PNO - PN - Đầu tắt mặt tối làm việc kiếm tiền, chăm sóc gia đình nhưng nhiều phụ nữ lại phải chịu sự thóa mạ, đày ải của chồng. Tệ hơn, những ông “chủ” ấy còn cắt cả nguồn sống tối thiểu khi “đo lọ nước mắm, đếm củ...
Chị L.T.Q. (ảnh trái) và chị P.T.T. (ảnh phải) ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị chồng bạo hành gây chấn thương
● Chị Hoàng Thị H. (SN 1971, ngụ ở xã Bình Lợi, H. Bình Chánh, TP.HCM): Vợ chồng tôi tạo dựng được một trang trại nhỏ với hơn mười con bò sữa. Bao nhiêu vốn liếng đều dồn vào đấy. Vậy mà, thu nhập từ sữa bò, bán bò, chồng tôi quản hết, tôi không được phép đụng vào. Nhà có bốn miệng ăn nhưng mỗi sáng chồng chỉ phát 100.000đ tiền chợ. Vật giá ngày một leo thang mà “lương” chồng phát vẫn vậy từ 5 năm nay. Mới đây, chồng có con riêng, giao về cho tôi nuôi. Thằng bé đòi ăn vặt, mua đồ chơi, chồng không cho tiền, cứ bắt tôi trích ra từ 100.000đ đó. Tiền quá eo hẹp nhưng nếu tôi không lo tròn bữa cơm, thức ăn sơ sài là chồng đánh, chửi, bảo tôi “ém” tiền cho mẹ ruột. Tôi phải làm quần quật suốt ngày, vừa lo cơm nước, chăm sóc đứa bé, tắm táp, cắt cỏ cho bò (chồng không làm cũng không thuê người). Mỗi khi đạp xe trên đường từ nhà sang trang trại, tôi phải dừng lại nhiều lần để lượm ve chai để kiếm chút tiền mua những thứ lặt vặt cho riêng mình. Tôi sống tủi cực, đau khổ dù kinh tế gia đình không đến mức khó khăn. Với bản thân mình, chồng lại sắm sửa đủ thứ, quần áo hiệu; thường đổi xe, điện thoại loại đắt tiền. Mười mấy năm nay, tôi âm thầm chịu đựng, không tố cáo hay báo chính quyền. Lấy phải người chồng có tính hà tiện, bủn xỉn, đành chấp nhận, tôi tự an ủi, thế vẫn hơn những ông bài bạc tán gia bại sản.
● Chị Nguyễn Thị N. (SN 1963, tạm trú ở P.14, Q.4, TP.HCM): Tôi khổ vì chồng gia trưởng, độc tài nhưng chưa bao giờ dám lên tiếng. Đến trình bày tại Báo Phụ Nữ để nhờ tư vấn tìm lối thoát là lần đầu tiên tôi đem chuyện nhà nói với người ngoài. Tôi bất ngờ, té ra lâu nay tôi là nạn nhân bị bạo hành mà không biết. Tôi tưởng cứ phải đánh đập thì mới là vi phạm. Thực ra, bị quản lý thắt ngặt về tiền bạc cũng gây bức bối, tổn hại không kém.
Hơn mười năm trước, vợ chồng tôi bán một phần đất ở Thanh Hóa và gom góp tiền từ lâu tích lũy để đưa cho chồng vào Bình Phước lập nghiệp. Khi hai mẫu tiêu, điều, cà phê chưa cho huê lợi, tôi ở Thanh Hóa phải làm thuê để vừa nuôi con, vừa gửi tiền vào cho chồng đầu tư, chăm bón cây. Sau vài năm, đã có thu hoạch nhưng chồng không gửi tiền cho mẹ con tôi.
Vào thăm chồng, tôi tìm hiểu và biết được ông ấy có mối quan hệ trên mức bình thường với cô hàng xóm. Tôi yêu cầu chồng công khai tiền bạc, chồng bảo huê lợi rất ít, chỉ đủ mua gạo. Chồng phủ nhận chuyện ngoại tình, bị “đào mỏ”. Khi tôi đòi gửi tiền về nuôi con hoặc tôi sẽ vào sống chung, cùng quản lý nguồn thu của rẫy thì chồng cự nự, làm dữ, dọa ly hôn. Trừ chi phí, phỏng tính mỗi tháng huê lợi từ hai mẫu đất được hơn mười triệu đồng. Nhưng mẹ con tôi không hề được hưởng một đồng. Tôi bị bệnh viêm khớp, viêm xoang vẫn phải lội ruộng làm cỏ, cắt lúa mướn, không có tiền đi bệnh viện. Mùa thi đại học này, con gái út vào TP.HCM dự thi, tôi phải chạy mượn tiền. Tôi định theo con vào TP.HCM tìm việc để lo tiền học cho con nhưng chắc không kham nổi. Nếu chồng bỏ mặc, tiếp tục thâu tóm tiền bạc, tôi sẽ nhờ chính quyền, pháp luật can thiệp đòi lại công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mẹ con tôi.
Diệu Hiền (thực hiện)
Bài 2: Cắn răng chịu nhục
DỰ THẢO QUY ĐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH CỦA BỘ CÔNG AN: CHỒNG CHÉO, TRÁI LUẬT
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin và công bố dự thảo lần thứ ba của Bộ Công an quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là về các điều khoản liên quan đến gia đình.
Có nhiều bài viết trên báo chí phân tích mổ xẻ nội dung quy định xử phạt về hành vi BLGĐ, như: quy định không khả thi, chưa gắn với thực tế, khó chứng minh yếu tố lỗi… trong đó có nhiều ý kiến của các chuyên gia. Tuy nhiên, vấn đề này không có gì mới. Ngày 21/11/2007, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống BLGĐ. Đến năm 2009, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2009/NĐ-CP, ngày 10/12/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ, quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/1/2010. Nghị định này cũng đã bãi bỏ một số điều của Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, để bảo đảm tính thống nhất, không bị chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật khi áp dụng.
Như vậy, riêng về lĩnh vực phòng, chống BLGĐ đã có luật chuyên ngành và để thực thi luật này, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định chuyên về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ để thi hành hơn ba năm nay. Căn cứ nghị định trên thì công an nhân dân cũng có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ.
Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao mà lần này Bộ Công an lại đưa ra dự thảo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự mà lại có cả lĩnh vực phòng chống BLGĐ. Trong khi nội dung cụ thể của dự thảo (về hành vi vi phạm và mức xử phạt BLGĐ) thì gần như “sinh đôi” với Nghị định 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Theo quy định tại điều 5 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì: “Văn bản quy phạm pháp luật không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”, nên dự thảo nói trên là dư thừa, vừa chồng chéo vừa không đảm bảo tính thống nhất trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.