Trẻ em tham gia các chương trình thực tế, các cuộc thi tìm kiếm tài năng là đề tài không mới. Cách đây một năm, dư luận đã không ngừng chỉ trích các gameshow nhí bóc lột sức lực, tài năng của trẻ để thu về những món hời quảng cáo. Chính ca – nhạc sĩ Thanh Bùi, giám khảo mùa đầu tiên đã quá chán ngán khi tuyên bố những chương trình gameshow nhí "không vì mục đích nghệ thuật mà vì kinh doanh".
Nhưng, điều đó không làm số lượng gameshow nhí được điều tiết, mà ngược lại, chương trình “sinh sôi nảy nở” như nấm sau mưa. Cho đến hiện tại, bật kênh nào cũng thấy trẻ em thi thố với nhau. Thi chán chê, trẻ em lại quay sang làm huấn luyện viên cho các nghệ sĩ đã 20, 30 năm tuổi nghề.
Thi gì mà lắm thế?
Hiện tại trên truyền hình, khán giả có thể xem các chương trình có trẻ em tham gia suốt các ngày thay vì vào mỗi cuối tuần như trước. Khung giờ phát sóng cũng đa dạng hơn. Chán xem trẻ em thi hát thì đã có trẻ em thi diễn hài, chán xem diễn hài thì có trẻ làm làm huấn luyện viên...
|
Nhiều gameshow nhí thành công ở nước ngoài nhưng chưa chắc sẽ thu hút tại Việt Nam vì sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều chương trình tìm kiếm tài năng nhí khác |
Ngoài "bội thực", sẽ không còn từ nào khác để diễn đạt về tình hình các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng nhí đang dày đặc hiện nay. Thần tượng âm nhạc nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Thần tượng tương lai, Sinh ra để tỏa sáng... thay nhau chiếm sóng truyền hình tất cả các ngày trong tuần.
|
Những cuộc thi cho trẻ em diễn ra quá nhiều |
Khán giả chuyển từ chán ngán đến lo lắng cho các thí sinh nhí khi tham gia ghi hình một chương trình dài hơi, rồi từ lo lắng chuyển sang hồ nghi về chất lượng các thí sinh khi có quá nhiều cuộc thi nở rộ cùng một lúc.
Nhưng, ai lo lắng cứ lo lắng, khi nào trẻ em còn là đối tượng kéo được khán giả ngồi trước màn hình ti vi, chừng đó gameshow nhí vẫn còn diễn ra. Thời gian tới Giọng hát Việt nhí, Thử tài siêu nhí, Người hùng tí hon... sẽ lên sóng khi các chương trình đang có trên ti vi như Tuyệt đỉnh song ca nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí... đi vào những tập cuối cùng.
|
Tính cạnh tranh, thi thố đang dần khiến những chương trình gần giống như một cuộc đua danh hiệu |
Trước đây, đa phần chương trình dành cho đối tượng trẻ em đều diễn ra vào dịp hè, nhưng trước sự nở rộ chương trình thực tế như hiện nay thì mọi thời điểm trong năm đều có những cuộc thi dành cho tài năng nhí. Trẻ em, vì thế cũng như người lớn, có thể "đua" quanh năm và mỗi cuộc đua đều phải gác lại một thời gian học hành nhất định.
“Thiếu niên đăng quang đại bất hạnh” còn thiếu nhi đăng quang thì sao?
Trên ti vi, bất kể là chương trình nào, trẻ em đều được ví là "những chiến binh", tài năng của trẻ đều được ca tận chân mây với những ngôn từ mỹ miều.
Chỉ cần 1 lần xuất hiện tại hậu trường các chương trình, bất kỳ ai cũng có thể thấy được sự mệt mỏi của thí sinh nhí. Hình ảnh bát nháo trong hậu trường cứ thế xuất hiện: đứa ngáp ngắn ngáp dài, đứa ăn vội đồ ăn của người thân mua, đứa ngồi ngủ ngon lành trên ghế…
|
Những ngày ghi hình kéo dài, những tiết mục có độ khó cao đang thử thách sức khoẻ, kỹ năng của các thí sinh nếu muốn giành chiến thắng chung cuộc |
Nhưng, gameshow nhí không chỉ là cuộc chiến của trẻ. Các bậc cha mẹ đều lấy lý do muốn con mình được cọ xát, trau dồi khả năng, thể hiện đam mê… để mang con đến gameshow, hết cuộc này đến cuộc khác. Tại đó, khi những đứa trẻ còn mải mê khoe nhau cái áo cái quần, khoe những địa điểm du lịch mình vừa đi... thì các bậc cha mẹ ngược lại, chăm chăm nhìn xem "con nhà kia" hôm nay tập gì, được ưu ái hay không, được mặc cái áo khoảng bao nhiều tiền... và con mình thua gì so với "con nhà người".
|
Những cuộc đổi đời nhanh chóng từ sau cuộc thi cũng khiến chương trình tìm kiếm tài năng thêm sức hút |
Thậm chí, nhiều gương mặt nhí cũng "chạy sô" không thua gì người lớn, hết chương trình này đến chương trình khác.
Cũng giọng ca nhí đó, vừa thi Giọng hát Việt nhí xong vài tháng sau đã thấy có mặt Gương mặt thân quen nhí; vừa thấy tham gia Người hùng tí hon lại thấy đi thi Vietnam Idol Kids... Không phải thí sinh chưa có danh hiệu, cả thí sinh từng là Á quân cũng tiếp tục tham gia chương trình khác.
Bảo Ngọc - cô bé được gọi là "Hoa hậu Tây Đô nhí", tuy chưa tới 10 tuổi nhưng đã có "thâm niên" gần chục chương trình, gameshow. Gần đây nhất, gương mặt nhí này vừa là đại sứ Liên hoan đờn ca tài tử vừa là MC chương trình Tuyệt đỉnh song ca nhí trong cùng một thời điểm.
|
Thành công nào cũng phải đánh đổi bằng nhiều thứ, các em ngoài được hát đúng theo đam mê, còn lại phải đánh đổi quá nhiều thứ khi tham gia một chương trình, nhất là sự hồn nhiên. |
Gameshow, dù là dành cho trẻ cũng không thể chệch ngoài công thức chung: gây tranh cãi thì mới thu hút. Thế là một đứa trẻ lại phải da diết với Đá trông chồng, Hòn vọng phu.. và "chiêm nghiệm" với Tự nguyện, Hạ trắng… Trẻ em cứ gồng mình mặc “chiếc áo quá rộng” rồi hát trơn tuột như không, vậy mà lời khen nhận về từ giám khảo thì không ít.
"Thiếu niên đăng quang đại bất hạnh", câu nói mang tính cảnh báo này không phải là vô cớ mà có. Thành công khi còn quá sớm khiến trẻ ỷ y vào khả năng của bản thân, thậm chí trẻ bị mắc “bệnh sao” cũng không phải hiếm.
|
Bảo Ngọc - "Hoa hậu Tây Đô nhí" đã có thâm niên gần chục gameshow |
|
Những giọt nước rơi khi trẻ đứng trong vòng loại, dù đứa trẻ nào cũng được NSX và gia đình cho biết đây chỉ là một cuộc chơi cọ xát. |
Một tiếng thở dài lại phải cất lên khi thời điểm vào hè là dịp một đợt gameshow nhí sắp sửa lên sóng. Lại những gương mặt ngây thơ, hồn nhiên cạnh tranh, thi thố với nhau; lại những lời khen có cánh sẽ được cất lên; lại những gương mặt khóc - cười khi đứng vào vòng loại và dù có xứng đáng giành quán quân thì người trụ lại cuối cùng cũng không tránh khỏi những lời nhận xét có phần cay độc…
Ngẫm thấy mà xót xa!
Diễm Mi