Mẹ tôi là người xốc vác mọi thứ trong gia đình. Tôi có thể thấy hình ảnh của bà trong chính tính cách của mình. Chúng tôi, ba người phụ nữ trong gia đình nhỏ, giống nhau từ khuôn mặt, cách cầm đũa muỗng ăn cơm cho đến sự kiệm lời hàng ngày.
Nhà có một người đàn ông duy nhất nên ba tôi hẳn là người có tiếng nói nhất. Suốt những năm tháng thơ ấu, sống ở Quảng Ngãi cùng ba mẹ, tôi chưa hề biết đến chuyện ông ngoại tình. Ông đi đánh bắt gần bờ, những lần đi ấy, ông có tạt vào một vài nơi, có một vài mối tình. Nhưng chỉ mẹ biết, còn chúng tôi thì không. Những đứa con gái vẫn luôn mong chờ tin vui từ ba, mong chờ những món quà từ biển mà ông mang về. Khi thì là cái vỏ ốc biển lớn, khi thì là mớ cá mực ngon chỉ dành cho con cái mà không đem bán.
Tôi luôn thắc mắc vì sao mẹ không tỏ ra vui vẻ mỗi khi ba về. Những người đàn bà khác, họ âu yếm chồng mình, hỏi han đủ thứ, còn mẹ tôi suốt bao năm vẫn giữ vững vẻ ngoài thản nhiên, bình lặng khi thấy ông. Cả ông cũng chẳng quan tâm, chăm sóc bà. Càng lớn, tôi càng thấy gia đình mình có đủ ba, đủ mẹ, nhưng chẳng đủ hạnh phúc.
|
Tôi biết nhà mình có đủ đầy thành viên, nhưng không đủ hạnh phúc - Ảnh minh họa |
Lần kinh thiên động địa nhất là một lần ba tôi về sau rất nhiều ngày đi vắng. Đêm hôm ấy tôi tỉnh giấc vì những tiếng động phát ra từ phòng ba mẹ. Tiếng mẹ tôi khóc, tiếng ba tôi thở dài, chốc chốc họ lại gắt lên những câu mà có muốn bịt tai, tôi vẫn nghe rõ mồn một.
Tôi biết ba đã phản bội mẹ. Những lần rong ruổi, ông quen biết và yêu một cô gái trẻ hơn mẹ tôi rất nhiều. Năm ấy mẹ tôi đã ngoài 40, chúng tôi đều đã lớn, đều đã hiểu chuyện và biết thế nào là đúng sai.
Trong khi ba tôi của những năm ngoài 40 đầy năng lượng, sức khỏe thì mẹ tôi đã yếu dần. Bà chẳng còn cái eo nhỏ thon thuở thắt đáy lưng ong, những vết nhăn cũng đã xuất hiện dày ở đuôi mắt. Mẹ tôi chẳng có thời gian để nghĩ về nhan sắc, bà chỉ quần quật mỗi ngày để nuôi nấng con cái, chu toàn gia đình. Tối hôm ấy, tôi nhớ mãi câu nói của cả ba. Mẹ tôi khóc nấc, nói trong tiếng nghẹn:
“Con cái lớn cả rồi, anh đừng để chúng nó biết mà sinh ra buồn hận. Tầm tuổi như anh, ăn ngủ với một con bé trạc tuổi con mình. Anh không thấy xấu hổ ư?”.
“Có gì mà xấu hổ, ở với cô tôi mới xấu hổ. Gái già còn gì đáng giá mà lắm chuyện!"
Tôi ước gì mình có thể nghe câu nói ấy thay mẹ. Bởi sau khi những lời đó thốt ra khỏi miệng ba tôi, mẹ tôi đã nín lặng. Cũng từ ngày hôm đó, tôi có cái nhìn thay đổi hoàn toàn về ba mình. Tôi chẳng còn tôn trọng ông như trước, đồng thời, tôi thương mẹ mình nhiều hơn.
|
Câu nói của ba tôi là vết thương cho mẹ mãi mãi - Ảnh minh họa |
Chẳng biết ba tôi vui thú với người tình trẻ được bao năm, chỉ biết bấy nhiêu năm đó là bấy nhiêu năm mẹ tôi chịu đựng. Tình cảm bà dành cho ông dường như đã hết, tôi đọc được điều ấy qua những lần ông về, bà thản nhiên chẳng buồn nhìn mặt. Căn nhà ở quê như một nơi ở trọ của ba tôi, ông chỉ ghé về một vài ngày rồi lại đi.
Đêm trước ngày đi lấy chồng, tôi mới can đảm thủ thỉ với mẹ. Tôi nói bà là vô giá với chúng tôi, những gì bà làm cho cả chồng và con đều không thể tính bằng tiền. Có thể nhan sắc bà không bằng người phụ nữ trẻ trung, son rỗi kia, nhưng những gì bà đã tần tảo, hi sinh là chẳng thể đong đếm được. Đêm hôm ấy, hai mẹ con tôi đều khóc, những giọt nước mắt giống nhau, đều rơi xuống vì một câu nói hững hờ của một người đàn ông cứ ngỡ là thân thiết nhất.
Chẳng biết thế nào mà gần 10 năm sau, ba tôi dọn về ở chung hẳn với mẹ. Ông không đi nữa, bệnh tật hoành hành ông, người phụ nữ kia đã bỏ ông để lập một gia đình mới. Ba trở về với mẹ tôi, trong cái nhìn thản nhiên của bà, trong sự bình lặng, chẳng muốn nói nửa lời.
Ở cái tuổi xế tà như ba và mẹ, tôi chẳng thể vì mối giận năm xưa mà tách ông ra khỏi bà. Tôi cũng không hiểu mẹ đã làm thế nào để bỏ qua những phản bội, dối lừa của ba năm xưa. Tôi chỉ thấy mẹ vẫn sáng sáng đi chợ, mua thức ăn nấu những bữa cơm rồi cùng ba tôi ngồi ăn. Tôi vẫn thấy mẹ bốc thuốc, thổi lửa nấu cho ông từng thang thuốc bắc...
|
Ở tuổi xế chiều, ba tôi mới nhận ra mẹ là người đáng giá - Ảnh minh họa |
Hẳn ba tôi đã nhận ra sự đáng giá của mẹ khi những ngày trái gió trở trời có bát thuốc trên tay, khi chúng tôi đều đã khôn lớn, giỏi giang. Bà vô giá khi mà biết lo cho gia đình tròn vẹn, chăm sóc phần mộ ông bà tổ tiên, cúng bái đầy đủ chẳng sót lần nào. Bà vô giá khi mà dẫu còn giận ông đến cuối đời, vẫn không xua đuổi ông đi. Chỉ là bà chưa bao giờ nằm chung giường với ông.
Có dạo về thăm nhà, tôi thấy ban đêm mẹ vẫn nằm chiếc chõng tre ngoài buồng ngủ, ba tôi nằm trong. Tôi khẽ nằm bên mẹ, ôm lấy đôi vai bà. 10 năm nay, từ ngày ba tôi về, mẹ đã nhường cái buồng ngủ kín gió cho ba, ba nói thế nào bà cũng từ chối vào. Bà nói, ngủ 1 mình đã quen.
Tôi hiểu, mẹ hết tình nhưng còn nghĩa. Chao ôi, giá mà ba tôi hiểu được rằng câu nói của ông thời trẻ đã làm mẹ tổn thương thế nào. Giá mà hồi ấy ông hiểu rằng người đáng giá nhất trên đời này lại chính là mẹ, có lẽ chúng tôi đã có một gia đình hạnh phúc đủ đầy!
Nhưng mà phải đi gần hết một đời, ông mới nhận ra…
Huyền Thanh