Gái thương chồng đương đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm
Câu ca dao này, tưởng rằng dễ hiểu nhưng mỗi người hiểu mỗi cách, từ đó, mới dẫn đến sự tranh luận nhì nhằng. Thì đây, nói có sách mách có chứng, kẻo không thiên hạ bảo “ăn theo nói leo”. Rằng, Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Khoa học Xã hội - 1999) cho rằng, ít nhất có 3 cách hiểu khác nhau. Đó là:
“a. Phản ánh sự chênh lệch, bất bình đẳng trong quan hệ yêu thương vợ chồng. Tình cảm người phụ nữ bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông, bởi ngoài lý do giới tính ra, người phụ nữ còn chịu sự ràng buộc của “tam tòng tứ đức”. Ngược lại, tình thương yêu của người con trai đối với vợ thường nhạt nhẽo, thoáng qua, ví như nắng quái chiều hôm le lói một lát rồi tắt ngấm khi mặt trời lặn.
b. Phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu vợ chồng. Người con gái luôn luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào “đương đông buổi chợ”. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc nhưng mãnh liệt như cái “nắng quái chiều hôm” vậy. Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm. Vậy thì tình thương vợ của người con trai đâu phải tính bằng thời gian, mà phải tính, phải ghi nhận bằng sự nồng cháy mạnh mẽ của nó.
c. Nói về tính chất biểu hiện tình thương vợ chồng. Khi đã thương yêu chồng, tình cảm của người con gái được thể hiện ra bằng sự hoạt bát, vui nhộn như “đương đông buổi chợ”. Và người chồng chẳng khó khăn gì trong việc tìm hiểu “tình cảm” của vợ đối với mình. Ngược lại, chàng trai thâm trầm trong tình yêu. Thậm chí, có khi tình yêu thương của chàng được thể hiện cả bằng sự cáu gắt, khắt khe, nghiệt ngã như “nắng quái chiều hôm”. Như vậy, nhận diện đúng tình cảm của chồng đối với mình như thế nào, đòi hỏi các chị em phải thật tinh tường” (tr. 153-154).
Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương lại nghĩ khác: “Đã thương chồng thì người vợ hãy hết lòng cùng chồng ngay cả khi buổi chợ còn đang đông đúc (tức còn đang có cơ buôn may bán đắt); đã thương vợ thì người chồng hãy hết lòng cùng vợ ngay cả khi đang phải khốn khổ với cái nắng quái ác lúc xế chiều”.
|
Ảnh minh họa |
Những cách giải thích này, liệu chừng có hợp lý? Điều này cho thấy có những câu cửa miệng của người xưa, đến thời chúng ta, muốn hiểu rõ nghĩa của nó, rõ ràng không dễ. Tuy nhiên, có những câu sở dĩ trở nên khó hiểu, dẫn đến tranh luận, chẳng qua người ta nghĩ một cách… sâu xa quá, suy diễn nhiều quá để dẫn đến sự rối rắm như vừa nêu trên. Cứ nghĩ đơn giản ắt sẽ lý giải rành mạch.
Tôi nghĩ rằng, “đương đông buổi chợ”, “nắng quái chiều hôm” là cách nói nhằm chỉ về thời gian. Thời gian nào? Cụ thể đó là khoảng thời gian hai người mới kết đôi trở thành vợ chồng ăn đời ở kiếp. Với cô gái đó, đó là khoảng thời gian lúc còn trẻ, với chàng trai là thời gian đã xế bóng về chiều. Không những chỉ về thời gian, các cụm từ đó còn là khái niệm, hình ảnh để ám chỉ tính cách, biểu hiện tình cảm mà hai người dành cho nhau.
Với người vợ, lúc còn trẻ, còn khỏe, còn nhan sắc vì thương chồng, lo toan cho chồng nên xông xáo làm ăn, gánh vác nuôi chồng, điều này thể hiện qua cách nói ẩn dụ mà cụ thể là “đương đông buổi chợ”. Hình ảnh của bà Tú Xương là một thí dụ: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Hình ảnh trong câu ca dao này cũng là một thí dụ: “Vì chồng nên phải gắng công/ Nào ai xương sắt da đồng chi đây”. Lúc “đương đông buổi chợ” là còn trẻ, còn xuân sắc, còn khối kẻ mê tít thò lò, còn có thể “mắt liếc tình đưa” nhưng họ không màng tới, chỉ nghĩ về chồng vì thương chồng, khó có một tình cảm nào có thể xen ngang. Tính cách thủy chung của người phụ nữ chính là chỗ đó, sự biểu dương, ca ngợi đức tính tốt đẹp này ẩn đằng sau câu nói: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ” là vậy.
Vậy, khi đã không còn “đông buổi chợ” cũng hàm ý không trẻ nữa thì họ hết thương chồng? Không đâu, lúc đó sự yêu thương vô bờ bến ấy lại dành cho con, dù họ vẫn thương chồng nhưng không bằng như trước nữa. Với người phụ nữ, một khi đã có con thì (nói thật) người chồng đã được xếp vào… hàng thứ nhì, sau đứa con.
Còn người chồng thì sao? Sự yêu thương dành cho vợ là ngược lại về thời gian lẫn tuổi tác. Khi đã không còn trẻ, lúc đã “nắng quái chiều hôm”, đã không còn sức tung bay chạy nhảy như trước nữa, điểm tựa còn lại của họ chính là tình cảm của người vợ. Không phải trước đó, họ không thương vợ, nhưng lúc đó họ đang có những mối quan tâm khác, có thể còn phải lo toan công danh sự nghiệp; hoặc léng phéng nọ kia, mèo mỡ lăng nhăng; hoặc gì gì đó tùy sở thích.
Do đó, phải đến lúc “nắng quái chiều hôm”, họ mới càng thấm thía tình chồng nghĩa vợ. Dù cả hai cùng có con, con vẫn thương họ, lo cho họ, nhưng rồi “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Lúc ấy, họ càng nghĩ, càng thấy thương vợ.
Đây là một kinh nghiệm mà ông bà ta đã rút ra:
Gái thương chồng đương đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm
Cách nói trái ngược nhau để làm nổi bật một vấn đề vốn là một trong thủ pháp quen thuộc của người Việt. Nếu ta khảo sát từ ca dao, thành ngữ, tục ngữ xưa nay sẽ thấy rất rõ. Sở dĩ câu ca dao này, có nhiều ý kiến lý giải khác nhau, còn do người phân tích đã bỏ qua yếu tố căn bản vừa nêu trên là cách đặt hai vế trái ngược nhau “đương đông buổi chợ”/ “nắng quái chiều hôm” để cùng nói về tình cảm vợ chồng. Cả hai cùng thương lẫn nhau nhưng lại khác về thời gian và tuổi tác mà thôi.
Tóm lại, đây là kinh nghiệm của các bậc làm cha làm mẹ dặn dò cho con cái mới kết hôn, thể hiện qua từ “gái/ trai”, rằng sự việc nó vốn như thế, ắt diễn như thế, bản chất sự việc là thế, biết thế để chung sống gìn giữ hạnh phúc, chứ đừng phán xét qua hiện tượng nhất thời.
Lê Minh Quốc