Nương nhờ nội lực ca sĩ
Việc bản mashup Ngày chưa giông bão và Always remember us this way của ca sĩ Hòa Minzy và Văn Mai Hương hiện đang gây sốt trên YouTube với 2,1 triệu lượt xem (xếp thứ 2 top thịnh hành) phần nào cho thấy sức hút mạnh mẽ của chương trình thực tế về âm nhạc Xuân hạ thu đông, rồi lại xuân (XHTĐRLX), phát sóng trên HTV7 lúc 20g30 thứ năm hằng tuần.
Chỉ qua bảy tập, chương trình đã nhanh chóng chinh phục người xem vì định dạng mới mẻ. Ở đó, ba gương mặt nòng cốt của chương trình là nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, ca sĩ Hòa Minzy, Anh Tú cùng các nghệ sĩ khách mời không chỉ hát những ca khúc “vang bóng một thời”, mà còn trao đổi với nhau những vấn đề về âm nhạc trong lúc tập luyện. Không gian biểu diễn không bị “đóng khung” trên sân khấu, với dàn khán giả được thuê, mà diễn ra ngoài trời.
|
Màn hòa giọng của Hòa Minzy và Văn Mai Hương (tập 7) gây sốt trên Youtube |
Cách máy quay theo chân các nghệ sĩ trong lúc tập và lúc trình diễn cho thấy sự nỗ lực tập luyện của họ, cũng như cách ống kính “bắt” cảm xúc của khán giả “đi đường”, khiến chương trình trở nên thật hơn so với những chương trình truyền hình thực tế về ca nhạc ghi hình trong trường quay.
Tuy nhiên, chất “thật” mà khán giả thỏa mãn nhất trong chương trình là màn hát live của các ca sĩ, nhạc sĩ. Bởi ba gương mặt chính cũng như các nhân vật khách mời của XHTĐRLX như Văn Mai Hương, Ali Hoàng Dương, Bùi Công Nam… đều là những giọng hát nội lực. Dùng âm nhạc làm nền tảng, lấy ca sĩ làm trung tâm cũng là cách làm của chương trình Bài hát đầu tiên, Ca sĩ ẩn danh.
Nhưng khác với XHTĐRLX tập trung mời những gương mặt trẻ đang được khán giả trẻ yêu thích, hai chương trình này đưa người xem gặp lại những tên tuổi thế hệ trước như Ngọc Sơn, Phương Thanh, Đan Trường, Lam Trường, nhóm MTV… hoặc những gương mặt từ lâu đã ít hoạt động như Bảo Thy, Thu Ngọc, Khánh Phương, Jimmy Nguyễn… Chương trình Ca sĩ ẩn danh thậm chí “khai quật” những giọng ca từ lâu “mất tích” như Bạch Lan, Lệ Ngọc, Nguyễn Huy, Xuân Trường… Chất giọng riêng biệt của các ca sĩ một thời, giá trị thẩm mỹ trong ca từ, giai điệu của những bài hát cũ mang đến cảm giác hoài niệm, đánh thẳng vào cảm xúc khán giả, giúp chương trình được yêu thích.
Có thể thấy thay vì hình thức nhàm chán là thí sinh thi, giám khảo nhận xét, các chương trình truyền hình ca hát gần đây không còn nặng tính thi thố, mà chú trọng hơn vào việc để cho nhân vật chính trải lòng với âm nhạc thông qua việc hát lại những ca khúc hit của mình, hoặc kết hợp với những ca sĩ khác tạo ra những tiết mục đặc sắc có một không hai.
Đó cũng là lý do mà màn hòa giọng của Hòa Minzy và Văn Mai Hương trong tập 7 của XHTĐRLX “leo thẳng” lên top 2 thịnh hành YouTube dù cả hai chỉ ngồi và hát. Hay tiết mục song ca Hoa nở không màu của Trương Thế Vinh và Ngân Khánh đạt thứ hạng 21 top thịnh hành YouTube với 22 ngàn lượt thích - một con số ấn tượng cho một màn cover trên sân khấu.
|
Màn cover Hoa Nở Không Màu của Trương Thế Vinh và Ngân Khánh có mặt trong danh sách những clip ăn khách trên YouTube |
“Gia vị” bất ngờ, hài hước
Tuy nhiên nếu chỉ trông chờ vào giọng hát của ca sĩ khách mời thì chưa đủ để các chương trình game show âm nhạc níu chân khán giả. Hai yếu tố bất ngờ và hài hước chính là gia vị được nêm nếm thêm. Ca sĩ ẩn danh hay Lạ lắm à nha gây tò mò khi để nghệ sĩ tham gia, khán giả đoán già đoán non danh tính ca sĩ giấu mặt. Sự bất ngờ còn ở những câu chuyện chưa từng kể được nhân vật chính “bật mí”. Trong Bài hát đầu tiên, khán giả lần đầu nghe Đan Trường kể lý do anh lấy vợ là vì để fan đi lấy chồng, Lam Trường cho biết cát-sê những ngày đầu đi hát chỉ có 20.000 đồng tương đương bốn tô phở, hay Bảo Thy tiết lộ vay ba mẹ 500 triệu đồng nhưng đi hát một tháng đã đủ trả nợ.
Trong Ca sĩ ẩn danh, những câu chuyện nhân vật chính đem đến còn mang tính chất truyền cảm hứng, vì khán giả được nghe họ thuật lại những biến cố trong đời khiến họ phải tạm gác lại giấc mơ nghệ thuật. Dẫu vậy, tất cả đều vượt qua, để khi đến với chương trình, người xem mới nhận thấy tài năng và đam mê ca hát của họ vẫn còn đó.
Bà Vũ Thị Bích Liên, giám đốc Mega GS - đơn vị sản xuất những game show ca nhạc Sàn chiến giọng hát, Ca sĩ ẩn danh - cho biết: “Ngoài âm nhạc, các chương trình truyền hình về ca hát còn cần phải có câu chuyện mới thu hút người xem. Cái khó nằm ở đây, nhiều người giọng không còn tốt như xưa nên đâu thể mời họ trở lại, trong khi có người vẫn hát hay, câu chuyện cũng hay, nhưng họ không muốn xuất hiện”.
Clip Hòa Minzy hòa giọng với Văn Mai Hương trong Xuân hạ thu đông rồi lại xuân đang đứng thứ 2 trên YouTube với 4 triệu lượt xem:
Riêng yếu tố hài hước, hầu như các game show ca nhạc hiện nay đều tìm cách chọc cười khán giả bằng những màn tương tác giữa các nghệ sĩ. Những màn tung hỏa mù, “lừa lọc” nhau của các nghệ sĩ khi ngồi ở vị trí bình luận, hay những hình phạt vui vui như thua cuộc phải ăn hết trái ớt Đà Lạt, hoặc nhận giải thưởng là miếng chùi nồi trong Lạ lắm à nha… đã mang đến nhiều tiếng cười.
Chương trình XHTĐRLX cũng vui nhộn nhờ sự lầy lội của ca sĩ Hòa Minzy, đỉnh điểm là cảnh cô tái hiện pha diễn hất điện thoại “kinh điển” trong phim Hậu duệ mặt trời, để được phép hát nhạc phim này.
Tuy nhiên, có lẽ cũng vì chuộng gia vị hài hước mà nhiều game show ca nhạc bị hiện tượng “gặp lại người xưa” quá nhiều ở thành phần nghệ sĩ tham gia. Ví như sự phủ sóng của NSND Hồng Vân, Khả Như, ST Sơn Thạch… Có thể thông cảm với nhà sản xuất vì số nghệ sĩ hoạt ngôn không nhiều, mà chương trình nào cũng cần người vừa nổi tiếng vừa có duyên ăn nói, óc hài hước.
Hương Nhu