Gạc Ma: 25 năm nguyên vẹn một ký ức

14/03/2013 - 15:15

PNO - PNO - Những anh hùng trở về từ trận hải chiến Trường Sa vào ngày 14/3/1988 đã có buổi gặp gỡ xúc động tại TP Đà Nẵng sáng nay 14/3/2013. Ký ức về trận chiến oanh liệt 25 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tâm tưởng các cựu binh.

Sáng 14/3, Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng đã tổ chức chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” với sự tham dự của các cựu binh và thân nhân 9 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa. Đặc biệt có sự tham dự của anh hùng Nguyễn Văn Lanh, anh Lê Hữu Thảo, những nhân chứng sống từng chiến đấu trực tiếp với kẻ thù ngày 14/3/1988.

Gac Ma: 25 nam nguyen ven mot ky uc

Các khách mời tại buổi giao lưu (từ trái: anh Lê Hữu Thảo,  ông Hoàng Văn Hoan, bà Lê Thị Muộn và anh hùng Nguyễn Văn Lanh)

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Thái Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Đà Nẵng cho rằng, buổi giao lưu là cơ hội để tri ân 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma cách đây 25 năm. Sáng 14/3/1988, sau nhiều ngày khiêu khích, lính Trung Quốc bắt đầu tràn lên đảo Gạc Ma tìm cách nhổ Quốc kỳ nước ta. Sau đó, chúng dùng vũ lực tấn công các chiến sĩ ta đang làm nhiệm vụ trên đảo. Trong cuộc chiến này, Đà Nẵng có 9 người con nằm lại vĩnh viễn nơi biển xa, trong đó có 7 người thuộc phường Hòa Cường, quận Hải Châu.
Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đã được nghe anh Nguyễn Văn Lanh, anh Lê Hữu Thảo kể về thời khắc sinh tử của mình và đồng đội trước cuộc tấn công xâm lược dã man của quân Trung Quốc.

Gac Ma: 25 nam nguyen ven mot ky uc

Đông đảo cán bộ, chiến sĩ, người dân và thế hệ trẻ TP Đà Nẵng có mặt tại buổi giao lưu

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh, một trong những người sống sót trở về sau trận chiến giữ đảo Gạc Ma kể lại, khi lính Trung Quốc tấn công, thiếu úy Trần Văn Phương đã hô lớn: “Thà hy sinh tất cả chứ không để mất lá cờ Tổ Quốc”. Tôi cùng anh Phương và 8 người nữa đứng giữ cờ Tổ Quốc. Sau đó, anh Phương hy sinh dưới lưỡi lê của lính Trung Quốc. Bản thân tôi cũng bị đâm vào vai nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến lúc ngất xỉu vì trúng đạn của quân địch. Lúc tỉnh lại, tôi được tàu hải quân của ta vớt lên và đau đớn tột cùng khi biết 64 đồng đội đã anh dũng hy sinh, đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ.

Có mặt tại buổi giao lưu, anh Lê Hữu Thảo vô cùng xúc động khi gặp lại người đồng đội cũ Nguyễn Văn Lanh sau 25 năm xa cách. Anh Thảo là 1 trong 3 chiến sĩ chiến đấu trên đảo Gạc Ma năm đó. Anh Thảo kể: “Chúng tôi chỉ có 2 khẩu súng AK để bảo vệ đảo. Mặc cho địch khiêu khích, chiến sĩ ta vẫn giữ được bình tĩnh, thực hiện công việc bình thường. Khi quân Trung Quốc tấn công trực diện, các chiến sĩ ta phải dùng cuốc, xẻng đánh trả trước vũ khí được trang bị hiện đại của địch”. Anh Thảo bị thương nhưng vẫn kiên cường cứu được 2 đồng đội và đưa thi thể thiếu úy Trần Văn Phương lên tàu HQ 505. 10 ngày sau, các anh được tàu hải quân đưa vào đất liền.

Ông Hoàng Văn Hoan, nguyên phó chỉ huy Trung đoàn công binh 83 ra đảo Gạc Ma năm 1988 nhớ lại, chiến sĩ ta trên đảo Gạc Ma chủ yếu là lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo nên hầu hết không được trang bị vũ khí.

Gac Ma: 25 nam nguyen ven mot ky uc

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết (bìa trái) tặng quà cho thân nhân các liệt sĩ

Có mặt tại buổi giao lưu, bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự dù đã ở tuổi 81 vẫn còn rất minh mẫn. Bà mang đến buổi giao lưu chiếc áo được may từ áo hải quân - kỷ vật của con trai . “Tôi may chiếc áo này đã 25 năm, đi đâu quan trọng tôi đều mặc nó trên người. Nhờ có tấm áo này, tôi cảm giác con trai luôn ở bên”, bà Muộn rưng rưng nói. Bà Muộn kể, anh Phan Văn Sự đăng ký nhập ngũ khi đang học phổ thông nhưng không cho gia đình biết. Đến lúc có giấy gọi nhập ngũ, anh mới thông báo cho gia đình là sẽ lên đường làm nhiệm vụ ở Trường Sa. “Ngày nó ra đi cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn mặt con trai. Suốt 25 năm qua, tôi vẫn mong ngóng có ngày tìm được hài cốt con trai đưa về an táng tại quê hương. Nỗi đau mất con dai dẳng suốt cuộc đời nhưng nếu được chọn lại tôi vẫn đồng ý cho con lên nhập ngũ. Sự hy sinh của Sự là niềm tự hào của cả gia đình tôi”, bà Muộn khẳng định.

Kết thúc buổi giao lưu, ông Hoàng Văn Hoan, nguyên phó chỉ huy Trung đoàn công binh 83 mong muốn thế hệ trẻ được tuyên truyền nhiều hơn về chủ quyền biển đảo trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Anh Nguyễn Văn Lanh, anh Lê Hữu Thảo cũng nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước truyền thống anh dũng, kiên cường của thế hệ ông cha đi trước. Anh Lê Hữu Thảo cũng mong muốn được cùng những đồng đội còn sống sau cuộc hải chiến bi hùng ở Trường Sa, có dịp thăm lại nơi mình đã gắn bó, chiến đấu một thời.

Tại buổi giao lưu, UBND TP Đà Nẵng đã tặng những phần quà ý nghĩa cho thân nhân 9 liệt sĩ - những người con Đà Nẵng đã hy sinh trong trận hải chiến 14/3/1988.

ĐÌNH THỨC


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI