Game show giả, giá trị dỏm

04/07/2018 - 18:26

PNO - Sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích ở các năm trước, những tưởng các game show theo kiểu nhái, nhép đã rơi rụng. Nhưng không, chúng đang đổ bộ rầm rộ vào mùa hè này.

Khác tên gọi, cùng bản chất

Gương mặt thân quen - game show thí sinh hóa trang, bắt chước các nghệ sĩ Việt Nam hoặc quốc tế, phát trên VTV3, đến nay đã đi được 6 mùa và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài sự thay đổi về dàn giám khảo và thí sinh, nội dung chương trình mùa thứ 6 chẳng có gì mới mẻ.

Game show gia, gia tri dom
Hùng Thuận giả Michael Jackson trong chương trình Gương mặt thân quen mùa 6

Ca sĩ thần tượng - sân chơi dành cho các bạn đam mê ca hát và mong muốn được thể hiện phong cách giống thần tượng của mình, cũng vừa lên sóng THVL1. Ở tập 1, nhận thấy Minh Phương “nhái” Lệ Quyên với ca khúc Để nhớ một thời ta đã yêu chưa đúng “thần thái” của ca sĩ đàn chị, giám khảo - MC Trấn Thành lập tức lên sân khấu, buông áo khoác, lắc lư thị phạm.

Ở tập 2, với đề bài hóa thân thành những danh ca, bốn vị giám khảo cũng “đứng ngồi không yên” khi các thí sinh lần lượt giả Khánh Ly, Tâm Đoan, Quang Dũng, Mạnh Quỳnh.

Người bí ẩn trên kênh HTV7 cũng mượn yếu tố “nhái” để làm trò, câu view. Nghệ sĩ hài Việt Hương xuất hiện trên sân khấu với bộ đồ ngủ nóng bỏng, trình diễn ca khúc Em sai rồi, anh xin lỗi em đi cùng những màn vũ đạo bốc lửa không kém gì bản gốc. Câu nói gây sốc của Chi Pu - “hễ cầm mic lên là thành ca sĩ” cũng được Việt Hương tuyên bố lại khi bị danh hài Hoài Linh chê.

Nhìn lại lịch sử các game show giả/nhái thần tượng, cứ game show này ngắc ngoải thì game show mới ra đời. Dù tên chương trình khác, thí sinh và giám khảo có thay đổi, về bản chất, vẫn lấy yếu tố giả/nhái làm tiêu chuẩn.

Ca sĩ giấu mặt, Biến hóa hoàn hảo, Tuyệt chiêu siêu nhép… lần lượt xuất hiện rồi biến mất khỏi tâm trí khán giả. Những chương trình trụ được đang phải chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt từ nhiều chương trình khác, phải mượn chiêu trò để lôi kéo khán giả. Ngay cả Gương mặt thân quen giờ cũng khiến khán giả chán nản.

Bắc thang lên hỏi ông trời

Nhiều năm qua, tình trạng bảo vệ bản quyền ở nước ta gần như đi vào ngõ cụt. Nguyên nhân cũng bởi ý thức về bản quyền và sở hữu trí tuệ ở ta vẫn còn rất kém, trong hầu hết các lĩnh vực, không riêng gì văn hóa - giải trí.

Việc đạo tác phẩm, ăn cắp ý tưởng, nhại thiết kế… ngày càng trở nên bình thường một cách đáng báo động. Nhiều người nghiễm nhiên coi sáng tạo của người khác là của chùa, thích “mượn”, thích “cầm nhầm” lúc nào cũng được. Chuyện vô lý và vi phạm pháp luật ở các nước, không rõ từ bao giờ lại trở thành chuyện thường ngày ở xứ ta.

Thế nhưng, những chương trình giả/nhái như thế vẫn được phát sóng công khai, từ đài truyền hình quốc gia cho tới địa phương. Thậm chí, việc giả/nhái một nghệ sĩ nào đó còn được tung hô, khuyến khích và nhận được những lời khen có cánh từ những người ngồi ghế giám khảo, ngay trên sóng truyền hình.

Thay vì truyền tải thông tin, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nhà đài đi một “quy trình ngược” - trở thành sân chơi của thói rởm đời, cổ vũ sự sao chép lẫn nhau.

Chưa kể, truyền hình là nơi giúp khán giả giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, giới thiệu những tài năng hay nơi bán sóng, mua quảng cáo? Mục đích thật sự sau những game show này là gì, có lẽ cũng không cần phải nói nữa, bởi đã quá rõ ràng.

Thí sinh Thái Sơn từng nổi lên như một hiện tượng tại Ca sĩ giấu mặt, nhờ màn nhái giọng hàng loạt ca sĩ nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Ưng Hoàng Phúc, Duy Mạnh, Michael Jackson… Cũng game show này, Huỳnh Văn Toàn từng khiến Hoài Linh “tâm phục khẩu phục” khi nhái tới 20 giọng nghệ sĩ nổi tiếng.

Chúng ta có thể kể nhiều cái tên khác, nổi lên ở các game show giả/nhái. Nhưng khi họ bước ra khỏi sân chơi đó, cũng là lúc “game over”. Nhanh chóng, lạnh ráo. Để rồi, ngoài ca sĩ - diễn viên Thanh Duy của Gương mặt thân quen gặt hái được thành công nhờ thực lực và khả năng biến hóa của anh, còn ai nhớ tới những bản sao khác khi họ bước vào cuộc thi để trở thành người không phải là mình?

Yêu quý, hâm mộ và muốn được giống thần tượng là nhu cầu chính đáng của fan. Trước đây, trên YouTube cũng không thiếu những clip fan hát/diễn nhái theo thần tượng với đủ mọi góc độ, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Nhưng những clip đó chỉ để cho vui, phục vụ một bộ phận công chúng. Đưa việc giả/nhái lên sóng truyền hình, tung hô, là biến một việc bất bình thường trở thành bình thường.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI