Cởi quần áo nhau bằng răng, liếm kem/ăn sushi trên cơ thể bạn chơi, diễn tả những tư thế “yêu” thích nhất, nhảy khiêu gợi (lap dance)… là những yêu cầu mà người chơi phải thực hiện trong game show Dare Pong (phát trên kênh Youtube của Công ty truyền thông Vibe - Production House Vibe Creative Agency).
Đầy cảnh phản cảm
Dare Pong là game show Việt hóa từ phiên bản Mỹ Fear Pong. Trong đó, người chơi sẽ ở hai phía của bàn bóng bàn, cố gắng ném bóng vào ly của đối thủ. Bảy chiếc ly sẽ có rượu kèm một yêu cầu và người chơi được chọn thực hiện yêu cầu hoặc uống rượu. Ba ly còn lại chỉ có rượu và người chơi phải uống. Ai hết ly trước (tức ít nhất phải uống ba ly rượu và thực hiện mọi thử thách) là người thua cuộc.
|
Thử thách cởi đồ rồi hôn nhau được những người trẻ thực hiện khá dễ dãi trong game show Dare Pong
|
Tư duy “phát sóng online, muốn làm gì cũng được” đã khiến nhiều kênh YouTube Việt ngày càng trở nên hổ lốn. Việc phim Người phán xử tiền truyện bị lên án vì quá nhiều yếu tố bạo lực, thoại thô tục gần đây cũng xuất phát từ suy nghĩ này
|
Dare Pong chỉ phát online và hiện đã được 7 tập (thời lượng từ 15-20 phút/tập). Tham gia tập đầu tiên là diễn viên - người mẫu Lâm Á Hân và “người lạ” Nhikolai Đinh. Những thử thách liên quan đến việc phải phô diễn cơ thể trước ống kính đều bị hai người chơi từ chối - chịu uống rượu phạt.
Chi tiết khiến cộng đồng mạng “nóng mặt” là việc Nhikolai Đinh đã “ăn gian” - hôn môi Lâm Á Hân ở thử thách “chạm mũi đối thủ trong 30 giây”. Ở những tập tiếp theo, sự “bạo dạn” của những người chơi đã khiến cho game show “nóng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Điển hình ở tập 6, với hai người chơi từng là người yêu: diễn viên tự do Yến Hana và Kin. Nhân vật nữ chấp nhận thử thách “để đối phương lột đồ của bạn bằng răng, chỉ chừa lại đồ lót”. Toàn bộ quá trình lột đồ diễn ra ngay trước ống kính và Yến Hana phải mặc đồ lót đến cuối chương trình.
Tập 7, hot girl Sơn Ca cũng để bạn chơi cởi áo, sau đó dùng bông tắm lau khắp cơ thể, không trừ chỗ nhạy cảm. Cặp này còn mô tả những tư thế “yêu” thích nhất với bạn diễn. Những cuộc đối thoại, câu hỏi giữa MC và những người chơi gần như chỉ xoay quanh chuyện giới tính, “quan hệ”. Rồi những yêu cầu liếm tai, hôn, ôm ấp nhau… (kể cả khi chỉ mặc đồ lót) đã khiến cho Dare Pong không khác gì phim cấp 3.
Việc chỉ phát trên mạng YouTube giúp Dare Pong thoát cửa kiểm duyệt. Tuy nhiên, điều đáng nói là đối tượng phục vụ của chương trình - cả người chơi lẫn khán giả đều là giới trẻ. Những bình luận của người xem phần lớn cũng chỉ nhắm vào cơ thể người nữ, dung tục hóa những thử thách của người chơi bằng những ngôn từ hết sức thô thiển.
Khái niệm bị đánh tráo
Rất nhiều ý kiến khán giả của Dare Pong cho rằng, chương trình như thế mới hiện đại, hội nhập tân tiến. Người khác bảo những ai phản ứng chương trình là tư duy cổ hủ, lạc hậu. Nhưng hội nhập, hiện đại không hề đồng nghĩa với khoe thân, chơi trò phản cảm, phơi mình ra trước công chúng.
Bằng cách cho người chơi uống rượu và thực hiện các thử thách, Dare Pong đang cổ xúy cho sự buông tuồng, dễ dãi. Người chơi - nhất là nữ - đã tự hạ thấp phẩm giá của chính mình. Họ không ngần ngại trả lời những câu hỏi kiểu như: “quan hệ với bạn trai mới chưa?”, “diễn tả lại cảm giác yêu lúc lên đỉnh”…
Thậm chí có người đang có bạn trai nhưng vẫn công khai hôn hít, hẹn hò lại với người yêu cũ, gọi điện báo có thai với người yêu cũ rồi đòi chia tay với bạn trai hiện tại (theo yêu cầu của trò chơi) chỉ để làm trò cười, mặc đồ lót ôm ấp người lạ, liếm kem trên cơ thể bạn chơi…
Tất cả những hành động này chỉ gây phản cảm chứ không thể nói đó là người trẻ hội nhập với tư duy mới. Cũng không thể bảo rằng, họ chấp nhận chơi, sẵn sàng đánh đổi vì giải thưởng. Giải thưởng cho người chiến thắng cuộc chơi này chỉ là 1 triệu đồng. Ở tập 7, sau khi giành chiến thắng Hoàng Phúc còn thể hiện màn vung tiền thưởng để Sơn Ca chụp.
Sự lan tỏa của thế giới mạng dễ dàng tạo ra các xu hướng, dễ thu hút sự chú ý (kể cả bằng những chiêu trò bẩn hoặc những nội dung phản cảm) khiến nhiều cá nhân/nhóm/cộng đồng, thậm chí công ty truyền thông cùng lao vào phát triển kênh nhằm bán quảng cáo. Ai sẽ bảo vệ con em chúng ta trước những “sản phẩm văn hóa” độc hại này?
Từ tháng 4/2018, mạng YouTube đã tăng cường đội ngũ nhân lực kiểm duyệt mảng YouTube Kids, nhằm hạn chế các chương trình có nội dung không lành mạnh với trẻ em, nhưng vẫn chưa lọc nội dung cho khán giả vị thành niên. Dare Pong, với những “thử thách” chỉ thích hợp cho người lớn cũng không cài đặt yêu cầu xác nhận độ tuổi, nghĩa là cả trẻ em cũng có thể xem chương trình này. |
Diệp Nguyễn