Hành trình của Cuộc đua kỳ thú 2019 ở tập 6 đã đến với tỉnh Phú Yên- vùng đất du lịch khá được ưa chuộng trong một vài năm trở lại đây. Ngoài biển xanh, núi non có cấu trúc độc lạ, Phú Yên còn sở hữu tài nguyên du lịch nổi tiếng là những rạn san hô đẹp mắt, đa dạng về màu sắc, cấu trúc, chủng loại. Từ điều này, NSX đã thiết kế một một thử thách ở dưới biển, khu vực có rặng san hô.
Theo đó, sau khi hoàn thành thử thách tại bờ biển, các đội chơi sẽ di chuyển đến đảo hòn Chùa để thực hiện lựa chọn kép. Trong đó có một thử thách yêu cầu thành viên của đội chơi sẽ lặn xuống biển để tìm đề bài câu đố được NSX đưa ra. Sẽ không có gì đáng nói nếu những vật dụng bằng sắt thép, xi măng được NSX không đặt trực tiếp lên những rạn san hô, trong đó có cả san hô não trong thử thách này.
|
Những hình ảnh đang khiến dư luận phẫn nộ vì những vật liệu được đặt lên rạn san hô |
Video các đội chơi lặn biển tìm câu đố trong tập 6 Cuộc đua kỳ thú 2019:
Không khó để thấy khung sắt cùng những tảng xi-măng kia có tác động thế nào, gây hại thế nào đến lớp san hô này.
Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sasa (Sasa), qua các khung hình của tập phát sóng, đã dùng từ "sốc" cho trường hợp này. Theo Sasa, việc đặt những vật liệu như thế có thể gây tác động đến những lớp tảo cộng sinh trên bề mặt san hô não, có thể gây chết cả tảng san hô này. Hơn hết, san hô não đóng vai trò rất quan trọng, là nền móng để tạo nên những rạn san hô nhưng mỗi năm chỉ tăng đường kính 1-2 mm. Ngoài ra, những tác động khiến san hô nếu gãy nhánh cũng có thể khiến chúng chết đi, không thể phục hồi.
"Một chương trình truyền hình, một game show nổi tiếng phát trên sóng truyền hình quốc gia nhưng những người trong đội ngũ sản xuất thậm chí là người chơi gameshow lại thiếu hiểu biết đến mức độ như vậy"- Sasa bày tỏ sự chỉ trích.
|
San hô chịu tác động xấu từ con người đang là vấn đề khiến nhiều quốc gia, địa phương trăn trở. |
Chỉ cần dùng từ khoá “san hô kêu cứu”, “san hô gặp nguy”... không khó để cho ra đến hàng nghìn kết quả khác nhau. Đó là những chiến dịch bảo vệ chúng từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn đến từ khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài. Các địa phương như: Côn Đảo, Nha Trang, Phú Quốc... đều liên tục tìm biện pháp để bảo vệ san hô trong nhiều năm qua.
Trước đó, từ cuối tháng tư, đầu tháng 5/2019, trước những tác động xấu từ môi trường, con người đến san hô, tỉnh Phú Yên đã mời các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga để khảo sát san hô tại địa phương để đưa ra các phương án bảo tồn, phục hồi và phát triển san hô.
Liên lạc với ông Nguyễn Duy Dương, giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Yên, ông cho biết hiện chưa nắm về vụ việc và sẽ làm việc với các đơn vị liên quan về trường hợp này nhưng về nguyên tắc, san hô phải luôn được bảo vệ.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên cho biết NSX có xin phép khi đến Phú Yên ghi hình và nhờ địa phương hỗ trợ, nhưng không nắm được cụ thể các thao tác và quá trình thiết kế thử thách của NSX.
Có thể thấy, việc làm của ê-kíp Cuộc đua kỳ thú đang đi ngược với mục tiêu chung để bảo vệ san hô, một cách thiếu hiểu biết.
Nhưng, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở NSX mà còn ở cả nhà đài (kênh VTV3) trong khâu kiểm duyệt.
|
Diễn viên Quốc Anh bắt và ngắm một số sinh vật biển trong tập 6 |
Còn nhớ cách đây không lâu, nữ diễn viên Hàn Quốc - Lee Yeol- đối diện nguy cơ bị ngồi tù khi bắt và chế biến 3 con sò tai tượng tại công viên quốc gia Hat Chao Mai của Thái Lan trong chương trình thực tế The law of the jungle. Dư luận Thái Lan, quốc tế đã phản ứng kịch liệt. Lẽ nào, tấm gương ấy chưa đủ sức nặng để VTV đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu, trong một chương trình được phát ngay khung giờ vàng?
Một khán giả đặt vấn đề: “Cả thế giới đang ra sức bảo vệ môi trường biển. Đây kênh quốc gia, chương trình phát vào giờ mà cả gia đình già trẻ lớn bé ngồi xem lại chiếu một hình ảnh giẫm đạp lên rạn san hô, bắt động vật biển không xin phép, phá hoại môi trường như vậy liệu có hợp lý?”.
San hô không chỉ là tài nguyên quý về du lịch khi mang về đến 357 tỷ USD/năm cho toàn thế giới mà còn có ý nghĩa lớn về mặt duy trì cân bằng sinh thái tự nhiên. Chúng là cấu trúc sống lớn nhất trên hành tinh, tạo nơi trú ngụ cho hàng nghìn loài cá. San hô còn được ví von là “rừng” của đại dương bởi tầm quan trọng của nó.
Tuy nhiên, sinh vật này cũng rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, trong đó có những tác động cơ học từ con người như neo đậu tàu thuyền, đánh bắt cá, giẫm đạp, hoặc khai thác san hô vì mục đích kinh tế... Theo một số cảnh báo, đến năm 2030 nếu những điều kiện bảo vệ san hô không được cải thiện thì có đến 50% các rạn san hô trên thế giới có thể bị mất đi. Đây có thể xem là thảm hoạ với con người.
|
Trung Sơn