

“Thậm chí đầu tháng 8/2014, khi CT bên Việt Nam sang Belarus, vụ việc cũng không giải quyết được. Sau đó, CT bên Việt Nam liền chuyển phương án yêu cầu chúng tôi hoặc tiếp tục làm việc ở CT cũ, hoặc chuyển sang một CT khác. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý vì họ đưa ra hợp đồng LĐ với CT khác chỉ có chữ nước ngoài mà không có phần tiếng Việt và lương các tháng 5, 6, 7/2014 chúng tôi vẫn không được nhận. Chúng tôi yêu cầu CT bên Việt Nam phải thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Lúc này CT bên Việt Nam “cứu đói”, mỗi người 900g gạo (chưa đủ 1kg gạo/người) và sáu quả trứng”, anh Diệu kể.

Theo anh Diệu, trong số các công nhân Việt Nam thì có anh và tám LĐ đứng ra đấu tranh đòi quyền lợi cho mọi người. “Sau đó, tôi cùng tám LĐ này bị công an địa phương đưa về trụ sở làm việc. Tại đây họ đưa ra một biên bản toàn chữ nước ngoài (không rõ nội dung) buộc bọn tôi ký vào nhưng chúng tôi không ký. Sau đó, họ chuyển chúng tôi về một trụ sở khác, tại đây chúng tôi lần lượt bị bốn-năm người khống chế lấy dấu vân tay in lên biên bản. Họ tạm giữ tại đồn này từ ngày 14 đến 18/8. Sau đó chúng tôi được cho về nước, tiền vé thì CT dịch vụ cho biết sau này sẽ trừ vào tiền lương. Tuy nhiên, không hiểu sao, thay vì cho về sân bay Nội Bài để tiện đường về nhà thì họ lại cho về TP.HCM. Tối 20/8, khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi gặp được đại diện CT và được tạm ứng cho mỗi người một triệu đồng để bắt xe về nhà”.

Chúng tôi liên lạc với anh L.V.K. (quê Hà Tĩnh) đang còn ở tại Belarus, anh K. cho biết, hiện vẫn còn gần 90 LĐ ở Belarus. “Tôi cũng ký hợp đồng LĐ với CT INMASCO như các LĐ khác. CT cũng đang nợ tôi ba tháng lương. Hiện tất cả số LĐ bên này đang chờ CT bố trí việc để làm. Những LĐ khác họ về chứ tôi mong muốn CT sắp xếp cho một công việc khác. Giờ nhà tôi đang cầm cố ngân hàng, tôi về không có tiền trả nợ thì chỉ có ra đường ở”, anh K. chua xót nói.

Q. Mai - T. Đạt

Đem con bỏ chợ, các công ty phải bồi thường thiệt hại cho người LĐ

PN - Để xác minh thông tin về các LĐ trở về từ Belarus và trách nhiệm của các CT cung ứng LĐ trong vụ việc này, chiều cùng ngày, chúng tôi có mặt tại trụ sở CT INMASCO (33 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội). Trao đổi về vụ việc, bà Nguyễn Thị Thanh Loan (Phó phòng Tổ chức - hành chính, CT INMASCO) tỏ ra bất ngờ.

Theo bà Loan, cho tới thời điểm này, Phòng Tổ chức - hành chính của CT chưa được biết thông tin về việc các LĐ ở Belarus trở về. Còn ông Đỗ Hoàng Lê - Giám đốc CT hiện đang đi công tác. “Xin ghi nhận lại thông tin về các LĐ trở về, và các thông tin LĐ bị chậm lương, bỏ đói để báo cáo lãnh đạo CT và sẽ trả lời cụ thể về sự việc sau”, bà Loan nói.

Tại trụ sở Chi nhánh CT Cổ phần IDC tại Hà Nội (P.506, tòa nhà Cienco1, Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội), bà Nguyễn Thu Trang - Phòng Đối ngoại, phụ trách thị trường xuất khẩu LĐ thừa nhận: CT đối tác tại Belarus trực tiếp sử dụng LĐ của CT cổ phần IDC cung ứng đã chậm chi trả lương cho người LĐ từ tháng Tư năm nay. Phía CT sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người LĐ đến cùng.

Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu thực tế nội dung công việc làm hoặc những nội dung khác ở nước ngoài không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng mà CT dịch vụ ký kết với người LĐ thì đây là lỗi của CT dịch vụ và CT phải bồi thường cho người LĐ về những thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Khi quyền lợi của người LĐ ở nước ngoài bị xâm phạm, nếu còn ở nước ngoài thì LĐ liên hệ Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để được giúp đỡ pháp lý; nhờ người nhà tại Việt Nam liên hệ Cục Quản lý LĐ ngoài nước để Cục trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xác minh, bảo vệ hoặc đề xuất bảo lãnh người LĐ về nước. Đối với người LĐ đã về nước thì gửi đơn đến phòng LĐ-TB-XH địa phương nơi trụ sở CT dịch vụ để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người LĐ. Nếu hòa giải không thành thì có quyền khởi kiện đến tòa án giải quyết bồi thường thiệt hại.

Lưu Ký

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI