Game online: Nỗi ám ảnh khi hè đến

29/06/2020 - 11:43

PNO - Hơn 2/3 số bé cho biết, nếu được gia đình "thả" cho đi chơi, chúng sẽ hẹn nhau ở… quán net.

“Nếu cuối tuần này được đi chơi một buổi, chúng ta sẽ đi đâu?”. Năm trước, tôi cần số liệu cho một bài viết nên đã nhờ cậu bé lớp 11, con trai đồng nghiệp, làm cuộc khảo sát nho nhỏ. Câu hỏi cậu bé đưa ra trên công cụ Facebook, và nhận khoảng 100 kết quả: hơn 2/3 số bé cho biết, chúng sẽ hẹn nhau ở… quán net.

Chúng ta rất dễ gặp cảnh bọn trẻ trốn học đi chơi game ở tiệm net. Ảnh minh hoạ
Chúng ta rất dễ gặp cảnh bọn trẻ trốn học đi chơi game ở tiệm net. Ảnh minh hoạ

Mê game không hẳn học kém

Bạn bè của cậu bé lớp 11 bao gồm một nửa là học sinh trường quốc tế, một nửa là học sinh các trường công lập hàng đầu của TP.HCM khu vực Bình Thạnh, Q.1, Q.3, Phú Nhuận… mà em học cùng hồi cấp II hoặc anh em bà con.

Đáng nói, kết quả ấy hoàn toàn không làm bất cứ đứa trẻ nào ngạc nhiên, kể cả con tôi. Tôi hỏi thêm vài đứa con đồng nghiệp mà tôi có kết bạn trên Facebook, chúng đều cho biết bạn bè có tiết học trống là thường hẹn nhau ở tiệm net gần trường.

Tôi và mẹ cháu xem kết quả khảo sát mà toát mồ hôi. Rõ ràng chúng tôi cũng hiện đại, hằng ngày chúng tôi làm việc với mạng, nhiều anh chị thậm chí có cả tuổi trẻ say mê chơi game (thời kỳ chúng tôi, các trò game chưa nối mạng). Nhưng các phụ huynh như tôi đều tưởng đâu bọn trẻ chỉ thích tụ tập uống trà sữa, xem phim, cùng lắm đi lê la siêu thị shopping coi ngắm hàng hiệu thôi…

Con cái chúng tôi đều là những đứa trẻ ngoan, học tốt và có mục tiêu du học. Điều ấy có nghĩa, trẻ yêu thích game không hẳn là trẻ học kém hay thiếu động lực cuộc sống. Cũng như trường hợp Triệu Quân Sự, tên tù vượt ngục đang nổi tiếng mạng xã hội tuần qua. Sự làm hao tốn bao nhiêu tiền của, công sức truy đuổi của lực lượng công an các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. 

Triệu Quân Sự từng là học sinh giỏi nhiều năm. Chỉ vì mê game mà cuộc đời Sự gắn chặt vào các trò chơi rồi rẽ sang hướng khác. Đủ tuổi, cha mẹ đưa Sự đi nghĩa vụ quân sự, hy vọng môi trường quân đội sẽ giúp cậu cai game, nhưng kết quả lại tồi tệ hơn. Bị kết án chung thân vì tội giết người cướp của, Sự hai lần đào thoát khỏi trại giam để chơi game. Tất nhiên trên đường vượt ngục, Sự phải liên tục thực hiện các vụ trộm cướp và náu mình giống như những trò game… Sự là một điển hình sa chân vì game, không cách nào cứu vãn.

“Không để cho thằng bé rảnh”

Có con trai tuổi teen, từ mấy năm nay, tôi cũng rất đau đầu khi con cứ rời sách vở là cầm điện thoại hoặc cắm mặt vào máy tính. Tôi biết con chơi vài trò game đua xe nhờ lời “méc” của đứa bạn, chứ cha mẹ không cách nào nhìn vào màn hình của con. Do trẻ bây giờ hầu hết có phòng riêng, chúng rất ý thức quyền cá nhân nên không dễ mà giật bất cứ thứ gì từ tay chúng, hay dùng quyền cha mẹ để ép chúng. Nói chuyện phải quấy càng khó, vì chúng sẽ luôn miệng “con biết rồi”, và tìm cách tạo rào cản chúng ta với thế giới của chúng.

Những ngày cuối năm học này, đưa đón con đi thi, tôi ngỡ ngàng khi một bé gái tôi quen chạy ra kể: “Cô ơi thằng B. nhà cô khuya qua sang cướp hết đồ đạc của con”. Tôi không hiểu cháu gái nói gì, thì một cậu khác đứng bên xen vào vui vẻ: “Có hôm nó còn đột nhập đập phá hết đồ đạc nhà con luôn đó cô”. Khi ấy, con trai tôi mới gân cổ: “Ê, mày nha, bữa mày còn đốt nhà tao”. 

Chở con suốt đường về, tôi hỏi các bạn và con nói chuyện gì, nhưng con cứ gạt đi, bảo không có gì. Bọn nhỏ bây giờ là thế, chúng không sẵn sàng trả lời câu hỏi của cha mẹ, nếu ép quá, chúng sẽ cho một lời nói dối. 

Làm căng là hỏng chuyện, tôi cũng mường tượng ra, chắc là chơi chung một game nào đó. Nhưng kiến thức game của tôi lạc hậu rồi, nên tôi bèn hỏi một câu ngớ ngẩn: “Các con đang chơi game nông trại hả?”. 

Game nông trại là trò đồng nghiệp cơ quan tôi chơi cỡ chục năm về trước, cho tới khi sếp ra quy định cấm. Đó là trò chơi trồng lúa nuôi bò, heo khá lành mạnh, không hề có cảnh cướp đồ hay phá nhà hàng xóm như bọn trẻ mô tả. 

Vậy nhưng, thứ trò game hủy hoại sức lao động của các nhân viên công ty thì kinh khủng. Ai nấy ôm điện thoại mê mải, giờ làm việc thì không chú ý, nhưng giờ thu hoạch hay xuất hàng ra bến thì phải cài báo thức để khỏi quên. Ban đầu chỉ là trò vui giải trí khi rảnh việc, sau thì nó thành hoạt động chính của nhiều chị em. Các anh thì chơi game có dao kiếm, đánh đấm ngày đêm trên mạng. 

Một buổi tối đưa con vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Đồng, chồng tôi đã thiếu kiềm chế với cậu điều dưỡng trẻ. Bởi khi dẫn bệnh nhi từ khoa cấp cứu lên khoa tai mũi họng, suốt đoạn đường 500 mét, cậu ta cứ vừa đi vừa chơi game, không sao rời điện thoại ra được. 

Rõ ràng dứt game là điều không hề dễ dàng. Đường đường là người lớn có tri thức, có nghề nghiệp mà còn sa vào, nói gì bọn trẻ. Nhưng mạng xã hội và game bây giờ trăm hoa đua nở, Nhà nước thì vẫn xem kinh doanh game là dịch vụ giải trí, có doanh thu. Một số game được khuyến cáo hạn chế độ tuổi người chơi, nhưng bọn trẻ luôn có cách khai báo “lậu” tuổi để vượt qua vòng đăng nhập giản đơn này.

Con tôi đã thi những môn cuối, mùa hè trước mắt, trên email và trang Facebook, tôi lại bắt gặp vô số các bài viết kỹ năng, dịch vụ giới thiệu các trung tâm bán trú cho trẻ lứa tuổi mầm non và cấp I. Nhưng học sinh cấp II và III thì chỉ có vài ngày trại hè tiếng Anh hay học kỳ quân đội với giá cao chót vót.

Vậy nên, bọn trẻ chẳng có gì để chơi. Các rạp phim vào thời điểm hẹn hò chưa chắc có phim hay, phù hợp. Các trung tâm thương mại với dịch vụ ăn uống quá đắt đỏ so với túi tiền học trò. Các công viên từ lâu không còn là điểm lui tới của tuổi trẻ, mà có lẽ chỉ là những người trung niên chạy thể dục, những ông bà tập dưỡng sinh. 

Bắt con rời xa màn hình là việc không hề dễ. Ảnh minh họa
Bắt con rời xa màn hình là việc không hề dễ. Ảnh minh họa

Trên tinh thần “không để cho thằng bé rảnh”, vì rảnh là con sẽ lên mạng, chơi game, tôi và ba cháu đang đau đầu tìm các lớp bóng đá, bóng rổ, tiếng Anh hè phù hợp với con. Các vấn đề như học phí, di chuyển, đưa đón, cũng là một bài toán khó, nhưng đành xác định: hè tới là phụ huynh vất vả rồi! 

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI