Gần 100.000 người rời bỏ xe buýt mỗi ngày: Cần lắm những cuộc vi hành

12/01/2020 - 19:59

PNO - Xe buýt được kỳ vọng, được ưu ái, nhưng khách vẫn quay lưng. Nghĩa là chắc chắn phải có điều gì đó sai và cần được sửa chữa.

Báo cáo đầu năm từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM thể hiện con số rất đáng chú ý: trong năm qua, đã có gần 35 triệu lượt hành khách bỏ rơi xe buýt - phương tiện vận tải hành khách công cộng luôn được xem là chủ lực trong việc giải bài toán kẹt xe, ô nhiễm môi trường cũng như luôn được nhắc đến trong nhiều cuộc họp, trong các dự án, kế hoạch về giao thông đô thị.

35 triệu lượt hành khách một năm, nghĩa là mỗi ngày, gần 100.000 hành khách đã bỏ xe buýt, dù thành phố đã dành rất nhiều tâm sức và kinh phí để phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Xe buýt có trạm dừng riêng, được phép đi vào một số tuyến đường mà xe khác bị cấm, được phép (kèm một số điều kiện cụ thể) chạy vào làn xe máy… Thậm chí, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng từng có đề xuất thí điểm dành riêng làn đường cho xe buýt. Xe buýt được trợ giá đến mức không có phương tiện giao thông đường bộ nào có giá vé rẻ hơn.

Vậy mà khách vẫn bỏ xe buýt.

Nghĩa là chắc chắn phải có điều gì đó sai và cần được sửa chữa.

"Cuộc chiến" giữa xe buýt và xe máy vào những giờ cao điểm

Lợi ích của xe buýt, sau nhiều năm được chính quyền thành phố tuyên truyền, nay ai cũng đã biết. Nhưng từ những lợi ích lý thuyết đến thực tế khách bỏ xe là một khoảng hổng cần được nghiên cứu và xử lý, để hoặc xe buýt thực hiện được vai trò của nó, xứng đáng với kỳ vọng của chính quyền hoặc chúng nên được chuyển đổi sang một hình thức khác hữu hiệu hơn.

So với một thời chưa xa - khi những chiếc xe lam, xe buýt nho nhỏ còn lăn bánh khắp các nẻo đường thì xe buýt hiện nay rõ ràng lớn hơn, hiện đại hơn, tiện nghi hơn. Song cũng chính vì kích thước “khổng lồ” của chúng, xe buýt ngày nay chiếm diện tích quá lớn trên những con đường chưa phát triển tương xứng. Mỗi lúc kẹt xe, xe buýt tiến vào làn xe máy, giành một khoảng rộng mặt đường, xe máy len vào làn ô tô, leo lên vỉa hè và… tất cả nghẹt cứng, cùng đứng nhìn nhau hoặc cố lắc lư, nhúc nhích từng centimét.

Xin mời lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TPHCM lên xe buýt đi vài chuyến vào giờ cao điểm để biết tốc độ xe di chuyển ra sao, các tài xế phải luồn lách thế nào để không bị phạt vì trễ chuyến. Sau đó, hãy tiếp tục vi hành trên xe vào giờ thấp điểm để biết những khi vắng khách, một chiếc xe to chỉ chở vài người sẽ hao tốn nhiên liệu ra sao, để biết số tiền bù lỗ nhằm duy trì hệ thống xe buýt lớn đến mức nào.

Vé xe buýt rẻ. Điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng một khi người dân sẵn sàng chi trả cao hơn để đi xe ôm hay taxi (bất kể truyền thống hay công nghệ), nghĩa là câu chuyện giá đã không còn nằm trong nhóm ưu tiên hàng đầu. Nếu biết ngày nay có rất nhiều hành khách nhất định ở yên một chỗ chờ xe đến đón thì bài toán truyền thông cho xe công cộng nên có phần lưu ý khuyến khích đi bộ, vừa để rèn luyện sức khỏe. Nếu đã khuyến khích hành khách đi bộ từ trường học, công sở ra trạm xe, ta sẽ cần chú ý đến chất lượng không khí, cây xanh bóng mát, vỉa hè thông thoáng… Muốn dành làn đường riêng cho xe buýt, ta cần quyết liệt trong xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là lỗi lấn làn, như đã rất mạnh tay thời gian qua đối với các lái xe có nồng độ cồn.

Đã có bao nhiêu lãnh đạo ngành thực sự đi xe buýt mỗi ngày để tự mình trải nghiệm chất lượng dịch vụ của chính ngành mình đang quản lý, để tìm cách điều chỉnh cho tốt hơn, dựa trên thực tế và số liệu nghiên cứu bài bản?

Đã có những hành khách phản ánh về thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên xe buýt. Các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức những buổi tập huấn, những khóa học nghiệp vụ (kể cả trong tài liệu học lái xe cũng có bài về Đạo đức người lái xe), nhưng hiệu quả của những khóa học ấy ra sao để chúng không phải chỉ là học cho có chứng chỉ rồi quên?

Xin hãy lên xe và đi dọc ngang thành phố. Hãy chạy xe máy theo xe buýt để biết chúng xả khói thế nào hoặc chèn lấn xe nhỏ ra sao. Hãy nhìn những con đường và lắng nghe tiếng nói của hành khách, bởi suy cho cùng, vận tải hành khách công cộng cũng là một ngành kinh doanh, dù là ngành kinh doanh đặc biệt. Một khi đã kinh doanh thì chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chất lượng phục vụ, giá… luôn cần được tính toán để xe buýt có thể tự thân thu hút khách hàng chứ không chỉ thuần kêu gọi hay tìm cách hạn chế xe cá nhân. Cần biết rằng, trong tương quan với việc hành khách rời bỏ xe buýt là sự tăng trưởng của các hãng xe công nghệ.

Vì sao hành khách vẫn chọn xe công cộng, nhưng không chọn xe buýt? Xin mời vi hành để tìm lý do.

Thành Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • Trí Nguyễn 22-01-2020 09:55:20

    Những người cao tuổi càng cần và nên đi xe buýt nhưng mỗi khi lên - xuống xe thường khó khăn, không thể nhanh chân như các bạn trẻ, xe dừng chớp nhoáng, chưa kịp lên hoặc xuống xe đã chuyển bánh, tôi đã bị ngã vài lần ...không dám đi buýt nữa . Ấy là chưa kể từ nơi dừng xe đến nơi cần đến thường phải đi bộ khá úy, khá mệt mỏi ... Hiện tại, không phương tiện nào thuận tiện bằng xe máy, người cao tuổi có điều kiện thì dùng taxi . Nói thật, xe buýt cản trở giao thông do cồng kềnh, đường hẹp và gây ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng . Được trợ giá, không phải cạnh tranh thì đừng hy vọng nâng cao phong cách phục vụ. Kế hoạch xây dựng trong phòng máy lạnh, không thực tế thì chỉ là ảo tưởng...

  • vanthao 20-01-2020 23:23:17

    Tuyến số 01 ngay khúc ngã tư Trần Hưng Đạo giao với Nguyễn VănCcừ lâu lâu là e lại bị bỏ rơi 1 lần. Thấy ngoắc từ xa đến khi xe chạy lại gần tài xế xe nhìn vô phát chạy lun, có lần tài xế chạy chậm chậm lại tưởng dừng đón ai dè tăng ga đi lun. Không hiểu luôn ý. Cứ 1 ,2 tuần là bị bỏ rơi vài lần , ghét giờ toàn đón 152 về cũng chạy ngang đó.

  • Tran Huong 14-01-2020 19:44:10

    Đây là bài viết hay nhất, đúng nhất, phân tích đầy đủ nhất trong các bài viết về xe buýt từ trước đến giờ. Cảm ơn tác giả. Tuy nhiên ban lãnh đạo sở GTVT TPHCM có chịu vi hành và lắng nghe, sửa đổi hay không???

  • lan 14-01-2020 15:22:29

    Cũng 1 phần do mạng lưới xe chưa nhiều chưa tiện, nhưng cũng do 1 số tài xế và tiếp viên của xe nữa. Cụ thể xe buýt số 99 chạy qua ngã tư MK vào Tây Hòa, xe chạy bạt mạng, vượt đèn đỏ, cắt đầu chèn ép xe cũng chiều, lấn làn bấm còi inh ỏi mà không hiểu sao CSGT ngó lơ???? Trong khi xe 29 thì lại ngược lại, tôi thỉnh thoảng đi tuyến ấy, cả tài xế và tiếp viên rất thân thiện và cởi mở.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI