Game show dành cho trẻ em từng là mảnh đất vàng của các nhà sản xuất (NSX) lớn, nhỏ. Trong vòng 5 năm (kể từ 2012), hàng loạt game show dành cho lứa tuổi này thi nhau ra đời: Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon, Sao nối ngôi nhí...
Qua thời gian, những game show dành cho trẻ em bộc lộ không ít hạn chế: nội dung không phù hợp lứa tuổi; thí sinh nhí phải “chín ép”, gồng mình làm người lớn để thể hiện tài năng; một số sân chơi dành cho trẻ lại trở thành sân sau cho mọi hỉ, nộ, ái, ố của người lớn; những nghi vấn dàn xếp kết quả vừa làm các em tổn thương, vừa khiến khán giả ngao ngán.
|
Game show nhí ồ ạt ra đời và phơi bày nhiều mặt trái |
Hiện, game show thuần giải trí dành cho trẻ em vẫn được "ra lò'. Tuy nhiên, sức hút của chúng đã giảm đáng kể dù NSX chật vật tìm cách níu kéo người xem.
Đơn cử như Giọng hát Việt nhí, vào năm 2012, chương trình từng có giá quảng cáo cao ngất với 280 triệu đồng/30s vì rating cao. Nhưng 3 năm gần đây, giá quảng cáo giảm dần, chạm đáy ở mức 180 triệu đồng/30s hồi năm 2019.
Thần tượng âm nhạc nhí đến mùa thứ hai đã giảm hẳn sự chú ý từ khán giả, sau 3 năm tạm ngừng vẫn chưa trở lại. Các quán quân, á quân bước ra từ game show nhí cũng không còn được quan tâm như Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân hay Hồ Văn Cường cách đây nhiều năm.
|
Đăng quang chưa đầy một năm nhưng quán quân Giọng hát Việt nhí 2019 Kiều Minh Tâm không còn được nhiều người nhớ đến. |
Thực trạng này khiến các NSX phải đổi hướng. Thay cho những game show thuần giải trí, một số chương trình mang tính giáo dục, phù hợp tâm lý trẻ ra đời. Đây là những không gian dành cho trẻ, nhưng cũng là môi trường cho các bậc phụ huynh.
Mới đây, Công ty Điền Quân giới thiệu chương trình Thử thách lớn khôn. Trong đó, các bé sẽ cùng cha mẹ trải qua những thử thách thực tế để rèn luyện kỹ năng sống, đồng thời tạo sự kết nối các thành viên gia đình. Chương trình có sự tham vấn của bác sĩ tâm lý để giải thích về những hành vi của trẻ, nhằm giúp bố mẹ thấu hiểu con và có cách ứng xử phù hợp.
Công ty Quảng cáo Mới (NewAd) có chương trình Điều con muốn nói, hướng đến việc chia sẻ tâm tư của con trẻ. Mỗi số phát sóng sẽ có một nhân vật tham gia. Khi các bé trò chuyện riêng với MC Ốc Thanh Vân, gia đình cùng chuyên gia tâm lý ngồi ở phòng chờ, theo dõi câu chuyện qua màn hình.
Từ đó, chuyên gia tâm lý phân tích cho cha mẹ hiểu về hành vi, suy nghĩ của trẻ. Cuối cùng, cả nhà sẽ ngồi lại để giải quyết những khúc mắc của trẻ như áp lực trong việc học tập, cảm giác không thoải mái khi sống trong vỏ bọc của gia đình...
|
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và con gái nuôi Suri Kim Anh trong chương trình Điều con muốn nói |
Cát Tiên Sa cũng cho ra đời Thiếu niên nói. Ở mỗi tập phát sóng, chương trình sẽ tìm đến các trường THCS, THPT để lắng nghe các em học sinh chia sẻ suy nghĩ, khúc mắc của bản thân trong mối quan hệ với gia đình, cha mẹ, thầy cô, bạn bè... Tuy nhiên, chương trình không có sự tham vấn của chuyên gia tâm lý, vì thế, việc giải quyết những khúc mắc liên quan đến vấn đề tâm lý không tạo được sự tin cậy.
Bà Nguyễn Hồng Thuỷ - Giám đốc NewAd cho rằng: "Các chương trình truyền hình ngoài việc cần liên tục đổi mới để thu hút khán giả thì việc cân bằng giữa tính giải trí và định hướng giáo dục, tâm lý rất quan trọng. Thị hiếu và trình độ của khán giả ngày càng nâng cao, vì vậy, chúng tôi phải cố gắng sản xuất những chương trình mang thông điệp tích cực, nhân văn".
Tuy nhiên, dù có sự chuyển hướng nhưng dễ thấy các NSX vẫn tìm cách kéo khán giả thông qua thương hiệu của người nổi tiếng. Chẳng hạn như trong Thử thách lớn khôn, các thí sinh đều là con của nghệ sĩ hoặc những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
Trong Điều con muốn nói, những bé tham gia phần lớn đã được khán giả biết đến thông qua một số game show trước đó. Ở Thiếu niên nói, NSX chọn những gương mặt đang được giới trẻ yêu thích đảm nhận vai trò MC như: Gil Lê, Khả Ngân, Jun Phạm, Phương Mỹ Chi...
Mỗi tập Thiếu niên nói thu về hàng trăm ngàn lượt xem, còn Thử thách lớn khôn, ngay tập đầu đã có hơn 1 triệu lượt xem trên YouTube.
|
Các bé tham gia Thử thách lớn khôn |
Kinh phí sản xuất những chương trình thực tế như Thử thách lớn khôn, Thiếu niên nói sẽ cao hơn nhiều so với một chương trình giải trí thu ở trường quay bởi tiêu tốn nhiều máy móc, thiết bị cũng như nhân lực. Tuy nhiên, điều khiến các NSX trăn trở hơn cả là nội dung đối với nhóm chương trình này.
Với Điều con muốn nói, để thuyết phục các bé và gia đình tham gia, NSX và các gia đình cùng trao đổi, cân nhắc trước các câu chuyện được kể. Đảm bảo khi lên sóng câu chuyện sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý các bé cũng như phụ huynh, không xáo trộn cuộc sống, hình ảnh của một gia đình.
Ông Bửu Điền - Giám đốc Công ty Điền Quân cho rằng: “Khi tham gia chương trình thực tế, các bé dễ dàng bộc lộ cảm xúc, hành vi chân thật nhất. Đặc biệt, khi đó là con của nghệ sĩ thì sự quan tâm của dư luận càng nhiều hơn. Vì thế, sự có mặt của chuyên gia tâm lý để tham vấn, phân tích là điều vô cùng quan trọng, bởi khán giả sẽ có cái nhìn đúng, dễ cảm thông hơn, tránh những cảm xúc tiêu cực”.
Trung Sơn